Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng Bộ chỉ số thống kê về văn hóa: Để có giải pháp tạo sức bật

Thứ Sáu 22/10/2021 | 12:36 GMT+7

VHO-  PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một trong những khó khăn của ngành văn hóa trong thời gian qua là thiếu định lượng cụ thể về sự phát triển của từng lĩnh vực. Do đó chưa xác định được đúng thực trạng phát triển và giải pháp, sự đầu tư chưa tương xứng, chưa đủ sức mạnh để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã trao đổi với Văn Hóa về nội dung thống kê các chỉ số phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Xin ông cho biết sự cần thiết của hoạt động thống kê các chỉ số phát triển đối với việc đưa ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê trong giai đoạn hiện nay có vai trò rất quan trọng. Nếu làm tốt hoạt động thống kê sẽ giúp đánh giá thực trạng phát triển của xã hội chính xác hơn; từ đó đề ra những giải pháp phù hợp. Đối với ngành văn hóa, đây là cơ hội để đánh giá, định lượng chính xác thực trạng phát triển của ngành. Từ đó chúng ta có những giải pháp phù hợp với thực trang đó. Quan điểm của Đảng luôn xác định tầm quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua việc không định lượng được chính xác những chỉ số phát triển của văn hóa, dẫn đến việc không đánh giá đúng thực trạng, hầu hết chỉ dựa trên định tính nên sự quan tâm một cách cụ thể đối với sự phát triển văn hóa chưa đúng mức. Mặt khác, cũng vì chưa xác định được đúng thực trạng nên văn hóa trong nhiều năm chưa có được giải pháp và sự đầu tư phù hợp.

Đối với việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu xác định đóng góp của các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và sự phát triển chung của đất nước lại càng bức thiết. Chiến lược xác định những chỉ tiêu cụ thể, chẳng hạn như đến năm 2030, mục tiêu là phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Trong đó, điện ảnh đóng góp đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt đạt khoảng 125 triệu USD); nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; quảng cáo đạt khoảng 3.200 triệu USD; du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Việt Nam đang triển khai thí điểm Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững do UNESCO khởi xướng để thực hiện chương trình nghị sự về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chúng ta được lựa chọn là một trong số 8 quốc gia thực hiện thí điểm. Việc định lượng sự phát triển văn hoá rất quan trọng, qua đó để chứng minh đóng góp của lĩnh vực văn hoá vào sự phát triển chung của đất nước, từ đó có những quan tâm, đầu tư xứng đáng.

Như vậy, việc xây dựng bộ chỉ số văn hóa riêng của Việt Nam vừa là một nhu cầu quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước; vừa phù hợp xu hướng chung của thế giới. Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta muốn chứng minh sức mạnh kinh tế của văn hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết thì việc xây dựng bộ chỉ số văn hóa riêng của Việt Nam là một yêu cầu quan trọng.

Ông có thể nêu những ví dụ về việc thiếu định lượng khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc đưa ra những định hướng, giải pháp đầu tư tương xứng cho phát triển văn hóa?

- Khi chúng ta xây dựng hồ sơ Hà Nội - Thành phố sáng tạo thì một trong những khâu khó khăn nhất chính là xác định đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của Hà Nội. Hoặc khi tham gia viết báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, các chuyên gia của chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu định lượng về sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa.

Hiện nay trong Chỉ tiêu thống kê quốc gia ở lĩnh vực văn hóa mới có một chỉ tiêu thống kê là số di sản văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, văn hóa có độ bao phủ rộng, nhiều lĩnh vực, chỉ tiêu thống kê không chỉ có các di sản văn hóa quốc gia. Sự đóng góp của văn hóa trong bức tranh phát triển chung của đất nước còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đến mỹ thuật, du lịch văn hóa, quảng cáo, thời trang... Khó khăn trong công tác thống kê của ngành dẫn đến nhiều khó khăn trong đề xuất các giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Chúng ta sẽ không thể có được những giải pháp phát triển, sự đầu tư đúng tầm khi không biết lĩnh vực nào đang mạnh, lĩnh vực nào đang yếu, nguyên nhân vì sao.

 Nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực có nhiều đóng góp trong phát triển CNVH

Vậy để khắc phục những khó khăn này, giải pháp là gì, thưa ông?

- Những khoảng trống thì cần phải lấp đầy. Tất nhiên cũng thấy rằng, đây là những chỉ số thống kê ở quy mô quốc gia, vì vậy không thể chia ra quá chi tiết. Nhưng rõ ràng khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã xác định chỉ số đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa là 7% GDP đến 2030, tức là mong muốn lĩnh vực văn hóa thể hiện sức mạnh kinh tế của mình thì nhất định không thể không có đo lường, định lượng cụ thể.

Do vậy, cần xác định một số chỉ tiêu quan trọng đối với sự phát triển của ngành, đồng thời cũng là những chỉ tiêu quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh danh mục thể hiện chi tiết việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu quốc gia thì phải có thêm danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh chính sách pháp luật trong thời gian gần đây cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Xin ông nói rõ thêm về giải pháp nâng cao chất lượng thống kê đối với các chỉ tiêu phát triển của ngành?

- Đầu tiên phải có chỉ số thống kê, trên cơ sở đó có hoạt động thống kê cho từng lĩnh vực và triển khai chỉ số thống kê đó xuống các địa phương, từ đó sẽ có những thống kê cụ thể. Chúng ta đang sống trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy cần ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp này để có những con số thống kê chính xác, làm cơ sở dữ liệu để đưa ra các quyết định quản lý phù hợp, hiệu quả.

Bộ VHTTDL cũng đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê của ngành. Theo đó, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội xây dựng và thí điểm Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững. Việc thực hiện thí điểm được tiến hành ở quy mô quốc gia và ở quy mô địa phương thì đang triển khai tại Thừa Thiên Huế. Đây là những tiền đề cơ sở để chúng ta xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê riêng của Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành, vừa phù hợp xu hướng chung của thế giới. Việc ngành văn hóa xây dựng được Bộ chỉ số thống kê trong Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung lần này sẽ phản ánh những thông tin định lượng về văn hóa, để có những giải pháp tạo sức bật, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

BẢO NGÂN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top