Lại chuyện biển tên di tích ở Phủ Dầy

vho- Cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương và Nam Định nhận được đơn đề nghị của thủ nhang Phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) “tha thiết được treo biển tên di tích Phủ Tiên Hương thành Phủ chính Tiên Hương”.

Lại chuyện biển tên di tích ở Phủ Dầy - Anh 1

 Tiến hành tháo dỡ biển tên tại Phủ Tiên Hương năm 2019

 Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng mới có văn bản trả lời theo đó cơ bản thống nhất với đề nghị, tuy nhiên chính quyền địa phương lại muốn văn bản của cấp có thẩm quyền cao hơn mới tiến hành xem xét...

Vậy là chuyện dựng biển tên di tích ở quần thể Phủ Dầy lại được bàn tán, xem như vẫn chưa có hồi kết. Còn nhớ, cách đây hai năm du khách thập phương và người dân sở tại phản ứng vì ở quần thể di tích nổi tiếng này thủ nhang ở nhiều phủ đã tự ý dựng biển gắn liền với tên gọi “Phủ chính”. Thời điểm đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc, đồng thời yêu cầu thủ nhang của những phủ đó phải tháo dỡ biển có đi kèm chữ “Phủ chính”. Ngay sau đó các phủ đã chủ động tháo dỡ biển tên di tích. Ngày 28.1.2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ra quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL sửa tên gọi di tích tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) tại Phụ lục của quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21.2.1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) về việc xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa Đợt 4, thành Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh).

Căn cứ quyết định của Bộ VHTTDL và Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, thủ nhang Phủ Tiên Hương cho rằng việc đặt biển hiệu tên gọi Phủ chính Tiên Hương là hoàn toàn phù hợp với tài liệu lịch sử và quy định của pháp luật. Qua tìm hiểu được biết, cụm từ “Phủ chính” và “Phủ chính Tiên Hương” xuất hiện lần đầu vào năm 1892 trên văn bia “Tiến cúng điền bia”, soạn khắc vào niên hiệu vua Thành Thái 4 (1892) hiện đang lưu giữ tại nhà bia Phủ Tiên Hương. Cuốn lý lịch di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy của Ban quản lý và danh thắng thuộc Sở VHTTDL Nam Định cũng ghi: “Theo các nguồn tư liệu khoa học và tâm thức dân gian, Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ chính và Phủ chính Tiên Hương. Ngoài ra hiện còn nhiều bia ký, hiện vật, cổ vật đang lưu giữ, bảo quản tại Phủ Tiên Hương cũng thể hiện rõ nơi đây là Phủ chính...

Trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của thủ nhang Phủ Tiên Hương, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 812/DSVH-DT gửi Sở VHTTDL Nam Định, trong đó cho biết, “Cục Di sản văn hóa cơ bản thống nhất với đề nghị của bà Trần Thị Huệ về việc treo biển tên di tích là “Phủ chính Tiên Hương”. Đồng thời đề nghị Sở VHTTDL Nam Định chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp (tại Phủ Tiên Hương), tại biển chỉ dẫn đường đến di tích), đảm bảo trang trọng và đúng theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích. Những tưởng bằng sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của Cục Di sản văn hóa, cơ quan của Bộ VHTTDL có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa, được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương sẽ tạo điều kiện cho thủ nhang Phủ Tiên Hương lắp dựng biển di tích. Nhưng việc này vẫn chưa thể thực hiện được vì chính quyền địa phương yêu cầu phải chờ những văn bản khác của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Trong thời gian chờ văn bản khác thủ nhang Phủ Tiên Hương vẫn phải giữ nguyên “hiện trạng”.

Để câu chuyện biển tên di tích trong quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy không trở thành vấn đề gây nên sự bức xúc trong dư luận, thiết nghĩ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp theo hướng cùng với cấp có thẩm quyền tiến hành hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm định danh một cách đầy đủ của từng Phủ. 

 LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc