Di tích quốc gia Núi Đọ bị “xâu xé” nghiêm trọng: Ai tham mưu để di sản quốc gia bị “chia năm xẻ bảy”?

VHO- Bị xâm hại, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất di tích sai quy định…, là thực trạng đang diễn ra tại di tích quốc gia Núi Đọ vừa được Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa chỉ ra sau khi tiến hành kiểm tra thực địa tại di tích này.

Di tích quốc gia Núi Đọ bị “xâu xé” nghiêm trọng: Ai tham mưu để di sản quốc gia bị “chia năm xẻ bảy”? - Anh 1

 Dấu tích Bàn chân tiên tại di tích quốc gia Núi Đọ, hiện nằm trong diện tích đất của một hộ gia đình đã được chính quyền địa phương cấp “sổ đỏ”

Theo hồ sơ khoa học, di tích di chỉ khảo cổ Núi Đọ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng chính thức đợt I trong 62 di tích và danh thắng thuộc các tỉnh, thành, khu cần bảo vệ theo pháp luật Nhà nước tại Quyết định số 313-VH/VP ngày 28.4.1962. Sau khi kiểm tra thực tế tại di tích, đoàn công tác của Sở VHTTDL Thanh Hóa khẳng định, việc các địa phương sử dụng đất di tích quốc gia Núi Đọ cấp cho người dân ở, sinh sống là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Nghiêm trọng hơn, mặc dù là đất di tích quốc gia Núi Đọ đã được Nhà nước khoanh vùng bảo vệ, tuy nhiên các ngành và chính quyền địa phương lại tham mưu cho tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch thành đất ở dân cư, đất rừng sản xuất, đất nghĩa địa, đất giao thông (đường cao tốc Bắc - Nam).

Cụ thể, di tích quốc gia Núi Đọ có tổng diện tích khoảng 130.34 ha, hiện nay thuộc địa phận xã Tân Châu (Thiệu Hóa); phường Thiệu Khánh và Thiệu Vân (TP Thanh Hóa) quản lý. Trong đó có 235 hộ gia đình đang sinh sống xung quanh tại khu vực Núi Đọ, trước đó đã được UBND huyện Đông Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1994 và được UBND huyện Thiệu Hóa cấp đổi năm 2012. Riêng dấu tích Bàn chân Tiên nằm trong diện tích đất của gia đình ông Đỗ Văn Tao sử dụng từ năm 1994, được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 500m2, đến năm 2012 cấp lại giấy quyền sử dụng đất cho ông Đỗ Văn Toản (con trai ông Tao) diện tích đất 2.730,3m2 thuộc loại đất ở nông thôn.

Điều đáng nói, theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, huyện Thiệu Hóa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 3.5.2019, khu vực Núi Đọ thuộc địa giới huyện Thiệu Hóa có chức năng là đất rừng sản xuất, khu vực chân núi có chức năng một phần là đất ở nông thôn, đất trồng cây lâu năm, đất giao thông (quy hoạch đường cao tốc Bắc - Nam). Cũng theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố Thanh Hóa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 24.5.2019, khu vực Núi Đọ thuộc địa giới thành phố Thanh Hóa có chức năng là đất rừng sản xuất, khu vực chân núi có chức năng một phần là đất ở nông thôn, một phần là đất nghĩa địa.

Trước những vi phạm và tồn tại vô số bất cập nói trên, đoàn kiểm tra nhận định việc chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng đất đai của di tích bị xâm hại, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng là vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích khu di chỉ Thiệu Dương và Đông Sơn, trong đó có Núi Đọ của các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng, dẫn đến tình trạng đất đai của di tích bị xâm hại, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai trong nhiều năm qua. Về hướng xử lý trong thời gian tới, Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, hiện nay biên bản khoanh vùng di tích không còn phù hợp nên đề nghị cấp có thẩm quyền tiến hành khoanh vùng lại di tích là cần thiết, do di tích được phân bố trên địa bàn rộng lớn. Việc xác định khoanh vùng di tích và sơ đồ khoanh vùng khu vực bất khả xâm phạm và bảo vệ di tích lập năm 1961 không có diện tích cụ thể, phạm vi, ranh giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Mặt khác, thực tế đất đai của di tích sau 60 năm được xếp hạng đến nay đã có sự thay đổi lớn cả về địa giới hành chính, cấp quản lý, cũng như việc sử dụng đất.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở VHTTDL tham mưu có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL cho phép rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, biên bản khoanh vùng để đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa và UBND huyện Thiệu Hóa, khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất trong khu vực phân bố của di tích khu di chỉ Thiệu Dương và Đông Sơn, thành phố và huyện Thiệu Hóa; tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân được cấp đất ở đang sinh sống, các hộ dân được giao đất rừng sản xuất trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Núi Đọ nói riêng, khu di chỉ Thiệu Dương và Đông Sơn, thuộc thành phố Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa không được phép xây dựng, đào bới làm thay đổi hiện trạng của di tích.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cần thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Ðể chấn chỉnh tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích, chính quyền cấp tỉnh cần làm rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra những vi phạm; tuân thủ nghiêm túc Luật Di sản văn hóa trong quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc