Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Du lịch châu Á chuyển hướng

Thứ Tư 10/11/2021 | 10:37 GMT+7

VHO- Sự thiếu hụt nguồn khách quốc tế chủ lực đến từ Trung Quốc đang khiến nhiều nhà điều hành du lịch tại các nước châu Á phải điều chỉnh chiến lược tiếp thị, thu hút các dòng khách từ các quốc gia, khu vực đã tái mở cửa biên giới.

Nhiều nước châu Á đang điều chỉnh nguồn khách quốc tế sang các thị trường mới Ảnh: AP

Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu (GTERC), năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỉ USD (tăng 5,2% so với năm 2017), chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á và chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới. Đồng thời, khách du lịch Trung Quốc còn có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao với 1.850 USD/chuyến đi, nằm trong top đầu các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc giữ công suất hàng không quốc tế chỉ ở mức 2% so với thời kỳ trước khi đại dịch và vẫn chưa nới lỏng các hạn chế đi lại chặt chẽ, bởi nước này quyết giữ mục tiêu “không Covid-19”. Vì thế, nguồn khách nước ngoài chủ lực của nhiều quốc gia cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp không khói tại châu Á.

Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys ước tính, tới năm 2025, du lịch nước ngoài của Trung Quốc mới có thể hồi phục ở mức trước đại dịch. Bởi vậy, các hãng hàng không cũng buộc phải đánh giá lại các tuyến đường bay, vì dữ liệu năm 2019 cho thấy, 38% du khách Trung Quốc đã di chuyển bằng máy bay của các hãng hàng không ngoại quốc. Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA) nhấn mạnh: “Các điểm đến phải xác định thị trường mới và học cách tiếp thị, cũng như phục vụ các nền văn hóa khác nhau”. Theo bà Liz Ortiguera, Maldives là một điển hình trong việc linh hoạt tiếp cận các nguồn khách quốc tế trong đại dịch. Thay vì tập trung vào nguồn cung khách du lịch từ Trung Quốc như trước Covid-19, Maldives đã dồn hướng quảng bá rầm rộ tại các triển lãm thương mại, nhắm tới lượng khách dồi dào từ Ấn Độ, Nga. Nhờ vậy, số lượng khách tới chuỗi đảo này trong 9 tháng qua chỉ giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Steven Schipani, chuyên gia du lịch tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại dịch Covid-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường nguồn. Theo đó, các nước châu Á sẽ phải nỗ lực mở rộng hơn nữa để thu hút du khách từ các nguồn khác như thị trường châu Âu. Trong khi đó, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhận định: “Đông Nam Á là điểm đến đường dài phổ biến với du khách châu Âu, vì vậy việc mở cửa biên giới với người châu Âu là rất quan trọng”. Đáng chú ý, thị trường du lịch châu Âu đang phục hồi nhanh hơn nhiều khu vực khác, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và các hạn chế đi lại đã được nới lỏng. Do vậy, nhiều nước châu Á cũng đang nhắm đến thị trường triển vọng này khi tái kết nối hoạt động du lịch lữ hành quốc tế.

Tại Thái Lan, quốc gia đi đầu trong tái khởi động đón khách quốc tế, việc tiếp thị du lịch cũng được chuyển trọng tâm sang châu Âu, Ấn Độ, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, để bù đắp cho lượng khách Trung Quốc vắng bóng, vốn chiếm 25-30% hoạt động kinh doanh của xứ sở chùa vàng trước Covid-19. Bà Somsong Sachaphimukh, Phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan đánh giá, với sức chi tiêu cao và rất nhiều tiềm năng, thị trường Ấn Độ có thể hỗ trợ ngành du lịch Thái Lan trong thời gian này, dù khó so sánh với lượng khách và doanh thu từ khách Trung Quốc. Ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu trong 2 tháng cuối năm nay sẽ thu hút được 1 triệu lượt du khách nước ngoài. Trong khi đó, tại Singapore, nơi khách Trung Quốc chiếm khoảng 20% vào năm 2019, đã mở hành lang du lịch tiêm chủng với 13 quốc gia, nhưng chưa có Trung Quốc mà chủ yếu là các châu Âu và Bắc Mỹ.

Hiện Trung Quốc cũng đang triển khai các giải pháp kích cầu, gia tăng sức hấp dẫn của thị trường du lịch nội địa, cùng với nhiều dịch vụ mua sắm miễn thuế, khiến người dân muốn đi du lịch trong nước. Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Du lịch nước ngoài Trung Quốc Wolfgang Georg Arlt nhận định, thị trường sẽ thay đổi, vì thế người Trung Quốc đi du lịch vào năm 2022 sẽ khác với người Trung Quốc đi du lịch vào năm 2019. Điều đó cũng đồng nghĩa ngành du lịch của nhiều quốc gia châu Á có nguy cơ sụt giảm nguồn thu vì thiếu hụt khách Trung Quốc. Vì vậy, việc tái cơ cấu, đa dạng nguồn khách trở thành nhiệm vụ cấp thiết trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp không khói của nhiều nước châu Á. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top