Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

VHO- Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi đang diễn ra tại tòa nhà Quốc hội là sự kiện đặc biệt do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24.11 tới.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Anh 1

  Không gian triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại tòa nhà Quốc hội

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào ngày 24.11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi trưng bày 320 hình ảnh, 123 tài liệu, hiện vật với nhiều nội dung quan trọng: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Anh 2

Một góc triển lãm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng văn hóa bởi văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Người có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực này. Điểm nhấn tại triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi là những hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật đặc biệt như: Sưu tập thiếp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28.2.1957; tác phẩm Đạo đức Cách mạng năm 1958; thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc, ngày 31.3.1960; bản thảo Thành tích vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1961... Triển lãm cũng trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật phản ánh phong cách, lối sống giản dị, thanh cao, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Bộ quần áo lụa; đôi guốc mộc; gậy song; quạt lá cọ... Các hình ảnh, hiện vật, tài liệu về Hồ Chí Minh chuẩn mực trong văn hóa ứng xử; Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng giao lưu văn hóa quốc tế; Thế giới tôn vinh danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh cũng là những điểm nhấn đặc biệt ở triển lãm.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Anh 3

Những hiện vật về phong cách, lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Văn hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn hóa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là những nội dung quan trọng tại triển lãm, trưng bày các hiện vật lịch sử đặc biệt giá trị được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Một số hiện vật tiêu biểu như: Tượng chân dung Bác Hồ của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim; Tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, sách Đề cương Văn hóa; sách Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, sách Một nền văn hóa mới, Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951; đũa nhạc trưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc Kết đoàn tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III do Đoàn Thanh niên Lao động tổ chức tại vườn Bách thảo (Hà Nội), ngày 3.9.1960...

Thông qua Triển lãm, BTC mong muốn người xem nhìn nhận tổng quát về văn hóa Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy các giá trị văn hóa, phẩm chất đạo đức, trí tuệ của con người Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

BẢO NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc