Cúc Phương, kho báu thuở hồng hoang (Bài 1): "Cổ tích" dưới tán rừng già

VHO- Trên dãy núi đá vôi hùng vĩ trải dài từ Hòa Bình sang Thanh Hóa, vắt về Cố đô Hoa Lư, có một cánh rừng nguyên sinh thuộc hàng cổ nhất Việt Nam. Gần sáu thập kỷ kể từ khi trở thành Vườn quốc gia đầu tiên của đất nước, qua biến thiên lịch sử, đại ngàn Cúc Phương hùng vĩ vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng kho báu từ thuở hồng hoang mà Mẹ thiên nhiên ban tặng…

Cúc Phương, kho báu thuở hồng hoang (Bài 1):

Bà Elke Schwierz trò chuyện cùng Béo

 Các loài linh trưởng được những người gắn bó với thiên nhiên trên toàn thế giới coi là “linh hồn” của những cánh rừng. Tiếng hót của chúng là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ nguyên thủy của đại ngàn. Ở Cúc Phương, dưới tán rừng già có những con người đang ngày đêm chăm sóc, bảo vệ để cho “linh hồn” của rừng không biến mất.

“Ngôi nhà” của các loài linh trưởng

Được thành lập từ năm 1993, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương được coi là “ngôi nhà” chung của các loài linh trưởng và là Trung tâm đầu tiên tại Đông Dương thực hiện sứ mệnh cứu hộ, phục hồi, cho sinh sản bảo tồn và tái thả lại tự nhiên các loài thú linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa ở Việt Nam.

Anh Trần Quang Phương, điều phối viên Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, với diện tích 10 ha, Trung tâm có khoảng 50 chuồng nuôi và 2 khu vực bán hoang dã của 14 loài, với số lượng 178 cá thể. Phần lớn các cá thể ở đây đều là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép được lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ. Trong đó có nhiều cá thể bị thương tích cũng như hoảng loạn tinh thần rất nặng.

Cùng với công tác cứu hộ, chăm sóc, Trung tâm còn tổ chức tái thả động vật về với tự nhiên. Trước khi tái thả, các chuyên gia tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp, theo dõi môi trường sinh thái trong khu vực, điều tra về mức độ đa dạng, trữ lượng thức ăn và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã tiến hành tái thả thành công hàng trăm cá thể về tự nhiên. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã tái thả thành công 25 cá thể. Ngoài ra, trong môi trường bán hoang dã tại Trung tâm, nhiều linh trưởng con đã chào đời; đồng thời có tới 10 loài với 166 cá thể đã sinh sản thành công. Đáng chú ý, có 4 loài thú linh trưởng lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới là Voọc mông trắng Cúc Phương, Voọc Cát Bà, Voọc Hà Tĩnh và Voọc Chà Vá chân xám.

Sự hồi sinh kể trên không chỉ cho thấy điều kiện môi trường sống của các loài linh trưởng ở đây rất gần với môi trường tự nhiên mà qua đó còn thể hiện sự đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Cúc Phương, kho báu thuở hồng hoang (Bài 1):

 Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương

Người nước ngoài may mắn nhất Việt Nam!

Đến với Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của tự nhiên, thăm thú “vương quốc” kỳ diệu của các loài thú linh trưởng đang bị đe dọa bởi nạn tuyệt chủng, mà còn được gặp gỡ những con người đáng trân trọng, được nghe những câu chuyện kỳ lạ về tình yêu, về sự hy sinh với rừng. Và câu chuyện của Elke Schwierz - chuyên gia về động vật hoang dã đến từ nước Đức là một trong những câu chuyện như thế!

Gần hai thập kỷ làm việc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, mỗi ngày trôi qua, Elke lại càng tin rằng sứ mệnh của mình là ở dải đất hình chữ S, bởi không dưới 10 lần, người phụ nữ sinh năm 1974 ấy đã từ chối cơ hội làm việc với mức lương hấp dẫn tại các Trung tâm bảo tồn ở Đông Nam Á, châu Phi… “Phải lòng” với mảnh đất và con người nơi đây, chị đã tự học tiếng Việt, tiếng Mường để có thể chỉ dạy tất cả những kinh nghiệm mình đã tích lũy được tại Sở thú Berlin-Zollogarten cho các nhân viên tại Trung tâm cứu hộ.

Mở cho tôi xem tấm hình chụp cùng các nhân viên Trung tâm, Elke mỉm cười: “Ở Đức hay những nơi khác có lẽ tôi cũng sẽ làm việc vào ngày Phục sinh hay các kỳ nghỉ lễ. Tôi sẽ nhận được rất nhiều khoản thanh toán bổ sung cho công việc vào kỳ nghỉ và cuối tuần; và tôi sẽ được nghỉ thêm nhiều ngày, nhưng tôi không quan tâm. Bạn thấy đấy, ở Cúc Phương tôi còn có cả một gia đình”.

Trước khi cùng Elke đi thăm chuồng thú, chị tâm sự: “Chăm sóc linh trưởng không phải một việc dễ dàng, không chỉ cần có kỹ năng mà cần có cả tình yêu với chúng”. Như trường hợp Piggy, một cá thể Voọc xám, khi được giải cứu và đưa về Trung tâm (4.9.2014), Piggy chỉ nặng 800gr và không xác định được bố mẹ. Cũng kể từ hôm đó, Elke và 25 nhân viên của Trung tâm đã trở thành những người mẹ của em. Lớn lên và quen hơi bén tiếng những yêu thương của mọi người, lâu lâu Piggy lại xòe tay mình ra, rồi lẳng lặng nhìn ngắm những bàn tay của người đã nuôi dưỡng, chăm sóc mình. Mỗi lần như thế em lại nhoẻn miệng “cười” khè khè. Elke giải thích: “Chắc hẳn cu cậu nghĩ hai bàn tay sao mà giống nhau quá”.

Nắm bàn tay của Béo, vị chuyên gia người Đức giới thiệu: “Béo thuộc loài Voọc Chà Vá chân nâu hay còn được gọi là Chà Vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc, được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, thuộc danh mục nhóm IB ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện”. Ngày 3 bữa, tới giờ là Béo ra cửa vịn tay đưa mắt trông ngóng các bố, các mẹ. Ai nặng lời là Béo buồn, phải mất nhiều thì giờ “nịnh ngọt”, đôi khi là phải bế ẵm Béo mới vui trở lại.

Dù rất khiêm tốn và kiệm lời khi nói về những đóng góp của mình, thế nhưng Elke luôn tự hào: “Tôi là người nước ngoài may mắn nhất Việt Nam!”. Niềm vui ấy không phải ngẫu nhiên bởi trong nhật ký của mình, Elke viết, mỗi buổi sớm, khi những tia nắng đầu tiên chưa kịp xuyên qua kẽ lá, sương rừng còn bảng lảng, Elke đã thức dậy bởi tiếng của những loài linh trưởng đánh động núi rừng. Bạn thấy đấy, “tiếng nói” của chúng khi thánh thót, lúc lại vang xa diệu vợi như vọng về từ một thuở xa xôi. Chiều tà, từng vạt nắng lại đổ qua những rặng núi, chiếu hắt soi rõ cả một mảng rừng. Và đêm về, Cúc Phương luôn có “đại nhạc hội” của các loài côn trùng, với Elke đó là tiếng của sự sống cựa mình. Bất cứ ai được chứng kiến những điều đó sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc!

Chắc chắn, những chia sẻ về cuộc sống của Elke Schwierz sẽ còn ngân rung mãi trong tôi. Và với bất kỳ một người nào đó cũng vậy, khi một lần đến với Cúc Phương là một lần được lạc giữa đại ngàn nguyên sơ và được nghe, được thấy những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. 

VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc