Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Viện VHNT quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Nhìn lại để tiến xa hơn”

Thứ Sáu 19/11/2021 | 14:54 GMT+7

VHO- Sáng 19.11, Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1971-2021) và lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20. 11. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tới dự và chia vui cùng đội ngũ các nhà khoa học, các thế hệ cán bộ,  nghiên cứu viên, người lao động của Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhân dịp này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo Viện VHNT Quốc gia Việt Nam

Giữ vững vai trò “kiến trúc sư trưởng” về phát triển văn hóa

Chúc mừng những thành tựu của Viện VHNT quốc gia Việt Nam trong  50 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, đất nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Đảng, Chính phủ, Quốc hội  đã có nhiều quyết sách để tập trung ứng phó với dịch bệnh, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn một cách có hiệu quả để đưa đất nước về trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, ngành VHTTDL đã nỗ lực để triển khai thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước trong tổ chức các hoạt động, trong lãnh đạo, quản lý về văn hóa. Xác định năm 2021 là năm xây dựng thể chế chính sách, chúng ta đã từng bước hoàn thành được những khối lượng công việc lớn mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Bộ trưởng cho rằng, ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó khoa học về văn hóa và nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Từ năm 1971, Đảng và Nhà nước đã đồng ý để Bộ Văn hóa thành lập Viện Nghệ thuật Việt Nam, tiền thân của Viện VHNT quốc gia Việt Nam ngày nay. Qua từng giai đoạn lịch sử, Viện đã có những tên gọi khác nhau, nhưng xuyên suốt, việc thành lập Viện VHNT quốc gia Việt Nam chính là mong muốn quy tụ được nhiều nhà khoa học, có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về văn hóa nghệ thuật, đúng định hướng và sát thực tiễn.

 “Nhìn lại 50 năm qua,  Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích. Từ những khó khăn của giai đoạn ban đầu đến quá trình hình thành, phát triển các chuyên ngành, với tâm huyết với nghề nghiệp, đam mê nghiên cứu, các thế hệ cán bộ, nhà khoa học của Viện đã cùng vun đắp, phát huy  khát vọng cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ

Trong nhiều thành tựu mà Viện đạt được trong nửa thế kỷ qua, Bộ trưởng nhấn mạnh, đầu tiên là việc tập trung cho nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Các nghiên cứu khoa học đã góp phần giúp lãnh đạo Bộ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng về lĩnh vực văn hóa. Trong đó, đáng chú ý là những luận cứ khoa học trong nghiên cứu đã giúp cho Đảng ta ban hành những Nghị quyết, chuyên đề về văn hóa, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chiến lược về văn hóa... Bên cạnh đó, khối lượng đồ sộ 50 đề án cấp Chính phủ, cấp Bộ đã giúp toàn ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đúng hướng.

Thứ hai là thực hiện tốt chức năng đào tạo. Viện đã đào tạo các chuyên gia, nhà quản lý giỏi, nhà khoa học của tương lai. Hiện nay, Chính phủ cho phép Viện mở nhóm ngành đào tạo Tiến sĩ với 5 chuyên ngành: văn hóa học, quản lý văn hóa, văn hóa dân gian, lý luận lịch sử sân khấu, lý luận lịch sử mỹ thuật. Bộ trưởng cho rằng, trong quản lý văn hóa, Viện đã góp phần cùng toàn ngành chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa. Gần 400 tiến sĩ được đào tạo qua các thời kỳ, giúp hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ngày càng có trình độ chuyên môn cao. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học của Viện đã được vinh danh và đóng góp tích cực trên nhiều phương diện. Đó là minh chứng cho thành công của Viện trong suốt chặng đường 50 năm.

Thứ ba, Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn trong hành trình hội nhập và phát triển. Trước các nền văn hóa lớn, trong quá trình tiếp biến văn hóa, chúng ta đã chủ động giao lưu, phối hợp và tự tin trong các hoạt động khoa học. Bộ trưởng nhấn mạnh, nhờ sự tự tin này, chúng ta đã tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận của các nhà khoa học trên thế giới và gặt hái thành công trong quá trình tìm kiếm những giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại để nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng.

Thứ tư, Viện đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý, các nhà khoa học ngày càng đông đảo, các phong trào được duy trì. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết của các nhà khoa học, các hội đồng nghiên cứu và trong tập thể lãnh đạo đã góp phần đưa Viện VHNT quốc gia Việt Nam đi đến những thành công.

Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những thành tích, cần nhìn lại để tiến xa hơn. Tập thể lãnh đạo, các thế hệ đảng viên, nhà khoa học, những người nghiên cứu, các học viên của Viện tiếp tục cầu thị, vượt khó, nỗ lực xây dựng  và  giữ được thương hiệu mà Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã vun đắp trong nửa thế kỷ qua.

Tại lễ kỷ niệm

Bộ trưởng yêu cầu, tập thể Viện VHNT quốc gia Việt Nam cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa và giữ cho được vị trí “kiến trúc sư trưởng” về phát triển văn hóa. Muốn vậy, phải quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đặc biệt là tập trung thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường. Nội hàm của khát vọng đó chính là chiều sâu của văn hóa.

Thứ hai, Viện cần tập trung để giữ vững 5 chuyên ngành đào tạo và đào tạo đi vào thực chất, tiếp tục đề xuất để có thêm những chuyên ngành khác đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Phải nghiên cứu, đào tạo, những con người có trình độ, năng lực thực tiễn.

Thứ ba, trong nghiên cứu, cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Chọn việc có tính toàn diện nhưng đồng thời  hướng vào những lĩnh vực mà đất nước và ngành đang cần. Các đề tài nghiên cứu cần nâng cao tính ứng dụng.

Bộ trưởng cho rằng, phải có tư duy tiếp cận mới. Đặt vấn đề nghiên cứu trong khoa học ứng dụng đã khó, trong văn hóa nghệ thuật càng phải dành nhiều thời gian hơn. Viện phải hướng vào nghiên cứu để xây dựng được hệ sinh thái văn hóa và khu trú lại ở một số lĩnh vực. Cùng với đó, tập trung xây dựng bộ chỉ số về văn hóa trong sự phát triển. Đây là nhiệm vụ quan trọng, Bộ trưởng đặt hàng Viện và giao Vụ KHCN phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

“Viện cần làm tốt hơn nữa vai trò quy tụ, kết nối các nhà khoa học, các thế hệ nghiên cứu để có sự kế thừa, chuyển giao...”, Bộ trưởng phát biểu.

Lãnh đạo Bộ tin tưởng, với bề dày truyền thống đã được xây dựng, Viện VHNT quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Tiếp nối chặng đường dài đồng hành cùng đất nước

Năm 2021 đánh dấu 50 năm Ngày thành lập Viện VHNT quốc gia Việt Nam (1971-2021). Nửa thế kỷ ra đời và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam  là nhân tố xuất hiện thường xuyên, liên tục với vai trò chủ thể và là cầu nối trong các hoạt động thúc đẩy văn hóa, sáng tạo. Với chức năng nghiên cứu, triển khai hoạt động khoa học và đào tạo sau đại học về văn hóa nghệ thuật, Viện VHNT quốc gia Việt Nam  đã có những bước đi gắn bó chặt chẽ giữa khoa học và thực tiễn, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như góp tiếng nói quan trọng, khẳng định rõ nét đường lối phát triển văn hóa của đất nước.

 Qua nhiều chặng đường phát triển, Viện VHNT quốc gia Việt Nam  luôn kiên định  mục tiêu lấy nghiên cứu khoa học, tư vấn làm trọng tâm và đào tạo sau đại học làm nòng cốt để  góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của ngành VHTTDL nói riêng và của cả nước nói chung.

Lực lượng nhà khoa học  mà Viện thu hút và tập hợp trong suốt 50 năm qua là minh chứng sống động cho chặng đường lao động  cống hiến của mình. Đến nay, gần 100 cán bộ, nghiên cứu viên, người lao động của Viện đang kế thừa  bước đi và tâm huyết của những người đi trước, thể hiện qua khối lượng công việc đồ sộ đã và đang được hoàn thành, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Chặng đường phía trước với Viện VHNT quốc gia Việt Nam   là một chặng đường dài đồng hành cùng đất nước, với nhiệm vụ quan trọng trên một mặt trận đặc biệt- mặt trận văn hóa. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam  xác định  rõ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị nghiên cứu hàng đầu về  chiến lược, chính sách phát triển văn hóa nghệ thuật quốc gia; là đối tác tin cậy của các tổ chức khoa học, các trường đại học trong nước và quốc tế; ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa của các cộng đồng, địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ:  “50 năm qua, nhiều thế hệ nhà khoa học, cán bộ, nhân viên của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã không ngừng lao động, cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành VHTTDL. Viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2021,  Viện được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020”.

BẢO ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top