Điện ảnh Việt Nam: Để không bị “chèn ép” ngay trên sân nhà

VHO- Tại Hội nghị - Hội thảo Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã đề cập thực trạng hoạt động phát hành và phổ biến phim đang có sự phát triển tập trung chủ yếu từ phía doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cùng với đó, hoạt động điện ảnh Việt Nam cũng đang từng bước lệ thuộc vào các công ty nước ngoài… Thực trạng này cần được tháo gỡ với những chính sách phù hợp.

Điện ảnh Việt Nam: Để không bị “chèn ép” ngay trên sân nhà - Anh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị - Hội thảo

 Hội nghị - Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, do Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì; được kết nối với các điểm cầu Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Cuộc cạnh tranh không cân sức

Báo cáo về hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2013- 2020, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà phác thảo, đây là giai đoạn điện ảnh Việt Nam thay đổi toàn diện. Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam tăng trên cả 3 thị trường: Sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Phim thương mại công chiếu ra thị trường đa dạng về nội dung; hệ thống rạp được xây dựng, đầu tư bài bản với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại. Song song phương thức phát hành và phổ biến phim truyền thống trên thế giới, tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi bởi việc chiếu phim trên nền tảng số đã, đang được phổ cập rộng rãi.

Theo khảo sát của Cục Điện ảnh, cả nước có 93 rạp và cụm rạp với 214 phòng chiếu; trong đó 72 rạp do Nhà nước quản lý, chủ yếu là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Chỉ có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là cụm rạp hiện đại. Trong khi đó, các công ty cổ phần, tư nhân và liên doanh có 21 rạp, trang thiết bị hiện đại.

Công tác chiếu phim ở các địa phương chủ yếu vẫn là hoạt động lưu động. Đội ngũ này vẫn là đội quân xung kích của địa phương, ngoài nhiệm vụ chính là chiếu phim, các chương trình điện ảnh còn kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, 53/63 tỉnh, thành sáp nhập TT Phát hành phim và Chiếu bóng vào TT Văn hóa hoặc sáp nhập 3 đơn vị là TT Văn hóa, TT Phát hành phim và Chiếu bóng và một số đơn vị khác. Do đó, tại nhiều địa phương đã nảy sinh không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trang thiết bị kỹ thuật máy chiếu còn lạc hậu, phương tiện vận chuyển thiếu và cũ, kinh phí cấp cho từng buổi chiếu phim còn thấp, biên chế hạn hẹp và chưa được đào tạo bài bản, thiếu nguồn phim…

Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, trước những cơ hội đưa nền điện ảnh nước nhà ra thế giới, chúng ta buộc phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức khi phim nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với hơn 70% số lượng phim phát hành hằng năm. Dù có nhiều khởi sắc nhưng thực tế điện ảnh nước nhà vẫn đang bị lép vế so với điện ảnh các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại hội thảo Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế, ông Jay Roewe, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách sản xuất và chương trình ưu đãi của HBO cho rằng: Việt Nam vẫn “đang ngủ”, dù là quốc gia tươi đẹp, có nhiều câu chuyện mong muốn được chia sẻ.

Điện ảnh Việt Nam: Để không bị “chèn ép” ngay trên sân nhà - Anh 2

 “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là một trong những trường hợp điển hình cho câu chuyện phim Việt gặp khó khăn khi phát hành

Giải bài toán thị trường điện ảnh trong nước bị chèn ép

Trong nhiều năm, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa bền vững. Thị trường điện ảnh nước nhà bị “chèn ép” trong sản xuất phim, cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa và sự phát triển bền vững của điện ảnh. Trên thực tế, chưa có sự liên kết chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư sâu, rộng, phim Việt Nam do các đơn vị điện ảnh sản xuất chưa thu hút được nhiều khán giả…

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia lo ngại việc điện ảnh Việt Nam đang mất thị phần ngay trên “sân nhà”. Việc các công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư vào xây dựng các cụm rạp chiếu phim hiện đại khiến các cơ sở chiếu phim của Việt Nam gần như tê liệt. Nếu như năm 2006, công ty nước ngoài chỉ có một cụm rạp, thì sau hơn 10 năm, đặc biệt trong vòng 5-7 năm trở lại đây, những doanh nghiệp như CGV, Lotte đã ồ ạt đầu tư xây dựng rạp mới; số phòng chiếu chiếm tỉ lệ lần lượt 63,3% số cụm rạp và 64,7% số phòng chiếu trên toàn quốc. “Phim Việt Nam khi sản xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được thì số suất chiếu cũng chỉ ở mức tối thiểu và chịu tỉ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng dẫn đến những người làm phim Việt Nam không thể thu hồi vốn”, ông Nguyễn Danh Dương nhận định.

Ông Dương cũng nêu một bất hợp lý khác trong hoạt động phát hành phim hiện nay: “Hầu hết các công ty nhập khẩu và phát hành phim hiện nay đều có hệ thống cụm rạp của mình nên khi thực hiện phát hành phim, họ đã tạo ra sức ép với các cơ sở chiếu phim khác về tỉ lệ, về suất chiếu có lợi nhất cho chính họ. Điều này gây khó khăn vô cùng lớn cho các đơn vị phổ biến phim chỉ có rạp mà không có chức năng nhập khẩu phim; càng gây khó khăn hơn đối với các rạp địa phương chỉ có 1, 2 phòng chiếu”.

Trước thực tế nói trên, ông Nguyễn Danh Dương đề xuất: Nhà nước cần xem xét, nhìn nhận điện ảnh là ngành công nghiệp giải trí thực hiện đồng thời hai mục tiêu: Kinh doanh đem lại lợi ích kinh tế và đáp ứng được nhu cầu giải trí, định hướng thẩm mỹ, giáo dục cho nhân dân. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ cho các địa phương đầu tư, cải tạo, nâng cấp mỗi tỉnh có một cụm rạp từ 3-5 phòng chiếu. “Nhà nước đã có chính sách hợp lý để thu hút được đầu tư của nước ngoài, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào điện ảnh thì mới có cơ hội phát triển. Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát việc đầu tư của các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài đảm bảo tỉ lệ không vượt quá 51% trong các lĩnh vực xây dựng rạp chiếu phim, bởi đây là lĩnh vực quan trọng nhất quyết định sự phát triển của điện ảnh”, ông Dương nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, vai trò điều tiết trong lĩnh vực nhập khẩu và phát hành phim. Điều tiết mâu thuẫn lợi ích giữa công ty phát hành và đơn vị phổ biến phim (các rạp), đảm bảo công bằng, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé và độc quyền trong lĩnh vực phổ biến, phát hành phim. Đặc biệt, phải có chính sách quy định bắt buộc đối với các công ty phát hành phim tư nhân có trách nhiệm phát hành phim đối với các tỉnh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận các ý kiến đóng góp đều đã phản ánh đúng thực trạng của việc phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị chính sách cho đơn vị chiếu phim lưu động và những giải pháp hiệu quả, thiết thực, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim. Thứ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức họp chuyên đề về quy định tỉ lệ phân chia lợi nhuận khi phát hành phim Việt Nam nhằm có những ý kiến hợp lý, hài hòa, đảm bảo quyền lợi giữa các bên, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. 

 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Như tin đã đưa, Hội nghị - Hội thảo Tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược pht triển điện nh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ VHTTDL tổ chức sáng 8.12 tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến với điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Thứ trưởng Tạ Quang Đông dự và chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong giai đoạn 2013-2020, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện, thể hiện rõ nét ở các nội dung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; sản xuất phim; phát hành - phổ biến phim; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở kỹ thuật đồng bộ và đổi mới công nghệ; hợp tác quốc tế trong phát triển điện ảnh… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, điện ảnh Việt Nam còn một số hạn chế. Trong đó, chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh, đầu tư cho sản xuất phim với mức kinh phícòn thấp, việc sản xuất phim hiện nay phần lớn làdoanh nghiệp tư nhân. Phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng vàhạn chếchất lượng. Trong khi đó, việc quảng bá, truyền thông thu hút đầu tư cho sản xuất phim chưa hiệu quả…

Thứ trưởng cho biết, những vấn đề được nêu tại Hội nghị - Hội thảo rất thiết thực và sẽ được Cục Điện ảnh tổng kết, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng trong thời gian tới, điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa. THẢO PHƯƠNG

 

 BẢO NGÂN, ảnh: MINH KHÁNH

Ý kiến bạn đọc