Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Học sinh lớp 1, 2 phải đến trường kiểm tra học kỳ?

Thứ Tư 15/12/2021 | 08:00 GMT+7

VHO- Đây là thông tin đang “nóng” trên nhiều group của các hội, nhóm cha mẹ học sinh suốt mấy ngày qua, ngay sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về việc kiểm tra đánh giá với học sinh tiểu học.

 Nhiều vị phụ huynh cho rằng, học sinh lớp 1, 2 đang học trực tuyến thì cũng nên thi theo kiểu trực tuyến (ảnh minh họa)

 Học sinh bé nhất phải đến trường ôn tập, kiểm tra

Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 13.12 nêu việc kiểm tra định kỳ, thể hiện bằng bài kiểm tra vào thời điểm cuối học kỳ 1, cuối năm học (với lớp 1, 2) sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Theo đó, các trường phải họp phụ huynh học sinh để có phương án thực hiện thống nhất, trong đó có việc chia nhỏ lớp đảm bảo giãn cách để các em đến trường ôn tập theo định hướng bám sát nội dung cốt lõi môn Toán, Tiếng Việt và làm bài thi trực tiếp. Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra học kỳ I, học sinh vẫn không thể đến trường, các trường phải báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên để có phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến, đảm bảo điều kiện theo quy định trước đó của Bộ GD&ĐT.

Giải thích về việc những học sinh bé nhất lại phải đến trường trong khi học sinh lớp 3, 4, 5 cùng cấp tiểu học lại có thể linh hoạt hình thức kiểm tra, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, kiểm tra định kỳ là dịp tổng kết, đánh giá quá trình dạy học, kết hợp với đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức của giáo viên. Với học sinh lớp 1, 2 có nhiều năng lực, kỹ năng cần phải thành thạo để có thể tiếp tục học chương trình sau đó nên cần được kiểm tra trực tiếp để đánh giá chính xác chất lượng, cũng là cách để tăng trách nhiệm cho các cấp quản lý.

Khác với kiểm tra định kỳ, việc kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học được Bộ GD&ĐT quy định linh hoạt hơn và giáo viên được chủ động lựa chọn hình thức phù hợp. Ví dụ trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều nhà trường phải dạy học trực tuyến hoặc qua truyền hình, việc kiểm tra thường xuyên học sinh thể hiện qua phiếu bài tập, phiếu giao việc… Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài và nhận bài làm, sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng phần mềm phổ biến, thuận tiện trong sử dụng như Zalo, Facebook, email. Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn các trường có hình thức khích lệ phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh thường xuyên.

Phản đối vì không phù hợp

Hướng dẫn trên của Bộ GD&ĐT bị nhiều phụ huynh phản đối vì cho rằng “không phù hợp” trong bối cảnh hiện nay. “Đang dịch dã phức tạp, đi học còn không an toàn, sao Bộ lại bắt những học sinh bé nhất đến trường chỉ để ôn tập và kiểm tra. Quy định cứng nhắc như thế không làm tăng chất lượng. Muốn biết chất lượng thật để căn chỉnh các bất cập, thì Bộ nên áp dụng học thế nào, thi thế đó. Cụ thể, học sinh đang học trực tuyến thì nên thi theo kiểu trực tuyến. Bất cập có bộc lộ thì mới có hướng điều chỉnh”, chị Mến, phụ huynh có con học trường Tiểu học Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Trên các group của phụ huynh lớp 1, lớp 2, khá nhiều vị có ý kiến như chị Mến. Đa số họ đều lo lắng con đến trường vào thời điểm dịch bệnh phức tạp sẽ không an toàn. Thậm chí nhiều người cực đoan còn cho rằng: Học sinh lớp 1, lớp 2 không cần thi thố làm gì cho căng thẳng. “Trẻ mới 6-7 tuổi học trực tuyến nói thẳng là không hiệu quả. Cái chúng tôi cần là đưa ra giải pháp hỗ trợ phụ huynh và lộ trình bù đắp kiến thức cho các con khi trở lại trường”, một phụ huynh khác có con học lớp 1 trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) bức xúc.

Còn các nhà trường thì lại đối diện với nỗi lo khác. Học sinh lớp 1 chưa một ngày được đến trường, mọi tương tác với giáo viên, các bạn đều qua hình thức trực tuyến. Tuy có khó khăn nhưng dù sao trẻ vẫn được ở nhà, có ông bà, bố mẹ hỗ trợ. Nay các em đi học, dù trong điều kiện dịch kiểm soát được thì giáo viên cũng sẽ rất vất vả trong 1-2 tuần đầu để học sinh quen với môi trường học tập mới, quen với việc không có ông bà, bố mẹ ở cạnh. Vì thế, nếu dịch ổn định, các trường đón học sinh trở lại học tập thì thuận chứ đến chỉ để ôn tập và kiểm tra thì sẽ rất hỗn loạn và không hiệu quả. Chưa kể dịch lại đang diễn biến rất phức tạp”, một vị hiệu trưởng trường tiểu học chia sẻ.

Theo một chuyên gia giáo dục thì việc kiểm tra thường xuyên hay định kỳ đều là một hoạt động học trong quá trình giáo dục. Vì sao kiểm tra thường xuyên, vì sao phải kiểm tra định kỳ vào một thời điểm được định sẵn (cuối kỳ, cuối năm học) đều có ý nghĩa khoa học chứ không thể linh hoạt, tuỳ tiện. “Kiểm tra định kỳ thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định để đánh giá chất lượng dạy và học. Vì thế cần được xác định đúng thời điểm, không thể thực hiện sớm, hay muộn hơn. Và học theo hình thức nào, nên kiểm tra theo hình thức đó để đánh giá đúng thực chất, nhìn nhận ưu, nhược điểm của quá trình dạy học, có biện pháp hỗ trợ học sinh và căn chỉnh phương pháp. Việc yêu cầu học sinh lớp 1, 2 đến trường kiểm tra trực tiếp trong khi trẻ phải học trực tuyến vì cho rằng “cần duy trì chất lượng” là điều khó hiểu”, chuyên gia này chia sẻ.

Tại Thủ đô, nơi đã chạm ngưỡng 1.000 ca F0 mỗi ngày, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức đi kiểm tra, thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh. “Nếu khó thực hiện quá sẽ có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT để xin ý kiến”, vị lãnh đạo này thông tin. 

 TRIỆU ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top