Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dân xứ đảo chuyển đổi nghề thích ứng với đại dịch

Thứ Tư 22/12/2021 | 09:08 GMT+7

VHO- Đại dịch Covid-19 bùng phát hai năm qua khiến ngành du lịch ở Quảng Nam rơi vào tình trạng khó khăn, lao động ngành du lịch thất nghiệp, thu nhập bấp bênh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.

 Cù Lao Chàm xác định biển đảo là kinh tế mũi nhọn

 Quay về nghề truyền thống

Tại xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, nhiều lao động trong ngành du lịch đã nhanh nhẹn chuyển đổi sang nghề biển, cố gắng thích ứng, ổn định cuộc sống trong thời gian chờ đợi quay lại với nghề khi du lịch phục hồi.

Kể từ khi được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” vào năm 2019, đảo Cù Lao Chàm của xã Tân Hiệp trở thành điểm đến tham quan thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Hơn 85% dân số ở đảo từ nghề biển chuyển sang nghề du lịch và dịch vụ du lịch.

Người dân cũng nhạy bén chuyển đổi nhà ở thành homestay, chuyển đổi thuyền đánh cá thành thuyền phục vụ lặn biển – câu cá cho du khách,… Đến nay, cả xã có gần 40 homestay với trên 350 phòng, gần 20 nhà hàng cùng cả trăm phương tiện phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Cù Lao Chàm. Người dân, cộng đồng ở đây cũng được hưởng lợi từ du lịch, thu nhập cao, ổn định hơn.

Tuy nhiên, hai năm qua, đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch lao đao. Trước tình thế đó, người dân ở đảo đã chuyển đổi công năng các phương tiện ghe, thuyền phục vụ du lịch sang đánh bắt, khai thác thủy hải sản, chuyển nghề từ làm dịch vụ - du lịch quay về lại nghề biển truyền thống.

Anh Vũ trước đây có 2 tàu dịch vụ du lịch “Trang Vũ” chuyên các tour tham quan, lặn biển ở Cù Lao Chàm, gần hai năm dịch giã, không thể hoạt động đón khách, đã chuyển hai phương tiện này sang đánh bắt hải sản. “Nghề biển nhọc nhằn, thu nhập không cao, bấp bênh hơn so với làm dịch vụ - du lịch. Nhưng thời điểm này, nghề truyền thống của dân đảo xưa nay đã giúp chúng tôi có thu nhập, tạm ổn định đời sống gia đình. Ngoài ra cũng là cách để phương tiện tàu thuyền hoạt động, tránh để nằm bờ lâu ngày hư hỏng”, anh Vũ chia sẻ.

Tương tự anh Vũ, nhiều người dân trên đảo trước đây làm nghề du lịch, dịch vụ, mở nhà hàng, chủ homestay, hướng dẫn lặn biển, những người làm nghề khai thác cua đá, chạy xe ôm phục vụ khách,… cũng đã quay lại, chuyển sang nghề biển.

“ Không có du khách, các mặt hàng hải sản, cá tôm, rau rừng, đặc sản của đảo,…cũng giảm giá, chỉ bằng một nửa khi chưa có dịch. Tuy nhiên, người làm nghề biển cũng có mức thu nhập từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ ngày nên cuộc sống tạm ổn định”, ông Lê Đối, chủ nhà hàng hải sản trên đảo cho biết.

Có những thời điểm dịch bùng phát, TP Hội An cũng tăng cường các biện pháp hạn chế, không cho du khách và các loại phương tiện ra vào đảo nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ra đảo nên nguồn rau xanh bị thiếu hụt. Ngoài việc chuyển đổi nghề biển, xã đảo Tân Hiệp đã quyết định phát triển khu trồng rau sạch, vừa để phục vụ người dân và cán bộ chiến sĩ đóng quân trên địa bàn vừa chủ động nguồn rau tươi cho địa phương mùa mưa bão, về lâu dài sẽ phục vụ du khách khi du lịch phục hồi trở lại.

 Thích ứng chuyển đổi nghề từ du lịch qua đánh bắt khai thác

Khai thác bền vững để bảo vệ hệ sinh thái

Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển, giúp người dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, dịch bệnh thời gian qua khiến ngành du lịch gần như “tê liệt”, khó khăn rất nhiều. Để giúp người dân trên đảo có thu nhập, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, tại cuộc họp HĐND xã vừa qua đã thông qua nghị quyết chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho bà con với mục đích trước mắt, chuyển đổi từ du lịch, dịch vụ du lịch sang nghề biển. Đặc biệt chú trọng đến đa nghề biển cho phù hợp với từng mùa vụ. Đồng thời quan tâm đến việc vừa đánh bắt – khai thác, vừa bảo vệ bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển.

Ngoài việc xác định nghề biển là ngành kinh tế chủ lực hiện tại, phát triển kinh tế nội lực địa phương dựa vào thế mạnh biển đảo, kỳ họp HĐND xã đảo vừa qua đã tán thành phát triển khu chuyên canh trồng rau sạch trên đảo.

Khai thác bền vững góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái và ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân là điều mà chính quyền, BQL Khu bảo tồn biển luôn quan tâm, hướng đến.

Tuy nhiên, một thực tế cũng đang tồn tại và quan ngại khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người chuyển nghề biển cũng đã làm gia tăng vi phạm khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn biển. Nguy hiểm hơn, khi đã có những trường hợp sử dụng các loại ngư cụ, phương thức khai thác trái phép, xâm nhập vào vùng cấm của khu bảo tồn biển, gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm.

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, thời gian qua, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các lực lượng chức năng tại xã đảo thường xuyên tổ chức công tác tuần tra kiểm soát trên biển và trên các phương tiện vận chuyển để phát hiện và phòng tránh các vi phạm. Đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền Quy chế Khu Bảo tồn biển cho cộng đồng người dân sống bên trong và xung quanh khu Bảo tồn biển bằng nhiều hình thức. Về lâu dài, theo BQL Khu bảo tồn biển, cần phải có chiến lược truyền thông mang tính chiều sâu và bao quát hơn ở nhiều khía cạnh, nhiều đối tượng người dân hơn, không chỉ ngư dân mà còn là các đối tượng thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi dịch, không có công ăn việc làm ổn định, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho các đối tượng trên nhằm giữ gìn và làm giảm áp lực lên các giá trị hệ sinh thái hiện có trên đảo.

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã có một thư ngỏ kính gửi đến người dân xã đảo Tân Hiệp, tri ân, ghi nhận sự tin tưởng vào công tác bảo tồn và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, thực hiện tốt các quy định hiện nay trong quá trình khai thác của người dân.

“Để duy trì sinh kế, một số bà con xã đảo quay lại nghề truyền thống, đánh bắt thủy sản, khai thác cua đá, lá rừng,…Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ khả năng thích ứng hoàn cảnh và chia sẻ với bà con trong thời điểm khó khăn này. Đồng thời, chúng tôi cũng tin tưởng và mong muốn bà con thực hiện tốt các quy định hiện nay như: Không vi phạm quy chế quản lý Khu bảo tồn, không sử dụng mành đèn trong Khu bảo tồn biển, khai thác cua đá đúng kích thước,…để duy trì nguồn lợi, môi trường, bảo vệ các giá trị và thành quả đã xây dựng, đây mới là sinh kế bền vững”, bà Thúy chia sẻ. 

 THU HOÀI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top