Làng đào Nhật Tân vào vụ: Nơm nớp những lo toan

VHO- Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, vì thế trên những cánh đồng trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), người nông dân đang phải gấp rút chăm sóc cho những gốc đào, chờ ngày xuất bán. Nhưng nỗi lo về thời tiết, về dịch bệnh đang khiến cho những vất vả sớm hôm của người nông dân nhân lên gấp bội…

Làng đào Nhật Tân vào vụ: Nơm nớp những lo toan - Anh 1

 Các gc đào đưc ngưi nông dân chăm chút cn thn, ch ngày xut bán

 Ăn, ngủ cùng đào

Dạo vòng quanh các nhà vườn, không khó để cảm nhận cái Tết đang đến gần bằng sự hối hả của những người trồng đào nơi đây. Giữa những cánh đồng cả nghìn gốc đào, tiếng cười nói rôm rả xen lẫn những câu chuyện trêu đùa xem năm nay nhà nào “thắng đậm” vụ mùa. Thế nhưng đằng sau những nụ cười ấy là những nỗi lo, vất vả mà ít ai thấu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn đào của gia đình, bà Nguyễn Phong Thủy (chủ vườn đào Thủy Thủy) chia sẻ: “Hiện đang là thời điểm quan trọng để chăm sóc cây, đặc biệt phải áp dụng kỹ thuật chặt chẽ để đào ra hoa, giữ cho hoa bền, chơi được lâu trong dịp Tết. Trước đó, chúng tôi phải gấp rút tuốt lá để cây tập trung vào nuôi mắt. Nói là tuốt nghe dễ nhưng nào có phải như tuốt mớ rau, phải làm rất khéo để giữ những mắt đào đang phát triển, cành không gãy. Năm nay có thể nói đào có chất lượng đào tốt, cây khỏe, nụ và hoa ra nhiều”.

Theo kinh nghiệm của những người làm vườn lâu năm, đào sẽ được tuốt trước thời điểm Tết khoảng 40-50 ngày. Tuy nhiên, có những giống đào hoặc cây đào cổ thụ phải tuốt lá sớm hơn. Không chỉ tuốt lá, người nông dân còn phải tính toán rất kỹ, dựa vào thời tiết để lên lịch tưới cây. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cả vụ mùa thất bát. Nói người trồng đào những ngày này ăn, ngủ cùng từng gốc đào cũng không sai vì thành quả cả năm đang phụ thuộc vào công chăm bón ngày giáp Tết.

Bà Thủy cho biết thêm: “Nhiều khi cả ngày bạc mặt trên vườn để chăm cây. Có người nói mình chỉ biết đến đào chứ biết gì khác đâu. Nghe thì chua chát thật nhưng đó là cái nghề của mình. Sản nghiệp của gia đình đổ cả vào từng gốc đào, mầm cây, nụ hoa nên giờ phải tổng lực chăm sóc. Bỏ công, bỏ của cả năm trời chỉ mong sao lo được cái Tết cho gia đình”.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Kỳ (chủ vườn đào Kỳ Anh) cho hay những ngày này, ông luôn phải cùng vợ túc trực trên vườn để chăm cây, mong sao hoa đào sẽ nở vào đúng thời điểm. “Lọ mọ dậy từ 4 giờ sáng để lên vườn chăm đào rồi có khi 8 giờ tối mới về nhà. Mỗi cây đào chẳng khác nào một “em bé”, phải dày công chăm sóc từ lúc xuống giống cho đến khi trổ hoa. Những ngày cận Tết có khi đi ngủ cũng… mơ thấy đào. Mọi năm tầm này đã có nhiều người hỏi mua nhưng năm nay sức mua có thể không bằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chăm bẵm cả năm trời mà đến Tết mọi thứ không như ý muốn thì có khi mất trắng”, ông Kỳ nói.

Làng đào Nhật Tân vào vụ: Nơm nớp những lo toan - Anh 2

 Không khí lao đng hăng say n đào Nht Tân nhng tháng giáp Tết

Bộn bề lo toan

Nỗi lo ấy không phải chỉ riêng của ông Kỳ mà còn của nhiều người trồng đào khác ở làng đào Nhật Tân. Cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những người trồng đào lo công sức của mình sẽ không được đền đáp xứng đáng. Thực tế, đào là loại cây không chỉ phụ thuộc vào công chăm sóc. Một mùa đào bội thu còn phải nhờ phần lớn vào thời tiết. Những năm trở lại đây, thời tiết miền Bắc ấm khiến người trồng đào gặp khó khăn trong việc tính toán ngày hoa đào nở.

Hơn 30 năm làm nghề trồng đào, ông Đỗ Quý Mão (chủ vườn đào Mão Huệ) cho biết những ngày gần đây, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch đến cả chục độ nên phải để ý thường xuyên. Nếu không, đào rất dễ nở sớm, chóng tàn. Tạm thời, thời tiết vẫn ủng hộ những người trồng đào. Đào thường đẹp nhất nếu nở đúng vào 27 Tết nhưng nếu nhiệt độ tăng cao, nắng mạnh, đào rất dễ nở ồ ạt, khó kiểm soát. Bên cạnh đó với gần 500 gốc đào, ông Mão phải thuê thêm nhân công chăm với giá 300.000 – 400.000 đồng một ngày. Chưa kể, chi phí đầu tư cho phân bón, đất, cây giống của ông hiện cũng đã lên hơn 400 triệu đồng. Nếu bán được, gia đình ông có thể thu về số tiền lớn. Nhưng nếu hoa không nở đúng dịp, nguy cơ thua lỗ nặng là rất cao.

“Đào năm nay rất đẹp, cũng có người đặt rồi nhưng chúng tôi chưa biết sức mua cụ thể sẽ ra sao. Chi phí chăm cây tăng cao nhưng vẫn không thể tăng giá bán vì nhiều người bị giảm thu nhập do đại dịch sẽ không dám mạnh tay như trước đây. Vì thế để bán được cây đào không phải chuyện đơn giản. Giờ chỉ biết cố gắng chăm cây cho đẹp hơn khi Tết đến chứ chẳng ai biết trước được tương lai”, ông Mão tâm sự.

Với những gia đình có nhiều gốc đào cổ thụ như của gia đình ông Lê Văn Hải (chủ vườn Hải Sự), những lo lắng ấy có khi còn tăng lên gấp bội. Hơn 20 ngày qua, vườn đào của ông luôn phải duy trì cỡ 10 công nhân phục vụ cho việc đánh cây, chuyển cây, tỉa cành… Mỗi ngày chi phí phát sinh cũng hơn 10 triệu đồng. Với ông cũng như những người trồng đào khác, đây là giai đoạn vất vả nhất của vụ mùa bởi lẽ để kịp bán, nhiều cây đã phải được chuyển vào chậu rồi chăm sóc. Ông Hải cho hay: “Cây nhỏ còn dễ làm chứ gốc đào nào lớn thì 8-9 người khiêng còn thở không nổi. Vất vả nhưng công sức của chúng tôi cũng đánh cược cả vào thời tiết. Hơn nữa năm nay dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi sợ người dân thắt chặt chi tiêu, không dám bỏ số tiền lớn để mua đào chơi Tết như mọi năm. Cứ làm nhưng chẳng biết sẽ ra sao. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có một vụ đào thành công”.

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc