Treo cao giá ngọc thể loại kịch nói

VHO- Nhân Đại hội Văn hóa toàn quốc kết thúc tốt đẹp vào cuối năm 2021, tôi nghĩ nên chiếu một cái nhìn văn hóa vào việc đánh giá Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại Hải Phòng, đặng có thể nhận định về thể loại kịch, là thể loại tiền phong của nền sân khấu Việt hiện đại, đã chẵn tròn tuổi 100 – hiện đang ở đâu, và sẽ đi đến đâu, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn tiến khốc liệt trên toàn cầu, chưa dừng, buộc nhân loại phải chịu “sống chung với lũ”…

Treo cao giá ngọc thể loại kịch nói - Anh 1

   Vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021

Việc làm mang ý nghĩa văn hóa

Đặt trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây diễn ra mạnh mẽ và mới lạ ở Việt Nam, dù trong thân phận thuộc địa Pháp, ngay từ đầu thế kỷ XX, người Việt vẫn tự sinh nội lực, tiến hành hiện đại hóa văn nghệ Việt Nam, trước tiên ở văn học, giai đoạn 1932 - 1945, với 3 dòng chủ lưu: Lãng mạn, Hiện thực phê phán và Cách mạng. Với nghệ thuật sân khấu, thể loại kịch, từ Pháp, được du nhập Việt Nam, theo cách vay mượn phương Tây của riêng người Việt, đã “Việt hóa” kịch Tây thành công, đưa kịch thành thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại, gồm cả loại hình sân khấu dân tộc. Kể từ đó, thể loại kịch, với tổ chức vở diễn theo cách đối thoại, đã nhận lãnh vai trò tiên phong trong phản ánh cuộc sống đương đại. Khác hẳn kịch hát dân tộc ở Việt Nam đã có lịch trình tiến hóa hàng ngàn năm, thể loại kịch nói đã chỉ có lịch trình 100 năm “Việt hóa” kịch Tây (1921 - 2021). Song, do tính hiện đại đặc thù trong phản ánh cuộc sống như hình thái vốn có, bằng đối thoại (nói, chứ không hát), kịch đã thành món sân khấu đầu bảng của công chúng Việt hiện đại suốt 100 năm qua. Dù trăm năm ấy, đoạn trường có gập ghềnh đỉnh cao vực sâu, thì thể loại kịch Việt, đến đầu thế kỷ XXI vẫn còn sức vươn dậy, nhằm tiếp nối cuộc đối thoại nghệ thuật với đương thời.

Vì thế,  tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 10.2021) đã là việc làm mang ý nghĩa văn hóa của Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhằm treo cao giá ngọc thể loại kịch, trong vai trò tiên phong của sân khấu Việt hiện đại. Việc phục dựng vở Chén thuốc độc từ kịch bản của Vũ Đình Long, tại Nhà hát Lớn Hà Nội (thời thuộc địa gọi là Nhà hát Tây), chính là nơi đã trình diễn vở kịch này từ 100 năm trước, được coi là ứng xử văn hóa đẹp đẽ của người - sân - khấu Việt hiện đại. Tiếp nối vở Chén thuốc độc đêm 21.10 của nhà khai sáng kịch Việt từ trăm năm trước - Vũ Đình Long, là chuỗi vở diễn, Gala kịch của Nhà hát, đoàn hát tiêu biểu, thuộc Hội NSSKVN, Nhà hát kịch VN, Hội Sân khấu TP.HCM, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch HN, Sân khấu Lucteam… đã là những đêm diễn kịch tưng bừng ý nghĩa hội hè, giao lưu, gặp gỡ thân mật giữa người - sân - khấu với nhau, khiến sân khấu Việt như bừng tỉnh sau ngày dài giãn cách, bị đứt liên hệ với người xem. Giữa tuần kỷ niệm, Hội thảo “Một trăm năm hình thành và phát triển Kịch VN” đã cơ bản thực hiện mục đích: Định hướng và phát triển kịch Việt, với một số tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn, đặng tìm biện pháp giải cứu sân khấu kịch khỏi sự khủng hoảng người xem đã nhãn tiền từ cuối thế kỉ trước, vắt sang hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

 Trong chuỗi kỷ niệm, vở Bạch đàn liễu (tác giả Xuân Trình), do Trần Lực đạo diễn, lại chính là vở gây ấn tượng mạnh nhất cho cái xem của khán giả. Đưa vào ngôn ngữ dàn dựng kịch hiện đại những nguyên tắc ước lệ của sân khấu chèo cổ, vừa ngọt ngào vừa đáo để, mà vẫn giữ cốt cách một vở kịch nói, từ mỹ thuật sân khấu khoáng đãng, với hai cây bạch đàn cao lớn mọc giữa sân khấu, đến gần cuối kịch thì bị chặt đổ. Không gian trước sau hai cây bạch đàn này được ước lệ là không gian trong nhà, không gian ngoài vườn…, thậm chí là nơi các nhân vật diễn xong, lui vào ngồi phía sau bạch đàn, chờ ra vai diễn tiếp, hệt như dàn đế ngày xưa ngồi hai bên mép chiếu chèo cổ, tiện việc đứng lên ra vai hát múa, xong vai lại về dàn đế ngồi hát. Các động tác hình thể của nhân vật kịch được nâng lên như múa chèo, mà không hề hấn, chỉ làm người xem thêm mãn nhãn. Trần Lực đã sở hữu một phong cách đạo diễn kịch độc đáo, riêng một lối, với cách tiếp biến mỹ học ước lệ của chèo cổ, đặng làm giàu cho cái diễn tả thực của thể loại kịch, không làm đứt gẫy cuộc Việt hóa đã tròn trăm năm của thể loại kịch Việt!

Treo cao giá ngọc thể loại kịch nói - Anh 2

 Vở “Bạch đàn liễu” của sân khấu Lucteam của đạo diễn Trần Lực tạo dấu ấn tại Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam

Nỗ lực hồi sinh sân khấu kịch nói

Diễn ra sau và khác biệt Tuần lễ kỉ niệm 100 năm kịch Việt Nam, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã tổ chức vào tháng 11.2021 với sự hiện diện của 20 vở kịch của 14 đơn vị và gần 600 diễn viên tham gia. Liên hoan cũng do Bộ VHTTDL tổ chức với mong muốn vực dậy nền sân khấu sau đại dịch Covid-19. Liên hoan biểu thị sự cố gắng và khát vọng của thể loại kịch Việt, vừa nhằm hồi sinh, vừa nhằm cứu vãn tình thế khủng hoảng công chúng. Vì vậy, muôn sự khó đã đặt lên vai các chủ thể sáng tác kịch, từ nhà viết kịch đến đạo diễn, diễn viên, và họa sĩ, nhạc sĩ… Nhất là trong hai năm chồng chất dịch bệnh, đã giảm biên chế, sáp nhập các đoàn khác nhau thành đoàn nghệ thuật tổng hợp… đã khiến sân khấu kịch mất trắng khán giả, đã làm trầm trọng tình hình diễn kịch của hầu khắp các đoàn hát, nhà hát của các tỉnh thành cả nước, nên đã hạn chế ngay cả tính tiên phong của thể loại kịch trong đối thoại với đương thời.

Liên hoan kịch lần này đã lộ rõ những thách thức của sự phát triển thể loại kịch, ngay từ khâu khởi đầu là kịch bản văn học, đang rất thiếu vắng đề tài đương đại, nếu có, thì chất lượng kịch bản không cao. Tác giả viết về đề tài này thường theo lối mòn trong khai thác và giải quyết xung đột kịch, khoảng cách giữa kịch bản hay và chưa hay về đề tài hiện đại là khá xa. Thí dụ cách viết của Nguyễn Đăng Chương về đề tài hạnh phúc người lính thời hậu chiến, trong kịch bản Điều còn lại đã thật sâu sắc và quyết liệt. Câu chuyện “khát tình” của cô thôn nữ vợ bộ đội ở hậu phương, lại nhỡ có con với bộ đội hành quân qua làng, được mẹ chồng cảm thông, che giấu, bỗng thành bi kịch lớn, khi người chồng bộ đội, tưởng đã chết trong chiến tranh, sau gần hai mươi năm, đột ngột trở về. May sao, bi kịch được hóa giải bằng tình thương lớn của mẹ chồng với nàng dâu. Kết cuộc, tình thương ấy đã rọi sáng cái kết thúc có hậu, làm lành lại bi kịch vợ chồng tưởng đã không thể hàn gắn của thời hậu chiến. Tôi thấy mình và người xem quanh tôi - rưng rưng lệ. Đây chính là vở diễn gây xúc động nhất về cái diễn cho người thưởng ngoạn. Tại Liên hoan, buổi diễn thi đã dâng lên cảm hứng thăng hoa nhất của toàn dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch đã sắm vai trong vở này.

Song, điều đáng giá nhất của vở Điều còn lại chính là tác giả của vở diễn: Đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu, với những cảnh dựng đặc sắc, liên kết chặt chẽ với nhau, hút mắt người xem từ đầu đến cuối vở. Tôi liên tưởng: Một khi sân khấu xuất hiện vở Điều còn lại, rất thành công về đề tài hậu chiến, được ví như tiểu thuyết nổi tiếng của Bảo Ninh: Nỗi buồn chiến tranh. Cả hai tác phẩm thuộc hai ngành nghệ thuật, đều là hai thể loại “hạng nặng”, chiếm vị trí số một trong sân khấu và văn chương. HCV số một dành cho vở diễn này là xứng đáng, bởi vẻ đẹp tổng thể của nó, với kịch bản hay, đạo diễn dựng xuất sắc, và diễn viên diễn lành nghề, điêu luyện trong thể hiện các vai kịch của mình. Và Nguyễn Đăng Chương thật xứng đáng đoạt giải Tác giả xuất sắc duy nhất của Liên hoan, với kịch bản Điều còn lại.

Và như thế, điều bất ngờ nhất trong Liên hoan kịch lần này lại là sự xuất thần của nghệ thuật đạo diễn ở một thế hệ mới, xứng đáng kế tục lớp đạo diễn đàn anh. Đạo diễn của thế hệ này đã dựng những vở kịch tưởng rất khó thành công, như đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu, với bản dựng độc đáo: Điều còn lại; như NSND Trung Hiếu dựng Làng song sinh thật đáo để về chủ đề “song sinh” trong nội tâm con người, hiền dữ thật bất thường, khó phân minh, đôi khi cái ác bị nén chặt trong người như quái thai, phải tìm cách trục xuất nó, đặng tìm bình yên.

Điều đáng nói là những đạo diễn đàn anh có số lượng vở nhiều nhất tham gia liên hoan như Lê Hùng có 5 vở, Trần Ngọc Giàu có 4 vở nhưng mỗi người chỉ có 1 vở được trao HCV với tỉ lệ Vàng 2/9. Song, ở thế hệ trẻ hơn, lại là tỉ lệ khác; Kiều Minh Hiếu đạo diễn duy nhất vở Điều còn lại đoạt HCV, đạo diễn Đỗ Kỉ cũng đạo diễn duy nhất 1 vở Thiên mệnh cũng đoạt HCV, với tỉ lệ 2/2. Lê Quý Dương cũng chỉ có 1 vở  Làm vua cũng đem ngay một HCV cho sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc. Và đạo diễn Sĩ Tiến ở Liên hoan kịch năm 2018 đã xuất sắc đoạt HCV vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy, lần này đã chỉ dừng ở HCB vở Ngược chiều gió. Điểm danh như thế về lực lượng đạo diễn đoạt HCV vở diễn, có thể hy vọng thế hệ sau Lê Hùng và Trần Ngọc Giàu hội đủ sức mạnh tiếp nối thế hệ trước, đã có chiều “xuống sắc” trong Liên hoan này, theo luật khắt khe của thời gian sáng tạo sân khấu,  dù đạo diễn không sắm vai, cũng khó thoát khỏi quy luật “thầy già con hát trẻ”. Đó là chưa kể đến những diễn viên học nghề đạo diễn thành công, đã biết diễn vai kịch, trong sự soi sáng của nghề đạo diễn. Hai NSƯT Phương Nga vai bà Muộn (Điều còn lại), và NSƯT Tạ Tuấn Minh, vai Trần Thủ Độ (Thiên mệnh) đã là hai ví dụ sáng chói. Tôi không thể không nghĩ, còn đạo diễn giỏi nghề “tác giả vở diễn” thì còn hiện diện vở diễn hay và còn vở kịch hay thì sẽ còn những diễn viên giỏi nghề được đạo diễn phát hiện và phân vai, cùng nhau hân hoan tạo dựng những vở kịch hấp dẫn người xem đến tham dự cuộc đối thoại với đương thời… Thắng thua rồi cũng sẽ lùi xa trong kỉ niệm nghệ sĩ, để đến mùa sau lại náo nức lên đường dự Liên hoan và thi thố vai kịch mới. Vì thế, phải tin vào sức sống nội tại của thể loại kịch Việt, vẫn đang trên đường phát triển và cùng người đương thời đối thoại về nhân tình, thế thái để cùng nhau tiến về phía trước, phía của “đường chân trời” - như tên vở kịch của tác giả Lê Thu Hạnh trong Liên hoan.

“Việc tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 10.2021) đã là việc làm mang ý nghĩa văn hóa của Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhằm “treo cao giá ngọc” thể loại kịch, trong vai trò tiên phong của sân khấu Việt hiện đại”.

 

     PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Ý kiến bạn đọc