Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cần nhân rộng những “điểm hẹn tình yêu”

Thứ Hai 21/03/2022 | 10:15 GMT+7

VHO- Gần 9 năm qua, Thư viện tư nhân Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn văn hóa, tri thức của nhiều thế hệ. Không chỉ mang đến một không gian đọc lý tưởng, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của nhân dân, đây còn là nơi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương thông qua các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, thư viện không thu phí đọc sách, tất cả đều vì lợi ích của cộng đồng.

Thư viện Dương Liễu là điểm hẹn văn hóa yêu thích của giới trẻ

Điểm hẹn “tình yêu” hấp dẫn

Tốt nghiệp khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, anh Phùng Bá Hưng, quản lý Thư viện Dương Liễu có niềm đam mê và tình yêu đặc biệt với sách. Không giữ tình yêu đó cho riêng mình, anh quyết tâm mở một thư viện tư nhân miễn phí để góp phần phát triển văn hóa đọc, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân quê nhà.

“Lên Thủ đô học Đại học, tôi mới thấm thía sự thiệt thòi của người dân nông thôn, nhất là trẻ em khi không có cơ hội để làm bạn với sách. Từ đó, tôi quyết tâm phải làm được điều gì đó để giúp mọi người có không gian giải trí lành mạnh, mở rộng kiến thức qua từng trang sách”, anh Hưng bày tỏ.

Nghĩ là làm, năm 2013, nhờ sự giúp đỡ từ Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), anh Phùng Bá Hưng cùng những người bạn chính thức thành lập Thư viện Dương Liễu và được bà con trong xã ủng hộ hết mình. Thực tế, 90% thành viên của thư viện đều là người Dương Liễu. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở nơi khác cũng tìm đến mượn sách đọc, chỉ cần có nhu cầu thì ai cũng được chào đón. Nhiều phụ huynh cho biết, giờ đây họ rất yên tâm khi con em mình có được địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh sau giờ học. Đáng mừng hơn cả, các em sau thời gian làm bạn với sách đã có thành tích học tập tiến bộ.

Được hỏi về kinh phí hoạt động khi không thu bất kỳ một khoản phí nào, anh Hưng cho hay: “Chúng tôi xác định mở cửa tự do, chào đón tất cả mọi người, nhất là những người trẻ, có như vậy mới dễ thu hút bạn đọc đến thư viện, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến đọc. Mỗi năm, tiền tổ chức sự kiện khoảng 25-30 triệu đồng. Để có nguồn kinh phí, cuối năm, chúng tôi lấy những tấm ảnh đẹp chụp trong xã in lịch bán gây quỹ. Những dịp đặc biệt thì mọi người kêu gọi ủng hộ”.

Bằng chính những hoạt động có sức hút, tính đến nay, Thư viện Dương Liễu đã tổ chức được gần 100 sự kiện khuyến đọc, công tác xã hội… Từ đó, thu hút hơn 2.600 độc giảvới khoảng 9.000 lượt mượn sách mỗi năm.

Tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc, anh Phùng Bá Hưng cho biết, bản thân rất muốn nhân rộng mô hình này. Thế nhưng, việc phát triển mạng lưới, chất lượng thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên toàn quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. “Cơ chế, chính sách mới chỉ dừng ở mức khuyến khích chứ không có yêu cầu bắt buộc nào. Tự làm mà không có sự giúp đỡ thì sợ sai quy định; nhưng nếu làm thì cũng chỉ dám dừng ở mức gây dựng các tủ sách nhỏ, hiệu quả không cao. Tôi đang mong việc xây dựng đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030” sẽ giúp giải quyết vấn đề. Mục tiêu chung là tạo điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời cho người dân”, anh Phùng Bá Hưng cho biết.

Chủ động tháo gỡ

Trên thực tế, thư viện cộng đồng hay thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là loại hình vì lợi ích bạn đọc, nhưng lại đang phát sinh nhiều vấn đề bởi hoạt động tự phát, thiếu sự hướng dẫn về liên kết. Trong quá trình xây dựng Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đang cố gắng đưa ra giải pháp, tháo gỡ một số vướng mắc cho các loại hình thư viện nêu trên.

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), Trưởng Ban soạn thảo Đề án, một trong những mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án lần này là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB đến năm 2030. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và các tổ chức cùng tham gia đóng góp; tạo động lực và khuyến khích mọi cá nhân trong xã hội tích cực tham gia học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB.

Chính vì vậy, từ những vướng mắc mà một số thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đang gặp phải, Vụ Thư viện đang phối hợp với các bên liên quan tích cực lắng nghe, họp bàn để đưa các giải pháp tháo gỡ. Tinh thần là Đề án lần này sẽ là phần không thể tách rời các đề án lớn của Chính phủ, đặc biệt là “Phát triển văn hóa đọc cộng đồng”.

Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ thêm, không chỉ là vấn đề liên kết giữa các loại hình thư viện, việc đẩy mạnh kết hợp hoạt động học tập suốt đời giữa thư viện với bảo tàng, văn hóa, CLB cũng phải được tính toán sao cho hợp lý, tránh tạo độ vênh giữa các thiết chế văn hóa.

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng Ban soạn thảo Đề án nhận định: “Về vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể huy động sự giúp đỡ của những đơn vị, cá nhân đã thực hiện thành công trước đây. Dù khó nhưng làm được thì những kinh nghiệm họ đưa ra sẽ rất quý báu. Trên cơ sở bài học thực tiễn, Ban soạn thảo Đề án sẽ cố gắng xây dựng thêm cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho loại hình thư viện này hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng”. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top