Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”

VHO-Chiều 22.4, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Toạ đàm việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm đồng chủ trì Tọa đàm. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tham dự Tọa đàm.

Toạ đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, Hà Nội và trực tuyến đến 5 địa phương trên cả nước là Hà Giang, Lào Cao, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An.

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” - Anh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Toạ đàm

Công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả

Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, về công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Ngành văn hoá ở cơ sở thường xuyên, chủ động tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án, dự án nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển bền vững của đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường và nếp sống văn hoá tiến bộ trong cộng đồng. Bộ cũng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng chất lượng, tránh bệnh hình thức, bệnh thành tích…

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” - Anh 2

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại Toạ đàm

“Qua công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc nói chung, chính sách về văn hoá dân tộc nói riêng đã có những tác động tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước nâng lên. Trên một số lĩnh vực, khoảng cách giữa các dân tộc từng bước được thu hẹp... môi trường văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, văn hoá truyền thống, tích cực của đồng bào đã được vun đắp, bảo tồn kịp thời, các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết. 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trên thực tế vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, bị biến tướng, hiểu sai hoặc trái với phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó có thể kể đến hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ”, “bắt vợ” xảy ra tại một số địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực văn hoá, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo Ngành văn hoá tại các địa phương (Công văn số 861/BVHTTDL-VHDT ngày 17.3.2022) triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, những hiện tượng phản cảm, phong tục tập quán không còn phù hợp với văn hoá truyền thống tốt đẹp trong đời sống hiện nay của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” - Anh 3

Toạ đàm được tổ chức vào chiều 22.4, trực tiếp tại Nhà Quốc hội và trực tuyến đến 5 địa phương

Về kiến nghị, giải pháp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ VHTTDL đề xuất các giải pháp cụ thể trong đó có việc hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Giải pháp về việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ...

Cần đánh giá đúng “bắt vợ” có phải là hủ tục hay không?

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương, tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.2 vừa qua đã có ý kiến về những vấn đề mà báo chí phản ánh liên quan đến vụ việc “bắt vợ” tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hay trường hợp “bắt vợ” khác diễn ra ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, gây bức xúc trong dư luận.

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” - Anh 4

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho rằng cần phải đánh giá đúng bản chất của tục "bắt vợ"

“Có thể thấy rằng, những hiện tượng này không mới, nhưng đến nay cần đánh giá đúng bản chất có phải là hủ tục hay không; nếu “bắt vợ” là hủ tục sao lại để kéo dài và đâu là những hình thức biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật, cơ sở pháp lý để xử lý nếu có vi phạm đã đầy đủ hay chưa”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nói và cho biết, Thường trực Uỷ ban đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Qua khảo sát cho thấy tại nhiều nơi, đặc biệt là tỉnh Lai Châu, tục “bắt vợ” từ lâu không còn nữa trong cộng đồng đồng bào người Mông, người Dao. Tuy nhiên, tại tỉnh Lào Cai thì vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Ông Đặng Xuân Phương cũng đánh giá, trong những năm qua, về cơ bản, các tỉnh đều đã triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn và việc biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật vẫn còn ở một số nơi; viễ xử lý các hành vi vi phạm cũng có nưoi còn có tình trạng “cả nể, thiếu kiên quyết…

Phát biểu tham luận tại Toạ đàm, đại diện cho UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tục “kéo dâu” hay “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của người Mông nhằm đề cao giá trị của người phụ nữ đối với gia đình nhà chồng khi họ về làm dâu. Tuy nhiên hiện nay do không hiểu về nét văn hóa truyền thống đẹp xưa, cùng với lối sống đua đòi của một số ít thanh niên nam nữ mà tục lệ này đã bị biến tướng, lạm dụng, gây mất trật tự xã hội.

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” - Anh 5

Tọa đàm đề cập đến vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Theo báo cáo của 9 huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 1 vụ “bắt vợ - kéo vợ” vi phạm pháp luật bị khởi tố hình sự; 1 vụ kéo vợ nhưng chưa gây hậu qủa. Về những khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng này, theo đại diện UBND tỉnh Lào Cai là do công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền đại phương có lúc còn chưa chặt chẽ; việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn các vụ tảo hôn chưa kịp thời, một số gia đình, dòng họ còn cả nể, thiếu kiên quyết thậm chí còn đồng tình với quan điểm lấy vợ sớm để có người giữ tài sản, có người làm…

Về giải pháp, các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm cho rằng cần tuyên truyền sâu, rộng, hiệu quả về Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động không kết hôn khi chưa đủ tuổi, kết hôn cận huyết thống. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bài trừ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”; cũng như các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”…

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc