Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Huế

Thứ Sáu 30/03/2018 | 20:00 GMT+7

VH- Ngày 30.3, tại TP. Huế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIV đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế.

       Hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 50 nhà nghiên cứu, các chuyên gia và nhà quản lý văn hóa tại địa phương và trung ương. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự hội nghị.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế trong thời gian qua đã đạt những hiệu quả  tích cực và được nhiều chuyên gia đánh giá cao, xem như là mô hình chuẩn của bảo tồn và phát huy giá trị di tích của cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay đang tồn tại một số  vướng mắc, khó khăn cần nhanh chóng được tháo gỡ để tiếp tục phát huy giá trị về lâu dài. Từ đó, ông Bình đã nêu ra nhiều vấn đề cần được giải quyết như: cơ chế đặc thù và chính sách cho di sản Huế; nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát huy di sản; mô hình quản lý di sản Huế hiện nay, từ đó mở rộng nhìn nhận ra việc bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di sản trong cả nước...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị

“Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  sẽ có những phối hợp để có chương trình cụ thể, có hướng điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách để di sản Huế phát huy hiệu quả hơn”, ông Bình nói.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh năm 1993 và 15 năm sau được đánh giá là đã thoát khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp, chuyển qua giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị quy di sản. Trong thời gian qua, đã có hơn 50 công trình ở các điểm di tích được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, công tác tu bổ di tích vẫn đang gặp không ít khó khăn và vướng mắc khi phải áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư công, cụ thể là những quy định về “Dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt”. Tại hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế có những công trình với quy mô rất nhỏ, có khi diện tích chỉ vài m2 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng khi muốn trùng tu cũng phải làm theo trình tự và đủ các thủ tục của đầu tư dự án nhóm A, quy định tại Điều 23, Luật Đầu tư công. Và khi thực hiện như vậy thì kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, có nguy cơ làm cho di tích càng hư hại nặng hơn, dễ dẫn đến hủy hoại. Trên cơ sở đó, ông Hùng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIV nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa cũng đã có nhiều ý kiến quan trọng về vấn đề quy hoạch lại khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản Huế; giải tỏa dân cư và quy hoạch lại dân cư ở  khu vực Kinh thành Huế; công tác kiểm kê và bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của Huế...

Di sản Huế thu hút khách hơn 3 triệu lượt khách trong năm 2017

Thống kê về kết quả hoạt động phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam gắn với phát triển du lịch cho thấy, các khu di sản thế giới tại Việt Nam đã đón được 17,76 triệu lượt khách trong năm 2017 và đem lại doanh thu từ vé tham quan khoảng 1.456 tỷ đồng. Riêng khu di sản Huế đã đón hơn 3 triệu lượt khách (trong đó 1,8 triệu lượt khách quốc tế) và thu vé tham quan hơn 320 tỷ đồng. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Bảo tồn di sản văn hóa ở Cố đô Huế theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa và phương hướng phát triển văn hóa xã hội được đặt ra trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, là một trong những tiền đề quan trọng để tạo lập và duy trì “sự cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, cần xem di sản Huế là tài nguyên, tài sản du lịch của quốc gia chứ không riêng gì của tỉnh Thừa Thiên Huế. Di sản Huế xứng đáng có cơ chế đặc thù, và cần có sự hỗ trợ nguồn kinh phí để giải tỏa hàng nghìn cư dân sống trên khu vực Thượng Thành (Kinh thành Huế) đang ảnh hưởng đến di sản Huế; đồng thời sắp xếp, quy hoạch lại các điểm dân cư ở trong khu vực bảo vệ di tích... “Thực hiện được giải tỏa được cư dân Thượng Thành, vừa bảo tồn được di sản văn hóa và vừa khai thác được tour du lịch ở khu vực này, thì sẽ đưa lại nguồn thu kinh tế xã hội cho địa phương”, ông Bài nhận định.

Di tích Thái Bình Lâu (Hoàng cung Huế) được trùng tu và bảo tồn

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định: Địa phương sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nỗ lực cho việc di dời, giải tỏa cư dân đang sinh sống, ảnh hưởng đến hệ thống Kinh thành Huế. Đến thời điểm hiện tại, khu vực phía Nam của Kinh thành Huế đã cơ bản giải tỏa xong, chỉ còn 8 hộ dân chưa chịu đi và chính quyền địa phương cũng đang có những giải pháp để vận động di dời.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia về lĩnh vực di sản văn hóa. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì sẽ nghiên cứu, rà soát và có hướng điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật và thực tế; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng kế hoạch tham mưu...

Theo Bộ trưởng, nguồn vốn hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích hiện nay là rất khó khăn, không chỉ ở di sản Huế mà nhiều di sản khác. Thế nhưng, Quần thể di tích Cố đô Huế đã thu được 320 tỉ đồng từ bán vé tham quan, lớn hơn nhiều so với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ trùng tu di sản, chứng tỏ rằng di tích đã nuôi được di tích. Nếu đầu tư tốt cho việc bảo tồn, tu bổ di tích thì di sản Huế cũng sẽ đưa lại nguồn thu lớn hơn nữa.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng,  vấn đề cấp bách của di sản Huế hiện nay là việc giải tỏa cư dân đang sinh sống trên di tích Thượng Thành. “Nếu bây giờ không nhanh chóng giải tỏa, thì càng về sau càng khó di dời”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Ông Phan Thanh Bình cho biết, qua đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà quản lý tại hội nghị lần này, Ủy Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp tục có các đợt làm việc với Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành liên quan để có báo cáo đầy đủ trình lên Quốc hội khóa XIV.

                                                                                          SƠN THÙY

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top