Giảm biến đổi khí hậu với nông nghiệp tái sinh

VHO - Cuộc thi đổi mới sáng tạo gần đây nhất của RMIT - Hacktivator 2022 khơi dậy ý tưởng mới nhằm giảm biến đổi khí hậu và hỗ trợ ra mắt sáng kiến RE:GEN ASIA của Xylem Capital.

Giảm biến đổi khí hậu với nông nghiệp tái sinh - Anh 1

Hacktivator 2022 mang đến trải nghiệm khởi nghiệp thông qua những thách thức đổi mới sáng tạo với nhịp độ nhanh

Cuộc thi được điều phối bởi RMIT Activator – chương trình thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp của Đại học RMIT, với sự tài trợ của quỹ đầu tư Xylem Capital và Hiệp hội Thụy Sĩ vì sự hợp tác quốc tế tại Việt Nam (Helvetas Việt Nam). Người tham gia được yêu cầu đưa ra giải pháp cho câu hỏi cốt lõi: "Làm thế nào để vừa tạo nên doanh nghiệp với sức mạnh đột phá tiếp theo, vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua nông nghiệp?".

Khái niệm “nông nghiệp tái sinh” xoay quanh các phương thức canh tác giúp giảm lượng CO2 trong khí quyển, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong tương lai, và phục hồi sức khỏe của hành tinh thông qua các loài thực vật và động vật khỏe mạnh hơn.
Trên khắp thế giới, tiềm năng đầy hứa hẹn của nông nghiệp tái sinh đang được khám phá tìm hiểu giữa các cộng đồng người làm nông nghiệp sáng tạo và các trang trại riêng lẻ. Đáng chú ý, nông nghiệp tái sinh hứa hẹn sẽ thay thế các kỹ thuật nông nghiệp đại trà hiện nay như đơn canh, lạm dụng hóa chất mạnh và xới đất sâu.

Cuộc thi Hacktivator cho phép người tham gia tự do nghĩ ra các giải pháp dựa trên phương pháp nông nghiệp tái sinh. Trong ba ngày đầu, thí sinh được hướng dẫn lên ý tưởng bằng mô hình thử thách quen thuộc của RMIT Activator, và kết thúc bằng một cuộc thi thuyết trình trước hội đồng giám khảo.

Giảm biến đổi khí hậu với nông nghiệp tái sinh - Anh 2

Ba đội xuất sắc nhất cuộc thi Hacktivator 2022

Trong số bảy đội lọt vào vòng chung kết, Borlaug's Dream Farms (tạm dịch: “Trang trại mơ ước của Borlaug” – đặt theo tên nhà nông học người Mỹ nổi tiếng Norman Borlaug) đã đăng quang ngôi vị Quán quân. Đội thắng cuộc đã đưa ra ý tưởng tinh chế rơm rạ với sâu bột vàng và ruồi lính đen để sản xuất phân bón, thức ăn đạm cho gia súc và dầu diesel sinh học. Bộ đôi chiến thắng, gồm một cựu sinh viên Đại học RMIT Việt Nam và một sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, quyết định tham gia cuộc thi với mong muốn giao lưu với những nhà đổi mới sáng tạo cùng chí hướng và mở rộng mạng lưới kết nối.

Mô hình Hacktivator được thiết kế để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Tại đây, các đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp luôn kết nối theo thời gian thực để tư vấn và hướng dẫn thí sinh trong suốt trải nghiệm cuộc thi. Đây là một cách để các đối tác doanh nghiệp có thể tìm thấy những ý tưởng lớn trong một môi trường giả lập lý tưởng, đồng thời khơi dậy hành trình khởi nghiệp suốt đời ở các bạn sinh viên.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc