Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường: Học chưa thật sự đi đôi với… đọc

Thứ Sáu 27/05/2022 | 10:16 GMT+7

VHO- Đọc sách được coi là một trong những giải pháp hữu ích giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Thế nhưng tại các nhà trường hiện nay, việc tạo lập thói quen đọc chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những nguyên nhân chính là vì số tiết dành cho hoạt động thư viện còn quá ít. Giáo viên phải lồng ghép hoạt động phát triển kỹ năng đọc vào các tiết dạy khác nên đôi khi hiệu quả không được như mong muốn.

  Phát triển văn hóa đọc cho học sinh cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa

 Thiếu sự song hành

Cô Trần Diễm Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chỉ tính riêng khối 4 ở trường, hiện các em một tuần chỉ có 3 tiết liên quan đến hoạt động đọc. Trong đó, 2 tiết tập đọc theo sách giáo khoa, 1 tiết còn lại dành riêng cho hoạt động thư viện. Với tiết thư viện, giáo viên sẽ cho học sinh biết chủ đề. Học sinh dưới sự hỗ trợ của phụ huynh sẽ chọn sách về đọc. Rất hấp dẫn nhưng tiết thư viện chỉ được xếp 1 tiết/tuần. Cô Quỳnh nhận định, số tiết đọc như vậy là ít. Bởi lẽ, việc đọc không chỉ đơn thuần giúp học sinh phát âm tốt, đọc văn bản trôi chảy hơn mà còn phát triển tư duy, tinh thần tự giác cho các em.

“Những môn khác gần như chiếm đa phần số tiết học ở trường nên tiết thư viện bị hạn chế khá nhiều. Nắm bắt được vấn đề, giáo viên phải lồng ghép thêm hoạt động đọc vào các tiết khác hoặc khuyến khích học sinh, phụ huynh tự chuẩn bị ở nhà. Dẫu vậy, lồng ghép cũng khó hiệu quả bằng các tiết chuyên biệt. Chúng tôi rất mong các tiết đọc mở rộng, sử dụng thư viện được tăng cường vì thực tế cả cô và trò đều rất hứng thú với hoạt động này. Phát huy được tính hiệu quả của văn hóa đọc sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, vì khi đọc sách, học sinh được phát triển đồng bộ nhiều kỹ năng khác nhau”, cô Trần Diễm Quỳnh chia sẻ.

Được tăng cường thêm 1 tiết thư viện cùng 1 tiết đọc mở rộng do sử dụng bộ sách giáo khoa khác, cô Nguyễn Linh Chi (giáo viên khối 2 Trường Tiểu học Trung Văn, Hà Nội) lý giải, sở dĩ khối 2 có thêm tiết phục vụ phát triển việc đọc là vì khối này của nhà trường dùng bộ SGK Kết nối tri thức và cuộc sống. Còn ở một số khối khác nếu không dùng bộ SGK này thì chưa chắc đã có thêm tiết để phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề là nếu không có sự giúp đỡ từ phía gia đình thì bản thân giáo viên và nhà trường cũng rất khó để giúp các em yêu sách hơn. “Ngoài thời gian trên lớp, phụ huynh cần tích cực giúp đỡ các con khi ở nhà. Các tiết đọc hiện nay thường đi theo hướng giáo viên chọn chủ đề cho tiết tới, học sinh về nhà chọn sách để tìm hiểu trước. Do học sinh cấp 1 còn nhỏ tuổi nên việc chuẩn bị ở nhà cần đến sự giúp đỡ của phụ huynh. Không có hỗ trợ từ bố mẹ, học sinh khó theo được thì kể cả có thêm nữa các tiết đọc mở rộng cũng không phát huy hiệu quả”.

Phải luôn song hành

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), hiện nay hoạt động thư viện trong tường học vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn tài nguyên thông tin chưa phong phú. Việc trang bị các kỹ năng thông tin cho học sinh chưa được thường xuyên và có hệ thống. “Tôi mong thời gian tới, các nhà trường sẽ tăng cường giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc sách cho thiếu nhi bằng việc gắn kết hoạt động đọc sách với hoạt động học tập. Các em là những mầm non tương lai của đất nước nên việc phát triển đầy đủ kỹ năng thông qua việc đọc sách là rất cần thiết. Nhiệm vụ này phải được thực hiện ngay các cấp học đầu tiên”, Vụ trưởng Vụ thư viện nêu rõ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hùng cho hay, hiện Vụ đang tập trung xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động thư viện trong phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Một trong những nội dung được Chỉ thị đặc biệt chú trọng là việc thư viện trường học và thư viện công cộng với vai trò chủ thể trực tiếp triển khai các hoạt động phục vụ và phát triển kỹ năng thông tin cho thiếu nhi.

Anh Đỗ Tiến Thành, người được mệnh danh là “cửu vạn sách”, đồng hành cùng nhiều hoạt động khuyến đọc trong nhà trường cho hay, hiện việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh còn rất nhiều vấn đề bất cập như cơ sở vật chất nghèo nàn, không có không gian đọc lý tưởng cho các em... Hoặc như thời gian qua, vấn đề cốt lõi nhất giáo viên phải đối mặt là các cô phải bổ sung kiến thức cho các em sau quãng thời gian dài học online vì dịch. “Học sinh học online quá lâu nên giáo viên cần dành thêm thời gian để đảm bảo kiến thức cho các con. Nhiều cô chia sẻ dù rất muốn cho các con được hoạt động trong tiết thư viện vì như vậy vừa học, vừa giải trí, giúp học sinh bớt căng thẳng nhưng thời gian không cho phép”, anh Đỗ Tiến Thành nêu.

Anh Thành khẳng định, cả giáo viên và học sinh đều phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò đọc sách và coi đây như môn học bắt buộc: “Đọc sách nhiều, học sinh sẽ tự rèn được cho mình tính tập trung. Những bạn có thói quen đọc sách thì khả năng tự học cũng cao hơn. Giáo viên cũng vì thế sẽ đỡ vất vả hơn trong việc “chạy chương trình”. Để khơi dậy niềm đam mê với sách cho học sinh, giáo viên cùng phụ huynh có thể vận động, xây dựng tủ sách ngay tại lớp học cho học sinh. Như vậy sẽ bớt được thời gian phải ra tận thư viện, học sinh cũng có thể tự lấy sách ra đọc khi điều kiện cho phép. Cách thức quản lý tủ sách cũng cần được giáo viên lưu ý để tủ sách thường xuyên được sử dụng chứ không phải chỉ để mở cho có”. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top