Hãy là người ra nước ngoài thông thái!

VHO- Hiện có một số người Việt Nam ra nước ngoài gặp rắc rối do không am hiểu văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật nước sở tại đang là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai. Đặc biệt đối với những người được coi là nổi tiếng, người của công chúng, thì sự ảnh hưởng không chỉ với bản thân mà ít nhiều còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Hãy là người ra nước ngoài thông thái! - Anh 1

Tôi cho rằng, mọi công dân đều phải có ý thức chấp hành pháp luật dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Nhưng đối với công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, cần ý thức rằng luật pháp mỗi nước đều có những khác biệt nhất định và muốn tuân thủ pháp luật của họ một cách đúng và đầy đủ thì không còn cách nào khác phải có sự trang bị hiểu biết về pháp luật để không gặp các rắc rối pháp lý.

Đặc biệt, với một số vấn đề khá đời thường và dễ gặp phải rắc rối như những hành vi liên quan đến tình dục, mại dâm, hàng cấm, hàng lậu, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giao thông,... cần hết sức chú ý đến những quy định riêng của từng nước. Đặc biệt là ở những nước phát triển với những yêu cầu khắt khe về ý thức bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên, bảo vệ môi trường, ý thức tham gia giao thông. Ví dụ có những quốc gia quy định rất gắt gao về bảo vệ quyền tự do tình dục trong đó bao gồm việc quy định các tội xâm phạm tình dục không qua giao cấu như quấy rối tình dục, khiêu dâm trẻ em,... Những công dân Việt Nam sang học tập, làm việc hoặc kinh doanh lâu dài còn cần phải tìm hiểu sâu và chi tiết. Riêng đối với những người đi du lịch, tham quan ngắn hạn thì ít nhất cũng cần tìm hiểu những giới thiệu sơ lược về văn hóa, tập quán và pháp luật của nước sở tại qua các kênh chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý du lịch,... Cũng tránh quan niệm cho rằng đi nước ngoài thì chỉ cần tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Công dân Việt Nam ở nước ngoài nếu có những hành vi bị quy định là vi phạm pháp luật theo luật Việt Nam thì hoàn toàn có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý tại Việt Nam.

Việc có hiểu biết về văn hóa, tập quán và pháp luật nước sở tại là cách để tránh gặp rắc rối. Chẳng hạn như trong văn hóa pháp lý của phương Tây, kiện tụng là cách thức khá phổ biến để giải quyết các vấn đề tưởng chừng rất nhỏ và đơn giản, trong khi người Việt Nam vẫn quan niệm những va chạm, xô xát hay xung đột chỉ cần giải quyết bằng xin lỗi, giảng hòa, đền tiền. Để tránh bị mắc bẫy rơi vào vòng lao lý cần xác định rõ mối quan hệ và trách nhiệm của các bên. Nhìn chung khi sang các nước khác mỗi khi tham gia vào các quan hệ, giao dịch có tính nhạy cảm thì cần có giao ước cụ thể (nếu cần thì lập thành văn bản). Việc có người thứ ba chứng kiến đôi khi khá cần thiết cho một số giao dịch ở nước ngoài.

Khi gặp rắc rối pháp lý ở nước ngoài, công dân Việt Nam cần tìm cách nhanh nhất để liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó hoặc khu vực đó. Quyền giữ im lặng, quyền có phiên dịch và quyền có người đại diện pháp lý, có luật sư cũng cần được sử dụng tối đa. Không nên tự mình tìm đến giải quyết riêng với bên có liên quan vì rất dễ dẫn đến các hệ lụy khác.

TS ĐÀO LỆ THU - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công, Viện Luật So sánh

Ý kiến bạn đọc