Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Làng gốm mộc bên đầm An Khê

Thứ Bảy 09/07/2022 | 08:46 GMT+7

VHO- Gốm như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay. Từ bao đời nay, sản phẩm ở làng gốm Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn rất được thị trường ưa chuộng. Chính quyền và bà con nơi đây đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề trước nhiều khó khăn, thách thức.

Sản phẩm gốm sau khi tạo hình được phơi khô ngoài nắng 

Giữ nét văn hóa

Làng gốm Phổ Khánh là một trong những giá trị văn hóa quan trọng nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh. Dựa trên các dấu tích còn sót lại tại đầm An Khê thì từ thời tiền sử, con người đã biết tận dụng nguồn nước ngọt tại đầm An Khê để sản xuất, dựa vào một nhánh chĩa của dãy núi Trường Sơn vươn ra biển để săn bắt, hái lượm. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều mộ chum, mộ vò xung quanh đầm An Khê, đây là cơ sở khẳng định làng gốm Phổ Khánh có từ lâu đời.

Để tạo ra sản phẩm gốm đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ

Những người cao tuổi trong làng không còn nhớ nghề gốm được bắt đầu từ đâu. Thời đó, nhà nhà, người người trong thôn, từ già đến trẻ đều biết làm gốm. Bà Đặng Thị Mỹ, người có kinh nghiệm làm gốm hơn 40 năm tại thôn Vĩnh An cho biết, mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật. Người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn. “Trước hết là phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng”, bà Mỹ chia sẻ.

Gốm được sắp xếp ngăn nắp trong lò để nung

Trải qua hàng trăm năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làm gốm vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản gốm. Bắt đầu kéo đất, nặn gốm trên chiếc bàn chày bằng gỗ, tròn, to như cái mâm, có thể xoay quanh trục cố định, bà Mai Thị Hồng Tư (58 tuổi), thôn Vĩnh An cho hay, mỗi ngày, bà chuốt được khoảng 70 sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm có độ khó, dễ và cách nặn khác nhau. Nghề này chủ yếu chỉ làm vào mùa nắng, chuốt xong mang phơi khô cho có độ rắn, trắng đẹp rồi mới chất vào lò để nung. Thế hệ con cháu của làng gốm hầu như không chịu kế thừa nghề truyền thống này. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập quá thấp, nên đã từ bỏ nghề và đổ dồn về các khu công nghiệp để làm thuê.

“Gia đình tôi đã bao đời nay theo nghề làm gốm, nhưng tiếc là hiện nay lại không còn ai theo nghề này ngoài tôi. Điều tôi trăn trở và lo lắng nhiều nhất, đó là việc truyền nghề cho thế hệ sau, vì hầu như rất ít con cháu chịu kế thừa nghề làm gốm”, bà Tư bày tỏ.

Chuyển mình khi hội nhập

Để giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm, tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, anh Nguyễn Tấn Hợp sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất làm từ máy đều tăm tắp, năng suất một ngày gấp đôi, gấp ba lần trước kia. Anh Nguyễn Tấn Hợp, thôn Vĩnh An cho biết, trước kia, một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được khoảng 70-90 sản phẩm. Nay nhờ cải tiến ở khâu tạo hình sản phẩm có khuôn, có máy, mỗi ngày, họ có thể làm được 200 sản phẩm với chất lượng vẫn được đảm bảo.

Làng gốm nổi tiếng với sản phẩm đồ gốm gia dụng

Vừa duy trì sản xuất bằng máy vừa nhận chuốt hàng thủ công, anh Lê Trung Nam thôn Trung Sơn chia sẻ, đây là nghề của cha ông để lại, anh muốn thợ vẫn giữ được nghề truyền thống này. Đối với việc nặn, chuốt thủ công, anh chỉ làm theo đơn đặt hàng bởi đó là những sản phẩm hình dáng khác thường. Với các loại sản phẩm gốm thông dụng, anh cho đúc khuôn với hình thức khá đẹp, đồng đều, da gốm láng mịn. Hình thức sản phẩm gốm bền đẹp, giá trị sử dụng cao, giữ được nét văn hóa truyền thồng nên khách hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng, đặt hàng.

Làng gốm nổi tiếng với sản phẩm đồ gốm gia dụng như: nồi niêu, trách, trả, khuôn bánh xèo... Thời hưng thịnh, làng gốm Phổ Khánh có hơn 300 hộ dân làm nghề. Hiện, làng chỉ còn 10 hộ làm nghề, trong đó có hai lò gốm lớn của anh Nguyễn Tấn Hợp và anh Lê Trung Nam. Thu nhập tuy không cao nhưng họ vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống này.

Gốm Phổ Khánh được ưa chuộng và có đầu ra ổn định

Ông Phạm Kim Oanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh cho rằng, tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống nhưng làng gốm Phổ Khánh chưa có thương hiệu. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm để gốm Phổ Khánh có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để khi tuyến du lịch công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh hình thành, làng gốm có cơ hội hồi sinh trở lại. Đến nay, gốm Phổ Khánh đã có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

“Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công đồng thời với sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ”, ông Oanh cho biết.

NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top