Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới

VHO- Trong hai ngày 25- 26. 7, tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình giảng chuyên đề của GS. Justin O’Connor, Đại học South Australia với chủ đề Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới: Vượt ra ngoài mô hình các ngành công nghiệp sáng tạo?.

Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới - Anh 1

GS. Justin O’Connor, Đại học South Australia với chương trình giảng dạy chủ đề Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới: Vượt ra ngoài mô hình các ngành công nghiệp sáng tạo?

Chương trình có sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Ý tưởng về nền kinh tế sáng tạo được đưa ra vào đầu thiên niên kỷ mới bởi Đảng Lao động Vương quốc Anh, và đã được thúc đẩy bởi các cơ quan quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Anh và nhiều tổ chức khác. Liên quan đến việc thông qua Công ước về Đa dạng Văn hóa của UNESCO năm 2005, ý tưởng về nền kinh tế sáng tạo đã được nhiều quốc gia trên toàn cầu áp dụng, điều chỉnh cho phù hợp,  đặc biệt là ở Đông và Đông Nam Á. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đang ở trong một thế giới rất khác so với thập kỷ của sự toàn cầu hóa lạc quan mà từ đó ý tưởng kinh tế sáng tạo ra đời. Biến đổi khí hậu, hậu Covid, căng thẳng địa chính trị, tăng trưởng kinh tế chậm lại, bất bình đẳng gia tăng, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng công nghệ toàn cầu, tất cả đều đặt ra những câu hỏi mới.

Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới - Anh 2

Trong hai ngày thỉnh giảng, GS. O’Connor sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận về câu hỏi những mô hình mới nào có thể đang xuất hiện cho văn hóa và nghệ thuật để có thể giúp đương đầu với một bối cảnh mới đầy khác biệt, cùng với những người tham dự khoá giảng dạy chuyên đề đến từ các cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách, cộng đồng các nhà lãnh đạo, quản lý văn hoá tại Hà Nội. GS. O’Connor sẽ nhìn lại bốn thập kỷ cho đến những năm 1980, để thấy được nghệ thuật và văn hóa đã trở nên liên kết với nhau như thế nào cùng với ý tưởng về nền kinh tế sáng tạo. Dựa trên trải nghiệm công việc của ông với UNESCO trên toàn cầu và ở Trung Quốc, bài giảng của ông cho thấy sự sáng tạo thường được thể hiện như là mang tính phổ quát như thế nào, khi mà khái niệm này thường bị tô màu bởi kinh nghiệm phương Tây. Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể có những tư tưởng nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo rất khác nhau.

Chính sách văn hóa cho kỷ nguyên mới - Anh 3

Chương trình diễn ra với hai chủ đề: Góc nhìn lịch sử về ý tưởng các ngành công nghiệp văn hóa/sáng tạo và thành phố sáng tạo Thực trạng và một số thách thức đối với các chính sách văn hóa hiện tại, GS. O’Connor cùng với các học viên sẽ thảo luận câu hỏi về việc liệu có thể có những góc nhìn châu Á và Việt Nam cung cấp cơ sở cho một mô hình mới phù hợp hơn đối với chính sách văn hóa và nghệ thuật để giải quyết những thách thức mà nhân loại toàn cầu đang phải đối mặt hay không?

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc