Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Văn hoá, văn minh nơi tàu điện trên cao: (Bài 1): Hào nhoáng và hiện đại

Thứ Tư 10/08/2022 | 10:00 GMT+7

VHO-Nói về phương tiện giao thông công cộng của Hà Nội hiện nay thì đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện nay thuộc vào hàng bậc nhất, bậc nhất không chỉ về những con số gắn liền với lực lượng cán bộ, công nhân viên làm việc, gắn liền với thời gian kỷ lục để đi từ một điểm này đến điểm kia, về số lượng hành khách mà còn gắn với những nhà ga rộng lớn, hiện đại, sạch đẹp và văn minh…

Các nhà ga luôn sạch bóng tạo nên sự hào nhoáng, hiện đại

Tuyến đường sắt trên cao có 12 nhà ga gồm: ga Cát Linh, ga La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Thượng Đình, ga Vành đai 3, ga Phùng Khoang, ga Văn Quán, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê, ga bến xe Yên Nghĩa, trên cung đường có mật độ giao thông lớn. Lần đầu tiên, người dân được thấy những nhà ga rộng lớn, xây dựng và thiết kế hiện đại với những đường lên xuống thuận tiện, đảm bảo cho các đối tượng đều có thể tiếp cận được như có thang máy, thang cuốn dành cho người già yếu, người khuyết tật vận động; có hệ thống bảng, biển ở nhiều nơi. Dù các nhà ga đi vào hoạt động hơn 7 tháng, nhưng nhà ga nào cũng sạch bóng, và hình ảnh dễ dàng bắt gặp là các chị nhân viên vệ sinh làm việc liên tục; nếu khó khăn trong việc mua vé bằng máy tự động, luôn có người đến hướng dẫn, giúp đỡ. Đặc biệt, các nhà ga đều là những điểm check – in lý tưởng của giới trẻ bởi những thiết kế ấn tượng và màu sắc phong phú, và có rất nhiều góc chụp mà lên hình như trong phim.

Những mảng miếng đa sắc màu là đặc trưng ở mỗi nhà ga 

Với những người có điều kiện ra nước ngoài, thì đường sắt trên cao không còn là xa lạ với những chuyến tàu êm ru, trở thành phương tiện đi lại thường xuyên nhưng vẫn không thể không háo hức được trải nghiệm một bước tiến quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng Thủ đô. Chia sẻ về chuyến trải nghiệm của mình, chị Trần Hồng Ngọc (Hà Nội) bày tỏ sự thích thú: “Tôi bắt đầu hành trình từ ga Cát Linh, ấn tượng đầu tiên là nhà ga to, đẹp, màu xanh rất bắt mắt. Về kiến trúc, các nhà ga được thiết kế tương tự với hệ thống ga tàu các nước Đông Nam Á. Bạn có thể mua vé ở quầy hoặc ở máy bán vé tự động, quy trình mua vé, nhận thẻ đi tàu rất nhanh chóng. Máy bán vé với hướng dẫn bằng tiếng Việt rất dễ hiểu, bạn chỉ cần làm theo đúng chỉ dẫn là có vé trong tay.

Điều tôi thích nhất là được ngồi trên tàu ngắm những con đường, hồ nước, nhà cao tầng, công viên lướt ngoài cửa sổ. Những khung cảnh dường như rất quen nhưng được trải nghiệm ở trên cao thì lại rất khác lạ và thú vị. Tôi không nghĩ hồ Hoàng Cầu, khu Thanh Xuân, Văn Quán nhìn từ trên cao lại thơ mộng và hay ho đến thế. Cảm giác mình đang lướt trên tàu cao vút, nhìn xuống quang cảnh phía dưới nơi dòng người đang từ từ di chuyển thật khó tả. Nếu bạn đi cuối giờ chiều lúc hoàng hôn, ánh nắng xuyên qua sẽ tạo nên cảnh tượng rất đẹp mắt. Rất nhiều người đi tàu không chỉ để trải nghiệm phương tiện mới mà còn để check in, chụp những tấm hình giống hệt như mình đang ở nước ngoài…”.

Chị Trần Hồng Ngọc hào hứng khi lần đầu tiên trải nghiệm đường sắt đô thị tại Việt Nam

Là người thường xuyên đi nước ngoài công tác và làm việc, chị Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng  (SCDI)  đã trải nghiệm đường sắt đô thị một cách bất đắc dĩ vì sắp đến giờ họp mà đường lại đang tắc. Khi xuống ga cần đến, chị phải thốt lên “cực kỳ hài lòng”. “Cảm giác gồi trên tàu, lướt qua cửa sổ, ban công của các ngôi nhà, các công sở, cảm giác thật là giống ở bên "bển". Nhà vệ sinh thật sạch sẽ, chẳng khác ở sân bay. Phải nói là cực kỳ hài lòng”, chị Oanh nhắc lại.

Sự thành công của đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông không chỉ phương tiện giao thông công cộng mà còn là điểm đến tham quan, du lịch của nhiều người dân, trong đó có người dân ngoại tỉnh khi đến Hà Nội. Có những đoàn khách toàn người cao tuổi mặc đồng phục thuê cả chuyến xe ô tô từ xã Ninh Hiệp, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đến ga Cát Linh chỉ để được tham quan đoàn tàu và một số địa điểm xung quanh các ga. “Tàu nhanh, mát, sạch sẽ, rất phấn khởi, tự hào” là những cụm từ mà các cụ dành cho chuyến tham quan ngắn này.

Máy bán vé tự động bằng tiếng Việt giúp hành khách dễ dàng sử dụng

Dù mới đi vào hoạt động, lại là đơn tuyến nhưng đến nay, lượng hành khách đi ga tàu ngày một gia tăng, không chỉ là những người đi trải nghiệm, tham quan hoặc nhu cầu đơn lẻ mà số người mua vé tháng đã tăng từ 10% ban đầu lên hơn 20%. Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, ngoài thời điểm tháng đầu tiên đi miễn phí, những tháng sau đó khách cũng tăng dần lên, đỉnh điểm nhất là dịp nghỉ lễ 30.4 (vận chuyển 43.000 lượt khách) – 1.5 (vận chuyển 53.000 lượt khách); sau hơn 7 tháng, mỗi ngày trung bình vận chuyển 16.000 lượt. Điều này đã khẳng định thành công bước đầu khi vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tạo niềm tin rằng, người dân sẵn sàng đi lại bằng phương tiện công cộng thay thế xe cá nhân nếu đáp ứng được những nhu cầu của phát triển hiện đại. Chúng ta càng đẩy nhanh đầu tư các tuyến metro của Hà Nội bao nhiêu thì những vấn đề về giao thông đô thị sẽ được giải quyết tốt hơn. Bởi vậy nên Hà Nội đang thúc đẩy, tập trung mọi nguồn lực để đưa tuyến thứ 2 là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đi vào vận hành.

Trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 16.000 lượt người

Bài, ảnh:  QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top