Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Người thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu và những câu chuyện làm nên lịch sử

Thứ Tư 31/08/2022 | 09:14 GMT+7

VHO- Mỗi dịp Quốc khánh, ông Nguyễn Tiến Hà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Minh thành Hoàng Diệu lại bồi hồi nhớ về những năm tháng tham gia cách mạng và có mặt tại hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô.

Mi dp Quc khánh, ông Nguyn Tiến Hà li bi hi nh li nhng ngày hot đng cách mng gn 80 năm v trưc

Dù đã trải qua gần 80 năm nhưng câu chuyện của ông vẫn hồi hộp, hấp dẫn như vừa mới xảy ra ngày hôm qua…

Giác ngộ cách mạng sớm

Dù đã bước sang tuổi 96 nhưng ông Nguyễn Tiến Hà vẫn còn minh mẫn, giọng nói rõ ràng, mạch lạc. Hằng ngày ông thường xuyên đọc sách báo, bơi lội, tập thể dục để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông hiện là Phó trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Minh thành Hoàng Diệu và là một trong số những người ít ỏi hiện còn liên lạc được.

Quê gốc Hải Dương nhưng ông Nguyễn Tiến Hà (tên thật là Nguyễn Hữu Tự) sinh ra và lớn lên tại ngõ Quỳnh, phố Bạch Mai, Hà Nội, được đi học từ nhỏ với anh trai là Tạ Quang Chiến (tên thật là Nguyễn Hữu Văn, 1 trong 8 chiến sĩ cận vệ được Bác Hồ đặt tên, cùng với các đồng đội là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, đã qua đời ở tuổi 98). Năm 1944, phong trào cách mạng đang lên cao, những người anh ở khu phố Bạch Mai đã dìu dắt ông tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc. “Khi đó, tôi đang học hệ Tú tài của Pháp, đọc được truyền đơn và báo bí mật của Đảng nên giác ngộ cách mạng sớm. Lúc đó tổ chức Đoàn thanh niên Cứu quốc hoạt động bí mật, đến tháng 8.1944 mới đổi tên thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu”, ông Hà kể.

Nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi, ông Nguyễn Tiến Hà không giấu nổi sự phấn khích: Lúc đó còn trẻ nên được làm những việc phưu lưu thì tôi thích thú, hào hứng lắm. Những thế hệ đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu có nhiều hoạt động như rải truyền đơn, dán áp phích cổ động, tuyên truyền bằng miệng để người dân giác ngộ cách mạng. Đi dán áp phích ở trên tường hoặc xe điện, nơi đông người qua lại có tổ Tam tam 3 người (1 người làm nhiệm vụ cảnh giới, 1 người phết hồ và 1 người cầm áp phích đập vào chỗ hồ đó), xong lẩn trốn thật nhanh. Có những lần tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền đồng bào ủng hộ Việt Minh chớp nhoáng ở chợ Mơ, khi địch phát hiện vào lùng sục thì được những người bán hàng giúp đỡ, che chắn để quân mình trốn thoát.

Những lần tuyên truyền ở rạp hát hay rạp chiếu bóng, đội Thanh niên tổ chức công phu hơn, phải tìm hiểu kỹ xem có người soát vé, người phục vụ nào cảm tình với quân Việt Minh và thực hiện trong ngày họ trực. Khi rạp bất ngờ tắt điện thì mình đã ở trên ban công tung truyền đơn ra như bướm bay, hô hào ủng hộ Việt Minh; thấy có truyền đơn thì khán giả nhặt lên và giấu đi. “Ta chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong mấy phút, khi đèn bật lên thì ta đã rút rồi, ở đầu phố cũng có đội cảnh giới để báo động. Người dân biết Việt Minh đã có mặt ở Hà Nội nên không khí, tinh thần yêu nước càng sục sôi”, ông Hà chia sẻ và kể thêm: “Hồi đó không chỉ có nhiệm vụ chống giặc ngoài xâm, chống giặc dốt mà còn phải chống giặc đói. Nạn đói năm 1945 rất thê thảm, chúng tôi lại tổ chức đi quyên góp gạo, xin cơm của người giàu phát cho người nghèo”.

 Nhng t truyn đơn, áp phích mà Đoàn thanh niên cu quc thành Hoàng Diu đã ri, dán khp ph phưng Hà Ni nhng năm 1945 1946

Những ngày hoạt động bí mật

Hà Nội có những sự kiện lịch sử nào đáng nhớ thì ông Nguyễn Tiến Hà đều tự hào đã được góp sức tham gia, có thể kể đến sự kiện xoay chuyển cuộc mít tinh mà Tổng hội Công chức tổ chức vận động ủng hộ Chính phủ bù nhìn thành cuộc biểu tình để ủng hộ Việt Minh ở Quảng trường Nhà hát Lớn vào chiều ngày 17.8.1945; Khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19.8.1945; Ngày 2.9.1945 lịch sử; 60 ngày đêm chiến đấu cầm chân địch năm 1946…

Sau khi tham gia chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Hà được lệnh rút ra vùng tự do để bảo toàn lực lượng. Đến năm 1948, ông được phân công vào nội thành hoạt động bí mật và bị địch bắt sau lần giải cứu thành công một phái viên công an tên là Lê Nghĩa. Đầu tiên ông bị giam ở Đồn cảnh sát số 2 (góc phố Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn). Tìm cách vượt ngục nhưng không thành, ông tiếp tục bị chuyển sang giam ở Sở Mật thám Bắc Việt (nay là trụ sở Công an TP Hà Nội). “Ở đây, tôi vận động anh em vượt ngục, ra được 10 ngày thì bị bắt lại, vì người dẫn đường chính bị bắt, người phụ thì không thạo đường nên đi suốt đêm cũng không vượt ra khỏi vùng bị địch chiếm đóng, thuộc xã Dụ Tiền, huyện Thanh Oai. Tôi bị tra tấn nhằm khai thác xem hoạt động ở đâu, như thế nào, nhưng tôi kiên quyết không khai”, người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại.

“Tôi là học sinh, chiến sự căng thẳng, khó khăn quá nên đi buôn lậu hàng lặt vặt, bàn chải, thuốc đánh răng, đường sữa… từ vùng chiếm đóng ra vùng tự do” là câu duy nhất được ông nhắc đi nhắc lại mỗi lần bị tra khảo. Không làm được gì, chúng lại chuyển ông về bốt Cầu Chiếc (Thường Tín) để tiếp tục tra tấn, khai thác… Lúc này, Sở Mật thám đang truy tìm tù nhân trốn trại, khi đến bốt Cầu Chiếc chúng nhận ra ông Hà thế là ông bị giải về Sở Mật thám Bắc Việt tiếp tục tra tấn, lấy lời khai.

“Chúng hỏi: Mày trốn tù thì ai đưa mày ra? Trước đó, chúng tôi đã bảo nhau khai là: Không ai đưa, trước cái chết thì phải tìm đến cái sống, tự trốn ra chứ không có ai dẫn đường. Tôi bị tra tấn dã man bằng cách dí điện, treo lên xà nhà (gọi là đi tàu bay), còn đi tàu ngầm là bị giúi vào bể nước cho sặc sụa ngạt thở”. Chứng kiến sự kiên cường, bất khuất, tài trí của ông Nguyễn Tiến Hà, Ban chi ủy nhà tù Hỏa Lò đã tiến cử ông làm Bí thư chi bộ cho đến lúc ra tù. Không ngừng hoạt động cách mạng, vừa được tự do, ông lập tức liên hệ với đơn vị ở quận Nội thành để được giao nhiệm vụ.

Đến năm 1954, ông Hà cùng với đội quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, vì biết tiếng Anh và tiếng Pháp, ông được giao phụ trách Trại hàng binh của Hà Nội (nơi giam giữ tù binh, hàng binh Âu-Phi). Năm 1955, ông chuyển sang công tác ở ngành GD&ĐT với nhiều vai trò, vị trí công tác khác nhau, như: Hiệu trưởng Trường cấp 3 Nguyễn Huệ; Giảng viên kiêm Phó Bí thư Đảng ủy ĐH Sư phạm Hà Nội; Trợ lý, thư ký cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình; Trưởng đoàn chuyên gia Giáo dục ĐH Sư phạm ở Angola… Sau khi về hưu, ông tham gia sáng lập và làm Trưởng ban Liên lạc những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở nhà tù Hòa Lò. Đến khi Ban Liên lạc Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu được sáng lập, ông được cử làm Phó trưởng Ban thường trực; ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào ở địa phương… 

QUỲNH HOA

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top