Tháo gỡ "nút thắt", thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển

VHO- Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021) đã được Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức ngày 12.9 tại Bảo tàng Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt điều hành và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Tháo gỡ

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là dịp để các nhà khoa học, các thành phần thực hành sáng tạo cùng trao đổi, đánh giá từ những góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Công nghiệp văn hóa 5 năm nhìn lại

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Hội thảo là hoạt động quan trọng của ngành văn hóa, nơi các đại biểu tham gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đánh giá về một chặng đường phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong 5 năm qua.

Tháo gỡ

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua

Thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường,nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia…”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Việc ban hành và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020,tầm nhìn đến năm 2030 đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết,  Bộ VHTTDL đã nhận thức sâu sắc về sứ mệnh và vai trò quan trọng của mình trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đề ra và nỗ lực chuyển hóa động lực ban đầu này thành các hành động cụ thể. Từ việc đóng góp  vào cải thiện khuôn khổ chính sách cho tới triển khai các kế hoạch và chương trình cụ thể, Bộ VHTTDL đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành công nghiệp văn hóa  ở Việt Nam đạt được trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vai trò của Bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu đi sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều bộ, ngành  và các  tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật.

Tháo gỡ

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam (VICAS) phát biểu tại Hội thảo

 Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong tiến trình phát triển  của văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, bên cạnh những thành tựu luôn tồn tại những hạn chế và thách thức. Sự phát triển toàn diện mà chúng ta luôn kỳ vọng và mong muốn đạt được đòi hỏi phải có những đánh giá định kỳ để xem xét đầy đủ, khách quan những tác động thực tiễn của Chiến lược. “Những bằng cứ này là cơ sở giúp chúng ta xác định những yêu cầu chuyển đổi cần thiết cũng như những nhân tố mới, động lực mới nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang cùng hướng tới. Với ý nghĩa này, đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này…”, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Một bức tranh toàn cảnh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong nửa thập kỷ qua đã được phác thảo một cách rõ nét. Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực- vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam (VICAS) nêu, bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành công nghiệp văn hóa có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế: thiết kế với ngành thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, trò chơi trực tuyến, phần mềm, kiến trúc...; thiết kế với các ngành công nghiệp chế tạo và nhiều ngành kinh tế khác... Thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động. Từ 40 không gian sáng tạo năm 2017 đến nay đã phát triển lên hơn 200 điểm sáng tạo ở khắp mọi miền đất nước với những tổ hợp như Hanoi Creative City, Thiết kế 282 Designe…

Phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Công nghiệp văn hóa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh,... từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện cho những ngành này trong thị trường khu vực và thế giới.

Tháo gỡ

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu, bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành công nghiệp văn hóa có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế

So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hằng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tháo gỡ “nút thắt”

Dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn.Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm- dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn không ít rào cản. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Đáng chú ý, nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Khảo sát nghiên cứu của VICAS cũng chỉ ra mức độ tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa Hàn Quốc hiện nay đang cho thấy sự xâm chiếm mạnh mẽ thị trường tiêu dùng của sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Cụ thể, người dân thường xuyên xem điện ảnh của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,4%, tiếp đến là thưởng thức âm nhạc (56,2%)... Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính bền vững và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.

Tháo gỡ

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng tham luận tại Hội thảo

Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề về đào tạo và quản lý nhân sự theo hướng tăng cường khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến …

Chia sẻ tại hội thảo, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, công nghiệp văn hóa thời gian qua cũng đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực này song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Theo nhà sản xuất của liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa, việc tổ chức các festival âm nhạc là ngành nghề đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro bởi vậy rất cần có sự chia sẻ, hướng dẫn, đồng hành của các cơ quan quản lý. Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững, rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân.

Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đề xuất việc tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực , xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…

Tháo gỡ

Hội thảo là một nội dung quan trọng chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa  sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11.2022

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ghi nhận những chia sẻ, ý kiến và đóng góp được các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại biểu các địa phương và những cá nhân, tập thể tham gia thực hành sáng tạo nêu tại hội thảo. Thứ trưởng khẳng định, 5 năm qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều hạn chế. “Có nhiều việc chúng ta làm được và nhiều việc chưa làm được, thậm chí có nhiều việc còn lúng túng. Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực, có những kết quả cụ thể nhưng để phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như Chiến lược đề ra thì khối lượng công việc để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều. Cùng với đó là sự cần thiết hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu.

Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, những ý kiến, tham luận tại Hội thảo sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ tiếp thu,ghi nhận. Hội thảo  cũng là một bước quan trọng chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa  sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11.2022.

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc