Phim truyền hình dành cho giới trẻ: Khan hiếm “đất dụng võ”

VHO- Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt thường tập trung khai thác dòng chính luận, gia đình do dễ xây dựng tình tiết gay cấn, “drama” để thu hút người xem. Vì thế, phim về đề tài người trẻ trên hành trình trưởng thành, lập nghiệp rơi vào tình cảnh khan hiếm “đất” để thể hiện.

Phim truyền hình dành cho giới trẻ: Khan hiếm “đất dụng võ” - Anh 1

 Phim truyền hình Việt về đề tài giới trẻ cần được gia tăng cả về số lượng và chất lượng Ảnh: Poster phim “Ga-ra hạnh phúc”

 Dù số lượng còn khiêm tốn, thế nhưng mỗi khi xuất hiện, đề tài này luôn trở thành mảng màu lấp lánh, đặc sắc trong “vũ trụ” phim truyền hình hiện nay.

Mang dấu ấn riêng

Mảng phim truyền hình Việt ngày càng tạo được niềm tin cũng như khẳng định vị trí trong đời sống tinh thần của công chúng. Tuy nhiên, khi có quá nhiều bộ phim về những góc khuất, bi kịch ngoại tình, gia đình đổ vỡ, vụ án hình sự… khán giả đã có phần hơi “ngán” và mong chờ những lát cắt mang thông điệp nhẹ nhàng, mới mẻ hơn.

Có lẽ vì thế, Ga-ra hạnh phúc khai thác đề tài giới trẻ ngay từ tập đầu tiên ra mắt đã “đốn tim” khán giả bằng những câu chuyện trẻ trung, sôi nổi cùng sự “lột xác” hoàn toàn của dàn diễn viên. Bộ phim của đạo diễn Bùi Quốc Việt xoay quanh nhân vật Sơn Ca. Cô sống cùng ông nội. Mẹ mất tích. Bố nghiện bài bạc lâu lâu lại quay về “nã tiền” con gái. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng Sơn Ca vẫn lạc quan vì ông nội luôn thương yêu cô vô bờ bến. Đồng hành cùng Sơn Ca còn có Quân, anh chàng người yêu lý tưởng luôn quan tâm thật lòng đến cô. Để tiện chăm sóc ông đang bệnh, Sơn Ca tìm đến ga-ra ô tô ở gần nhà xin việc. Tại đây, cô gặp những người bạn mới là Khải, ông chủ khó tính tiệm lời; Vân, em gái Khải, nhút nhát và luôn sợ hãi; Trung, anh chàng quản lý keo kiệt... Từ những ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp, để rồi cuối cùng tất cả đã trở thành những người bạn thân thiết, một phần quan trọng trong thanh xuân của nhau, cùng nhau đi qua bao sóng gió.

Sức hấp dẫn của Ga-ra hạnh phúc đến từ kịch bản với nhiều chi tiết gần gũi cuộc sống hằng ngày. Tuyến nhân vật được xây dựng có tính cách độc đáo, sắc nét. Dù trẻ tuổi nhưng rất “đời”, không ai trong số họ có cuộc đời “trải hoa hồng”. Quá khứ nhiều trắc trở, hiện tại lắm bận lòng, mỗi người chọn cách thức “ứng phó” riêng với vấn đề của mình. Dù vậy, bao trùm những số phận không nhiều may mắn đó lại là bầu không khí tươi trẻ và rộn rã tiếng cười.

Ngoài Ga-ra hạnh phúc, Sao phải xoắn cũng đang là phim truyền hình được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội. Phim là câu chuyện vui tươi xoay quanh nhóm bạn Đạt vịt, Tuấn hách, Chan Chan Kim và Thanh điện, với những xuất thân, hoàn cảnh và tính cách khác nhau dẫn đến nhiều tình huống tréo ngoe, dở khóc, dở cười. Qua đó, họ cùng trưởng thành và nhận ra những bài học giá trị trong cuộc sống.

Có thể nói, những bộ phim về giới trẻ như Nhà trọ Balanha, Lối về miền hoa, Ga-ra hạnh phúc, Sao phải xoắn… đã thổi luồng gió mới cho phim truyền hình Việt, mang lại những giây phút giải trí nhẹ nhàng bằng chất riêng độc đáo. Đây là điều những đề tài khác khó có thể truyền tải. Nhiều câu nói của nhân vật sau đó đã trở thành “trend” trên mạng xã hội, khán giả nhớ mãi về phim vì dấu ấn đậm nét và sự tươi mới mà thế hệ trẻ đem đến.

Ăn khách nhưng không dễ làm

Nhìn lại chặng đường phát triển của phim truyền hình Việt Nam, số lượng những tác phẩm lấy chủ đề về người trẻ chưa thật sự nhiều. Cả phía Bắc và phía Nam đều có những “cái tên” nổi danh như Cổng mặt trời, Bỗng dưng muốn khóc, Những cô gái trong thành phố, Tuổi thanh xuân, Zippo, mù tạt và em, Lối nhỏ vào đời…, tuy nhiên vẫn “chẳng đáng là bao” so với số lượng phim về đề tài mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình, vụ án hình sự… Theo nhận định của giới nghề, đề tài dành cho người trẻ thời gian qua dù được khai thác nhưng các nhà sản xuất không quá mặn mà bởi rất khó xây dựng tình tiết gây sốc, và nếu không tạo được nhiều nút thắt, khán giả sẽ dễ chán vì phim bị một màu.

Yếu tố khác khiến các nhà làm phim khó tạo ra một bộ phim truyền hình trẻ hấp dẫn là thực tế chúng ta thiếu lực lượng diễn viên mới thực lực. Chưa kể, để phim tăng độ nhận diện khi quảng bá, nhà sản xuất phải kiếm tìm “dàn bao rating” là những gương mặt gạo cội để hỗ trợ. Đôi khi cách làm này lại mang hiệu ứng ngược khi khán giả tập trung vào diễn viên tiền bối do diễn xuất của họ quá tốt, còn diễn viên chính là người trẻ lại bị lu mờ. Chính vì thế, phim về giới trẻ đôi khi không thật sự “trẻ” như mong đợi.

Để khán giả tự đến với mình thay vì phải vất vả đi tìm khán giả, phim đề này này cần “soi” lại để khắc phục một số hạn chế, đặc biệt là khâu kịch bản. Một số phim vẫn xoay quanh các tình tiết “xưa như trái đất” về tình tay ba, cặp đôi “lọ lem - hoàng tử”… được xây dựng na ná nhau, cũ nhàm nên không ghi được dấu ấn trong lòng người xem. Để tránh đi theo lối mòn, ê kíp sáng tạo nên xây dựng những tình huống đúng với tâm lý đang nhiều biến động của giới trẻ ngày nay, thậm chí hãy dám mạnh dạn phá vỡ khuôn mẫu nhân vật truyền thống. Nâng cao chất lượng để chinh phục người trẻ chính là xây dựng lớp khán giả mới ủng hộ và yêu phim truyền hình Việt. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc