Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Quên mình vì cộng đồng

Thứ Tư 21/09/2022 | 10:36 GMT+7

VHO- Tròn 1 năm xảy ra thảm cảnh đại dịch Covid-19 và TP. HCM đã trở lại nhịp sống bình thường. Thỉnh thoảng nhiều người lại giật mình nhớ lại những tháng ngày chìm trong bão dịch rồi lại nhắc đến những con người xả thân vì cộng đồng. Chị Trần Thị Thùy Trang là một trong những con người đó.

Các thành viên trong nhóm cứu trợ trên đường phố Sài Gòn

 Bà Lê Thị Kim Trinh ngày nào cũng giật thót cả người và gọi, “về nhà đi con… trời ơi, con gái mà lao vô chỗ đó thì chắc là chết!”. Bà Trinh và người chồng trên 70 tuổi từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn và bị mắc kẹt giữa tâm bão Covid-19. Người con gái của bà là Trần Thị Thùy Trang thì rời nhà để đi làm thiện nguyện, hằng ngày ăn mì tôm với bánh tráng, ngủ trong một nhà xưởng vì không thể bước chân quay về.

Khi nào thì…

“Khi nào thì tới lượt mình…trời ơi, sợ quá, khi nào…!”, đó là những ý nghĩ dội lên trong đầu cô gái trẻ vào một buổi chiều đầu tháng 9.2021. Tại một con hẻm ở thành phố Thủ Đức, chiếc xe bán tải chở rau, củ, quả, trứng, cá khô dừng lại trước một con hẻm sâu. Chuyến hàng trước, nhiều người chạy ra nhận, sau đó chở đến lớp hàng rào thứ 2 để có người lấy xe chở tiếp tới lớp hàng rào thứ 3 rồi từ đây có một người đẩy chiếc xe bò để chở lương thực tới cuối hẻm cho người dân đang thiếu đói. Nhưng lần này thì quá lạ, có vài người chỉ xuất hiện gần đó rồi lại đi vào một căn nhà với ánh mắt buồn, lo, sợ.

Thì ra, có vài công nhân chết trong khu nhà trọ và giờ đó mọi người tập trung cho việc đưa tử thi đi ngay để tranh ô nhiễm. Sau khi giao chuyến lương thực đó, cô gái và 4 người bạn trong nhóm tổng kết, “sợ quá, chết mất, mình đã giao được số hàng cứu trợ cho bà con ước tính hơn 1,6 tỷ rồi, giờ thì thôi tạm nghỉ để chờ xem sao chứ mới tiêm vắc xin mũi 1”.

Đêm lạnh, trong phân xưởng gạch, chị Trang húp tô mì tôm với 2 chiếc bánh tráng chấm mắm và trong đầu tiếp tục ám ảnh, cùng với từ “nghỉ thôi”. Trong giấc ngủ đêm đó, hình ảnh tử thi và những chiếc xe chở hòm bằng ván ép thường gặp trên đường lại hiện lên, chập chờn, màu của những bộ đồ bảo hộ cứ chập chờn. Vậy nhưng sáng hôm sau, điện thoại của chị lại hiện ra đầy tin nhắn như mọi ngày: “chị… ở Vĩnh Lộc B, hết gạo rồi, cầu mong mọi người, em giúp cho chị với, sđt….; cháu ở quận Thủ Đức, mong mọi người giúp đỡ, bà con bên này khổ lắm ạ, công nhân mất việc, không có ăn, sđt…”.

Nỗi lo lắng khiến cho vài người bị ho, viêm họng, bỏng rát cổ. Vào thời điểm đó, những cảm giác này giống như sắp nhận phán quyết... Khi bước chân đi tham gia làm thiện nguyện, Trang chợt giật mình và sực nhớ, còn cha mẹ già từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn thăm con, rồi kẹt lại. Khi cô bước chân ra đường theo những chuyến xe thì có nghĩa là không thể trở về. Vậy là ngày nào người mẹ cũng thốt lên, gọi, “con đang ở đâu vậy con? Con là con gái!”. Bà Trinh ngậm ngùi nói rằng, không bao giờ nghĩ đứa con gái thường bao đồng chuyện xã hội còn sống tới ngày hôm nay.

“Thân gái, về đi con!”

Tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi, vượt qua những con phố vắng, chiếc xe bán tải vẫn cùng chị Trang đi xuôi ngược giữa muôn trùng con phố giăng dây, chốt canh. Nhờ có tấm thẻ tiếp tế cho đội ngũ y bác sĩ và một thẻ tình nguyện viên, trong đó có 1 thẻ được đi ra ngoài tỉnh, vì vậy nhóm 5 người của chị đã đi khắp đường phố Sài Gòn, tiếp cận được vào những con hẻm chết chóc nhất. “Em không dám chụp ảnh, vì người ta lạy mình và ánh mắt van lơn, biết ơn vì nhận được lương thực và thức ăn”, chị thường nhắc đến điều này với giọng bùi ngùi.

Ngày 4.9.2021, khi dừng xe trước một bệnh viện dã chiến để trao trái cây và bảo hộ cho các y bác sĩ, Trang đã thả lỏng tâm hồn, rồi viết dòng status: “Sáng ra lộc vừng rớt đầy sân, nhiều bạn hỏi mình sao can đảm vậy, mình chỉ đơn giản trả lời: Sài Gòn cưu mang mình từ đứa không có một xu dính túi, giờ là lúc trả ơn Sài Gòn trong khả năng có thể nhất”.

Ngày 6.9.2021, lại nghe tiếng mẹ gọi qua điện thoại năn nỉ con gái trở về. Đêm đó, trong đầu cô tiếp tục chập chờn hình ảnh sáng mai sẽ nhiễm bệnh, phải đeo lủng lẳng ống thở bên người. Cô ngồi dậy và cảm giác vướng víu vẫn còn trong cổ họng. Nhà xưởng ban đêm trở nên vắng vẻ, nhưng cũng là thời gian ngưng đọng để cô làm một bài thơ và viết dòng cảm xúc lên facebook nhân ngày sinh nhật lần thứ 42 (6.9): “Tuổi chỉ là con số vô thường với những hỗn độn cảm xúc. Được có, mất có, vui có, buồn có… tất cả những hỗn độn này chẳng làm tôi nhớ, nhưng lại làm tôi lớn và trưởng thành hơn từng ngày…”.

Là một cô gái Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập rồi ở lại lập nghiệp, Trang đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài. Trong những ngày tháng đại dịch ở Sài Gòn, từ 6 giờ sáng tới 20 giờ đêm thì cô đã đi khắp nơi, liên kết với các nhóm: Trụ lại Sài Gòn, Quảng Ngãi quê mình, Nối Vòng Tay Việt ở Quảng Ngãi để tổ chức hỗ trợ.

Có hôm dừng xe trước khu Thạnh Xuân, Quận 12, cô kể lại cảm giác tới giờ vẫn giật mình: “Ôi trời ơi, bà con ùa ra chỗ giăng dây và ai cũng đeo cái khẩu trang đen thui, cáu bẩn và chỉ là đeo cho có thôi chứ làm gì có để mà thay. Vậy là hôm sau Công ty ô tô Đại Thành hỗ trợ cho 200 suất, mình xin thêm 200 hộp khẩu trang trao và bà con mừng thôi là mừng”.

Để bình thản giữa bão dông

Tôi chưa hỏi về những suy nghĩ sâu kín nào đã tạo ra cho chị động lực quên mình vì cộng đồng thì Trang đã chia sẻ rằng, “mùa dịch vừa rồi, em cảm thấy mình đã sống thực sự ý nghĩa, chưa bao giờ được sống như vậy, vì lúc người dân hoạn nạn, cả thành phố chìm trong chết chóc thì mình không thể ngôi yên; ban đầu thì sợ, nhưng sau đó lại nghĩ, nếu có chết vì cộng đồng thì cũng là sự hy sinh đúng nghĩa”.

Cảm giác tự hào vì hết mình cho cộng đồng, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhói lên một chút nỗi ân hận vì không ở bên mẹ, vì bỏ mẹ ở nhà, trong khi mình băng ra đường để lo việc xã hội. Cảm xúc đó được cô trải lòng bằng dòng status: “Đi quá nửa đời người tôi mới chợt nhận ra đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan. Những đứa con tha phương luôn cảm thấy có lỗi, chưa nghĩ đến ngày về đã vội toan tính ngày đi…”.

Ngày 18.9.2021, chiếc xe bán tải 51 D-364.93 đi xuyên tỉnh để qua Bình Dương, tiếp cận với nhóm công nhân đã nhắn tin trên facebook kêu gọi nhiều ngày với vẻ thảm thiết. Google dẫn lạc đường nên xe cứ đâm tới những con đường cụt, ra rừng cây. Trở về phân xưởng dưới ánh đèn đêm và con phố vắng ngắt, chị đã trải lòng mình bằng vài dòng chia sẻ: “Hết dịch ta xuống phố/ Ngồi cà phê ngắm trời/ Mời anh em một bữa/Rồi giang hồ khắp nơi…”.

 

 Chị Trang là một cây bút viết tản văn khá mượt mà, bên cạnh việc tham gia cứu trợ cho người dân Sài Gòn, cá nhân chị còn tự bỏ tiền cá nhân hơn 500 triệu đồng để mua bảo hộ y tế tặng cho các bệnh viện. Nhóm của chị gồm 5 người và công việc luôn tất bật. Một ngày hoạt động của nhóm được chị viết: “Anh bác sĩ nha khoa Khiêm chở hàng qua Quận 7; anh giám đốc Vượng lên tít Quận 12 nhận hàng Quảng Ngãi gửi vào; anh Ký chạy tuốt Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ thuốc điều trị F0, xoay vòng vậy chứ hết 1 ngày, 100 phần quà Quận 12, 100 phần quà Nhà Bè, 80 phần gia vị cho Quận 7, 8.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top