Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Trao quyết định công nhận Hương án chùa Keo là Bảo vật quốc gia

Thứ Tư 05/10/2022 | 13:30 GMT+7

VHO - Ngày 5.10 (tức ngày 10/9 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã công bố quyết định Hương án chùa Keo là Bảo vật quốc gia và khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022.

Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là Bảo vật quốc gia

Tại lễ công bố, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Phạm Đình Phong công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là Bảo vật quốc gia.

Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với di sản văn hóa của dân tộc; góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa những giá trị nổi bật của Hương án chùa Keo đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn trân trọng, nâng niu và tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa riêng có của di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo. Đây là tài sản vô giá nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hiến, về lịch sử độc đáo của ngôi cổ tự nằm bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa.

Hương án là đồ thờ cúng với chức năng đặt bát hương và bày đồ thờ. Hương án chùa Keo có chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm, hiện được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ. Hương án hình hộp chữ nhật dạng chân quỳ, dạ cá, được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân.

Bảo vật quốc gia Hương án chùa Keo có niên đại thế kỷ XVII

Mặt hương án là tấm gỗ liền khối, để trơn, được phủ một lớp sơn ta rồi đánh bóng nhằm bảo vệ bề mặt gỗ không bị trầy xước khi đặt lễ và bày đồ thờ lên trên. Đặc biệt, ở hai cạnh hồi được gắn thêm hai cánh gỗ có xu hướng mở rộng và vươn ra phía ngoài. Mặt ngoài mỗi cánh gỗ này, một nửa phía trên để trơn, nửa dưới được chạm khắc những cánh sen ngửa xếp chồng, đan xen nhau, trong lòng cánh sen có các hình vân xoắn cách điệu; mỗi bên cánh gỗ có 13 cánh sen, chồng xếp nhau. Cách thể hiện này không chỉ phản ánh triết lý đối xứng truyền thống của người Việt mà còn thể hiện sự tuân thủ nghiêm cẩn đề tài thiết kế của nghệ nhân điêu khắc gỗ. Thân hương án là phần trung tâm, theo đó được chạm khắc khá tinh xảo và trau chuốt. Đối với chân hương án, tổng thể tạo hình dễ dàng nhận thấy có sự kết hợp, tiếp nối uyển chuyển giữa các bộ phận với nhau, hoa văn mây lửa và nước bám theo chiều dọc của chân Hương án rồi lan vào bên trong, leo sang diềm ngang của dạ cá. Hoa văn được chạm khắc dày đặc đến mức ken chặt như không để hở một khoảng trống nào, qua đó phô diễn tài năng điêu khắc, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ của nghệ nhân xưa.

Hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng hiện biết cho tới nay đang có mặt tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trên Hương án chùa Keo, 1.032 họa tiết được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện (chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, tạo khối nổi, khối chìm, trổ thủng), qua những đường nét sắc sảo, trau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng vừa mang tính đăng đối, vừa thật vừa ảo tạo nên tầng tầng lớp lớp hoa văn, tôn lên từng chi tiết cùng với màu sắc của kỹ thuật sơn thếp, khiến cho hương án sang trọng và tôn nghiêm nơi thờ tự.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo

Là sản phẩm thủ công, độc bản, Hương án chùa Keo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII.

Với những giá trị to lớn đó, ngày 25.12.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận Hương án chùa Keo là Bảo vật quốc gia.

Chùa Keo Thái Bình được xây dựng vào năm 1632, có tên chữ là Thần Quang Tự, và hiện tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.Chùa gồm 2 cụm kiến trúc: chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh, thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa. Tháng 4.1962, chùa Keo được Bộ Văn hoá (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Đến tháng 9.2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng chùa Keo là Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2017, Lễ hội chùa Keo cũng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, chùa Keo có hai mùa lễ hội là lễ hội mùa Xuân (vào ngày 4 Tết Nguyên đán) và lễ hội mùa thu (tháng 9 Âm lịch). Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, nghi lễ trang nghiêm như: lễ khai chỉ, tế lễ Phật, lễ Thánh, lễ rước kiệu và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác; dự kiến thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.

HUY THÀNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top