Về huyện miền núi Sơn Tây tìm ngôi làng không còn… ma men

VHO- Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, trước đây do phong tục, tập quán lạc hậu, không có việc làm, đời sống khó khăn nên nhiều người tìm đến rượu, bia để “giải sầu”. Việc uống rượu, bia quá đà đã để lại nhiều hệ lụy, phiền phức…

Về huyện miền núi Sơn Tây tìm ngôi làng không còn… ma men - Anh 1

Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu Đinh Thị Hằng đang trò chuyện ân cần cùng với chị Đinh Thị Vum

Nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thôn và già làng, đến nay, những người nghiện rượu đã cai nghiện, người thích uống cũng đã bỏ rượu.

Khổ vì… rượu

Như bao ngôi làng ở miền núi, thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây từng được biết đến là “ngôi làng say”, vui uống đến say, buồn cũng uống cho say. Đàn ông và cả phụ nữ ngồi bên chiếu rượu, bia từ sáng sớm, ai nấy đều bỏ ruộng nương. Rượu vào lời ra, rồi chồng đuổi đánh vợ, vợ chồng dắt nhau ra tòa ly hôn, con trẻ nheo nhóc. Nghiện rượu, lười lao động dẫn đến nhiều hộ đói nghèo triền miên.

Từ khi xã triển khai mô hình “Nói không với rượu, bia” nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, vợ chồng chị Đinh Thị Vum (26 tuổi) ở Đắk Pao đã đăng ký tham gia. Chồng chị Vum bắt đầu từ chối các lời rủ rê, 1 tháng, 2 tháng rồi 1 năm, đến giờ đã bỏ hẳn rượu chỉ lo làm ăn. Ngồi trong ngôi nhà sàn, trò chuyện cùng chúng tôi chị Vum nhớ lại: “Ngày trước, chồng uống rượu miết, không đi làm nên gia đình cứ nghèo mãi. Say vào, nhiều lần đánh vợ nữa”. Vum từng là học sinh giỏi Văn, học đến lớp 11 thì nghỉ học lấy chồng. Chồng Vum là Đinh Văn Hoàng (31 tuổi) suốt ngày nồng nặc mùi rượu, thường xuyên trong cảnh sáng xỉn chiều say, không màng chuyện làm ăn. Mỗi lần Vum mở lời nhắc nhở, Hoàng lại làm ầm lên, đánh vợ. “Cưới nhau năm 2014, rồi lần lượt 2 đứa con là Đinh Minh Khuya và Đinh Thị Kim Xuân ra đời, kinh tế khó khăn mà chồng chỉ thích ăn nhậu nên buồn lắm. Bình thường rất thương vợ con, mà uống vào là như bị điên, hung dữ, đánh em sưng hết mặt mũi chân tay”, Vum bộc bạch.

Đỉnh điểm là năm 2019, khi con gái chưa tròn một tuổi thì vợ chồng Vum xảy ra cự cãi quyết liệt. Trong cơn say, những đòn roi, nắm đấm lại giáng xuống Vum… Đêm ấy, Vum ẵm con bỏ nhà, vượt đồi núi chạy trốn. Bao nhiêu đau đớn chất chồng, Vum hái nắm lá ngón cho vào túi, chờ đợi. “Sáng hôm sau, em ẵm con trở về nhà, em nói là nếu không cần vợ nữa thì em cũng không sống làm gì, có sống anh cũng ghét em, khi nào uống rượu cũng xem em như ma quỷ. Anh ấy nói em muốn làm gì thì làm, đừng có dọa. Em tức quá, lấy lá ngón ăn luôn”, Vum kể lại.

Sau những trận say bí tỉ, trở về nhà Đinh Văn Tôn (38 tuổi), hễ nghe tiếng vợ là Đinh Thị Mười (37 tuổi) cằn nhằn, anh Tôn sẵn sàng xuống tay đánh đập vợ bất kể đúng sai. Giờ đây, anh Tôn luôn biết ơn gia đình đã thương cảm bỏ qua những lỗi lầm quá khứ để anh giữ được gia đình nhỏ hạnh phúc, sống vui vẻ. “Mỗi khi nhậu xong mình hay kiếm cớ gây sự. Nhiều người thấy vậy khuyên can mình bỏ rượu nhưng mình không nghe. Mãi đến khi mình nhìn lại và thấy đã mất mát quá nhiều. Nếu không dừng lại, chắc sẽ đánh mất gia đình, sợ vợ bỏ, sợ các con căm ghét mình”, anh Tôn tâm sự.

Rót ly nước mời khách từ bình trà nhỏ đã pha sẵn để trong nhà, chị Mười cho hay: “Ngày ấy, chồng chị suốt ngày rủ bạn bè tụ tập ăn nhậu đến khi không nhậu nổi nữa mới về. Lúc bị thôn đến lập biên bản xử phạt do uống rượu, nhưng nghèo quá, không có tiền đóng phạt”.

Về huyện miền núi Sơn Tây tìm ngôi làng không còn… ma men - Anh 2

 Gia đình tiêu biểu ở Đắk Pao chị Đinh Thị Nhiêu đứng cạnh vách tường treo giấy khen của các con

Xây dựng thôn làng văn hóa không rượu, bia

Ông Đinh Văn Lia, Chủ tịch UBND xã Sơn Màu cho biết, trong thôn có 56 hộ thì có đến 25 hộ nghèo. Để người dân từ bỏ rượu bia, đoạn tuyệt với ma men, chính quyền địa phương tuyên truyền, già làng vào cuộc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống, giảm uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Nhờ vậy mà tình trạng này đang được cải thiện, nhiều trường hợp đã từ bỏ rượu bia, trở thành tấm gương tốt cho bà con noi theo.

“Ba năm trước, tại nhà văn hóa thôn tất cả dân trong làng tụ họp về đây để ký cam kết nói không với rượu, bia. Người dân chỉ được dùng rượu, bia khi gia đình có giỗ, cúng, tiệc, nhưng chừng mực. Ai uống rượu, bia quá chén, say xỉn bị lập biên bản, phạt tiền 50 nghìn đồng lần thứ nhất và 100 nghìn đồng lần thứ hai. Điều đáng mừng là 100% người dân dự họp vỗ tay tán đồng và vui vẻ ký vào bản cam kết”, ông Lia cho hay. Nhờ bỏ được rượu, vợ chồng chị Vum giờ đã thoát nghèo. Mạnh dạn vay 40 triệu đồng của Nhà nước cùng số tiền dành dụm từ khai thác keo, mì, bán trâu, bò, vợ chồng chị Vum đã xây được ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình. “Sau khi được cán bộ tuyên truyền, giải thích, chồng mình nhận ra việc uống rượu vừa hại sức khỏe, lại mất thời gian, không tạo ra tiền của cho gia đình nên chồng đã bỏ. Tập trung làm ăn nên bây giờ chồng mình đã có thể làm cho vợ con một ngôi nhà vững chắc”, chị Vum hạnh phúc nói.

Chị Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu cho biết, ma men dẫn lối, nhiều gia đình ở Đắk Pao đứng trước bờ vực tan vỡ, con trẻ nheo nhóc, cuộc sống mỗi lúc một đi xuống, đói nghèo triền miên. Điều quan trọng trong công tác tuyên truyền là phải ân cần, gần gũi, khuyên giải. Giải pháp hiệu quả nhất phải là theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. “Người đồng bào rất thật thà, nhưng có tính tự ái cao, nếu mình nói không khéo họ sẽ không ưng bụng và có thể xảy ra những hệ lụy khác. Chúng tôi đã thực hiện phương châm nhẹ nhàng, gần gũi, chia sẻ, nên người dân tin tưởng và đã cảm hóa được nhiều người từ bỏ rượu bia, chí thú làm ăn”, chị Hằng chia sẻ thêm. Từ 25 hộ nghèo đến nay Đắk Pao đã có 10 hộ thoát nghèo, 5 hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo và tình nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Thu nhập bình quân đầu người là 25 triệu đồng/người/năm. Bố mẹ bỏ được rượu, siêng năng lao động, quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên bọn trẻ cũng nỗ lực không ngừng vì tương lai tươi sáng. Thôn có 2 em đang học cao đẳng mầm non tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, 2 em đang học tại Trường Cao đẳng Nghề Việt - Hàn, 2 em đang học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, 25 em đang học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc