Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Thưởng lãm "Dấu xưa văn hiến" ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Thứ Ba 27/12/2022 | 16:20 GMT+7

VHO- Triển lãm mỹ thuật “Dấu xưa văn hiến” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, vừa khai mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Các đại biểu tại triển lãm "Dấu xưa văn hiến"

Triển lãm đã mang đến cho công chúng Thủ đô và du khách những góc nhìn về di sản văn hóa dân tộc với phương pháp thể hiện đặc sắc, mới lạ.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” chuyển tải niềm đam mê với di sản văn hóa dân tộc nói chung, với Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn tâm huyết việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc.

Không gian triển lãm

Triển lãm giới thiệu 19 tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến. Tác giả Vũ Xuân Đông với tác phẩm Cổ thư 1 và Cổ thư 2 được sáng tác trên chất liệu hộp đồng và sơn mài có thể tương tác với người xem. Tác phẩm được trưng bày như một cuốn sách mở ra cho ta hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt như kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây nước cỏ cây xưa…

Nhóm hoạ sĩ tham gia triển lãm

Tác giả Nguyễn Đức Hùng thể hiện 3 tác phẩm bằng chất liệu, thủ pháp bút sắt và khói trên giấy dó truyền thống, tạo hiệu ứng thẩm mỹ phong phú, đa dạng và mở gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem về thế giới.

Tác giả Phạm Hùng Anh sáng tác theo loại hình khắc gỗ với tác phẩm Bóng nước, cho người xem thấy hình ảnh khác của Khuê Văn Các qua cách nhìn cá nhân hay hình ảnh lều và lọng gợi nên nét văn hoá xưa về khoa bảng. Tác giả Lê Thị Thanh tạo hình bằng bút pháp tổng hợp: In độc bản, in nổi, in lưới cho thấy một Văn Miếu - Quốc Tử Giám đặc biệt được tạo hình bởi những hoa văn, kiến trúc tiêu biểu...

Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. Qua triển lãm, người xem hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị văn hoá của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: "Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi kết tinh những giá trị văn hiến của dân tộc gắn với đạo học, với ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam. Tất cả những giá trị sâu lắng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt với những nghệ sĩ mong muốn tạo nên các tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, song vẫn mang đậm những dấu ấn xa xưa. Đó cũng là một xu hướng tất yếu khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang hướng tới trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo của thành phố Hà Nội.

Tác phẩm tại triển lãm

"Dấu xưa văn hiến" cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới. Đó là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hiến của dân tộc".

Tác phẩm tại triển lãm

Đại diện cho nhóm họa sĩ tại triển lãm, họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ: "Đây là một giấc mơ từ khi còn nhỏ nhưng cho đến tận bây giờ chúng tôi mới thực hiện được. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng có một số khó khăn như làm thế nào có thể tương tác, nghĩ xem phải khai thác khía cạnh nào của di sản và khi tạo ra tác phẩm phải làm sao để tác phẩm không bị khô cứng, tuy nhiên cũng không lãng mạn bay bổng quá. May mắn là chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các cán bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Từ đó, chúng tôi được nghiên cứu kĩ hơn, sâu hơn về điêu khắc, hoa văn và các nội dung bên trong để có thể thực hiện tác phẩm. Với tình yêu với Hà Nội, với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mỗi chúng tôi đã cố gắng hết mình để sáng tạo nên những tác phẩm tốt nhất đưa đến cho công chúng thưởng thức".

Triển lãm mở cửa từ ngày 25.12.2022 đến ngày 5.2.2023 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top