Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

"Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu": Hội thảo đầu tiên bàn về thu hút du khách quốc tế sau chỉ đạo của Thủ tướng

Thứ Ba 27/12/2022 | 20:30 GMT+7

VHO- Tại Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” do Báo Văn Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chiều 12.12 tại TP Đà Nẵng, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành khẳng định: Đây là Hội thảo cần thiết và rất có ý nghĩa để bàn các giải pháp thu hút du khách quốc tế; đồng thời là Hội thảo đầu tiên bàn sâu về nội dung này sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21.12 vừa qua.

Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”

Hội thảo cần thiết và có ý nghĩa

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đồng chủ trì Hội thảo. Cùng tham gia chủ trì có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp hàng không, du lịch trên cả nước; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu đã nêu bật lên những cơ hội, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam thời gian tới, qua đó cùng bàn bạc đưa ra giải pháp nhằm phục hồi thị trường khách quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Hội thảo cũng là cơ hội để các đại diện cơ quan, bộ, ban ngành gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cho ngành du lịch trước những cơ hội lớn sắp tới. Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đánh giá cao sáng kiến của Báo Văn Hóa trong việc chủ trì tổ chức Hội thảo ‘‘Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến du lịch toàn cầu’’ tại thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt trong bối cảnh các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" để thu hút du khách quốc tế sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21.12 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng. Trước diễn biến đó, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; từ ngày 27.4.2022 dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh; từ ngày 15.5.2022, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh. Đồng thời công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam cũng được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số. Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31 trong năm qua, ngành du lịch đã chủ động tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao Đông Nam Á và du khách trên thế giới...

Trước những kết quả ngành du lịch đã đạt được, Thứ trưởng đánh giá cao hoạt động của ngành hàng không đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, TP sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn để khôi phục du lịch - hàng không

“Tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vừa diễn ra ngày 21.12.2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Mặc dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch, là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn". Hội thảo là hoạt động đầu tiên ngành Du lịch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị ngày 21.12 để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển du lịch bền vững”.

Thứ trưởng mong muốn, tại Hội thảo, các học giả, chuyên gia, quý vị đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’ đó như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy phát triển du lịch trước mắt, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.

“Tôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Một là: Đánh giá thách thức, cơ hội của ngành Du lịch Việt Nam trong những năm tới; Hai là: Định hướng của ngành hàng không trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; Ba là: Giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; Bốn là: Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh, phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các bộ, ngành liên quan để đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, các địa phương nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và làm mới sản phẩm thu hút du khách, sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho Du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cám ơn và đánh giá cao sáng kiến của Báo Văn Hóa đã chủ trì, phối hợp tổ chức hội thảo du lịch quy mô, bàn về một vấn đề nóng là thu hút du khách quốc tế được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Kim Yến cũng cho biết, năm 2022 được xem là năm đánh dấu sự trở lại và phục hồi của ngành hàng không và du lịch cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch, thành phố đã nỗ lực không ngừng để khôi phục các đường bay đến Đà Nẵng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua việc tổ chức các sự kiện có quy mô quốc tế... Trong đó phải kể đến Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022. Đây là sự kiện kết nối du lịch - hàng không hàng đầu châu Á, lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng thu hút hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực hàng không - du lịch.

Với những nỗ lực nói trên, trong năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019. Hiện có 23 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác trung bình 19 chuyến/ngày. “Hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với cộng đồng trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại và gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến. Nhờ sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục hoạt động du lịch - hàng không trên địa bàn thành phố”, bà Yến nói.

Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, giới lữ hành du lịch trong cả nước đã chờ đợi từ lâu một hội thảo chuyên bàn về thu hút du khách quốc tế. Hội thảo này đã đáp ứng được yêu cầu đó, nhất là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam diễn ra ngày 21.12 vừa qua.

Đồng tình với ý kiến của ông Cao Trí Dũng, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam; TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực; Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng; lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh miền Trung cho rằng: Đây là hội thảo cần thiết và rất có ý nghĩa.

Việt Nam chỉ "đi trước" mở cửa du lịch, còn visa và nhiều thứ khác "đi sau" rất xa...

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Việt Nam đi trước về sau là vì chỉ đi trước được việc mở cửa ngày 15.3, còn lại những thứ khác hầu hết đều đi sau từ chính sách visa, cơ sở vật chất kỹ thuật... mà những vấn đề này không đến từ ngành Du lịch

Giới lữ hành du lịch trong cả nước từ lâu đã chờ đợi một hội thảo chuyên bàn về thu hút du khách quốc tế. Hội thảo này đã đáp ứng được yêu cầu đó, nhất là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam diễn ra ngày 21.12 vừa qua.

(Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam)

Một trong những ý kiến phát biểu tại Hội thảo nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu là ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam. Về ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam "đi trước, về sau", ông Cao Trí Dũng thẳng thắn: Chúng ta chỉ đi trước việc mở cửa du lịch từ ngày 15.3.2022. Chúng tôi đánh giá cao động thái này của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan. Nhưng thủ tục visa, chính sách visa; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật sau dịch... liên quan tới các địa phương và các Bộ, ngành khác thì lại đi sau, thậm chí đi sau rất nhiều nước trong khu vực. "Bởi vậy, nếu chỉ nói chúng ta "đi trước" mà chỉ tính đến việc mở cửa sớm để rồi nói "về sau" thì chưa thỏa đáng và chính xác", ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, rất nhiều thách thức, "điểm nghẽn" để thu hút du khách quốc tế đòi hỏi các Bộ, ngành cùng các địa phương chung tay phối hợp giải quyết chứ không chỉ riêng của ngành Du lịch. Ngay cả vấn đề quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài, các nước trong khu vực như Maylaysia, Singapore... cũng đi trước chúng ta hàng chục năm và được đầu tư với số tiền rất lớn.

Về ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam "đi trước, về sau", ông Cao Trí Dũng thẳng thắn: Chúng ta chỉ đi trước việc mở cửa du lịch từ ngày 15.3.2022. Chúng tôi đánh giá cao động thái này của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan. Nhưng thủ tục visa, chính sách visa; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật sau dịch... liên quan tới các địa phương và các Bộ, ngành khác thì lại đi sau, thậm chí đi sau rất nhiều nước trong khu vực. "Bởi vậy, nếu chỉ nói chúng ta "đi trước" mà chỉ tính đến việc mở cửa sớm để rồi nói "về sau" thì chưa thỏa đáng và chính xác. Chúng ta "về sau" bởi rất nhiều thứ đi sau, đi muộn", ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, rất nhiều thách thức, "điểm nghẽn" để thu hút du khách quốc tế đòi hỏi các Bộ, ngành cùng các địa phương chung tay phối hợp giải quyết chứ không chỉ riêng của ngành Du lịch.

Cũng tại Hội thảo, ông Dũng đề xuất các giải pháp về sản phẩm, thị trường; giải pháp xúc tiến truyền thông, quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường phối hợp thực hiện. Trong giải pháp quản lý nhà nước về du lịch, ông Dũng cũng nhấn mạnh vấn đề xây dựng chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về điểm đến; cải thiện các chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch. Tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch - đặc biệt là nhận thức về du lịch cộng đồng, sinh thái, bảo vệ môi trường, du lịch ẩm thực. Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch để tạo ấn tượng đẹp, tăng số lượng du khách quay lại Việt Nam nhiều lần...

Ngay khi dịch Covid-19 mới chỉ khống chế ở từng địa phương, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã áp dụng có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong các hoạt động du lịch nội địa. Do vậy trong cả 3 năm qua, du lịch nội địa vẫn có hoạt động và góp phần duy trì được một phần các doanh nghiệp và lao động du lịch. Năm 2022 khi dịch Covid cơ bản được khống chế, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện vào ngày 15.3.2022, du lịch nội địa tăng trưởng rất nhanh. Cả năm 2022 ước đón được 101,5 triệu lượt khách, vượt xa con số kỷ lục của năm 2019 (đón 85 triệu lượt khách). Kết quả du lịch nội địa năm 2022 sẽ đạt con số kỷ lục mới, trên 101,5 triệu lượt.

Đánh giá về sự phục hồi của du lịch nội địa, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Việt Nam đã cơ bản phục hồi trong năm 2022. Một số lượng lớn doanh nghiệp du lịch đã từng bước khôi phục hoạt động, thu hút lao động du lịch trở lại làm việc, giải tỏa được sự “đóng băng” trong thời gian hơn 2 năm của đại dịch. Tạo một khí thế mới trong toàn ngành, từng bước khắc phục thiệt hại của đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp mới đã thành lập, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức kinh doanh, phù hợp với tình hình du lịch sau đại dịch.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các Doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi và phát triển như giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi để khôi phục các cơ sở dịch vụ du lịch

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam vẫn gặp những thách thức như thiếu nguồn nhân lực, quá tải ở các điểm du lịch trong những ngày lễ, ngày nghỉ. Tuy nhiên, theo ông Bình, đây là các địa phương phải giải quyết chứ không phải của ngành Du lịch. “Do tăng trưởng một cách tự phát, nên du lịch nội địa của Việt Nam thiếu tính bền vững, rất nặng tính mùa vụ. Tình trạng du lịch cơ bản vẫn rất khó khăn. Nhiều cơ sở du lịch vẫn đóng cửa. Lượng khách quốc tế vào rất thấp nên du lịch nội địa cũng dễ suy giảm. Ngoài ra sức cạnh tranh của du lịch nội địa Việt Nam là thấp...”, ông Bình nói thêm.

Về giải pháp, ông Vũ Thế Bình cho rằng giải pháp về chính sách là rất quan trọng: “Chính phủ quan tâm hỗ trợ các Doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi và phát triển như giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi để khôi phục các cơ sở dịch vụ du lịch, chuyển giá điện về điện sản xuất cho các doanh nghiệp lưu trú du lịch. Khuyến khích xây dựng, tôn tạo các điểm đến mới để san sẻ khách Du lịch nội địa những mùa cao điểm, tránh quá tải. Kêu gọi các nhà đầu tư hoàn thiện các cơ sở lưu trú du lịch để đáp ứng nhu cầu cao của du lịch nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế...”.

Song song với đó, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, đào tạo nhân lực, tăng cường xúc tiến, xây dựng liên kết giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác du lịch- hàng không để nâng cao lượng khách nội địa chi trả cao.

Hội thảo cũng đã tập trung tiếp thu ý kiến, quan điểm của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm. Từ đó từng bước hoàn thiện  cơ sở pháp lý cần thiết, rút ngắn thủ tục hành chính rườm rà để cởi mở cho sự phát triển của doanh nghiệp...

Phó Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Bùi Minh Đăng phát biểu tại Hội thảo

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đưa ra giải pháp cụ thể tại địa phương, như nâng tần suất khai thác các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ; tạo điều kiện cho hoạt động của các hãng hàng không quốc tế Việt Nam, tăng cường khai thác các địa phương nội địa lớn; phối hợp với Tổng cục Du lịch giữa 2 ngành hàng không - du lịch; nghiên cứu nguồn khách, loại hình du lịch mới, dịch vụ dành cho hành khách có khả năng chi trả cao đang dần xuất hiện; tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp cảng hàng không để tăng năng lực của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đón thêm nhiều chuyến bay.

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Do đó, để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề xuất: Thời gian tới, du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Cần tập trung triển khai một số giải pháp trong thời gian tới, cụ thể như các vấn đề về hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch. Về ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Hội thảo là hoạt động đầu tiên của ngành Du lịch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày 21.12 để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển du lịch bền vững

“Trong giai đoạn phát triển mới, tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đặc biệt là ngành hàng không, du lịch Việt Nam vững vàng cất cánh, hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023 và sớm đón 50 triệu lượt khách quốc tế theo kế hoạch là vào năm 2030 và Du lịch Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Các ý kiến và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, trình Bộ VHTTDL để tham khảo, có thêm các giải pháp thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới.

NGỌC HÀ - XUÂN SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top