Giáo viên chính là “nghệ sĩ” trên bục giảng

VHO- Câu hỏi trên cũng là chủ đề chính được các chuyên gia, nhà giáo và sinh viên quan tâm chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục - Hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức mới đây.

Giáo viên chính là “nghệ sĩ” trên bục giảng - Anh 1

Giáo viên chia s quan đim v trưng hc hnh phúc ti ta đàm

 Tại diễn đàn, các đại biểu đã bày tỏ trăn trở và tìm giải pháp cho hành trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Thế nào là một trường học hạnh phúc?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu vấn đề, ngành Giáo dục đặt ra mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” từ nhiều năm nay, nhưng liệu học sinh và giáo viên có thật sự hạnh phúc trong bối cảnh chịu nhiều áp lực của yêu cầu dạy học; áp lực từ các chỉ tiêu thành tích, cuộc thi tổ chức hằng năm ở các trường học? “Tôi biết có nhiều giáo viên và học sinh bên ngoài tỏ ra là mình ổn, mình hạnh phúc nhưng thực chất không phải. Vậy làm sao để người dạy và người học thật sự hạnh phúc?”, GS Sơn bày tỏ trăn trở.

Nhà nghiên cứu Giang Thiên Vũ, Khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, bản thân người giáo viên chưa thật sự thấy an nhiên và hạnh phúc thì khó truyền tải sự hạnh phúc đến học sinh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến học sinh không hạnh phúc là do áp lực bài vở và các kỳ thi, áp lực từ gia đình, từ bạn bè và sự so sánh khập khễnh của thầy cô, cha mẹ. Bên cạnh đó, các em không có thời gian rèn luyện kỹ năng cảm xúc - xã hội và tham gia sinh hoạt ngoại khóa, chưa được quan tâm đời sống tinh thần và chăm sóc tinh thần, sự thay đổi tâm sinh lý nhưng không có định hướng, hỗ trợ hợp lý từ các nguồn lực xung quanh…

Giảng viên này cho biết, qua một cuộc phỏng vấn nhanh ý kiến của học sinh trả lời cho câu hỏi: “Mong muốn điều gì để hạnh phúc khi đến trường?”, các em đã đưa ra rất nhiều phản hồi, như: Mong muốn trường giảm khối lượng bài tập, mong cô chủ nhiệm cười nhiều hơn, mong thầy giáo ngừng so sánh thành tích học tập của lớp với các lớp khác, mong có một ngày nghỉ thật sự sau quá nhiều áp lực từ các đợt thi cử, phong trào… Nhiều em cho biết, hiện nay áp lực học tập quá lớn nhưng các em không có nơi lắng nghe, chia sẻ nên không có cơ hội tái tạo năng lượng và khả năng học tập.

Nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã làm khảo sát với 8.643 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM về tình trạng sức khỏe tinh thần. Kết quả cho thấy có 1.117 học sinh (12,92%) cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng; 1.952 học sinh (22,58%) có trạng thái lo âu; 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm.

Là ngôi trường được đánh giá cao và có thành tích dạy và học đáng nể, thế nhưng điều này chưa chứng minh được tất cả các em học sinh đều hạnh phúc. Ông Đỗ Công Đoán, Phó Hiệu trưởng Trường TH thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Thực tế, tôi chưa dám nhận trường mình là trường học hạnh phúc, bởi vì tôi cũng có một số trăn trở. Theo đánh giá cá nhân tôi, hiện tại chỉ có khoảng 60-70% học sinh trường chúng tôi hạnh phúc, còn lại 30-40% các em vẫn chịu áp lực điểm số, thi cử, áp lực từ phía phụ huynh… Có rất nhiều trường hợp học sinh bị stress nặng khiến chúng tôi đau lòng”.

Giáo viên chính là “nghệ sĩ” trên bục giảng - Anh 2

 Giáo viên hạnh phúc sẽ lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến học sinh (ảnh: Cô trò lớp 1A Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện vui đón Noel 2022)

Chân dung người thầy trong bối cảnh mới

Định hướng “chân dung người thầy trong bối cảnh mới”, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các cộng sự đã tiến hành khảo sát bằng cách phỏng vấn sâu và khảo sát nhanh. Trong gần 3.000 câu trả lời nhận được, liên quan đến câu hỏi “Nếu học sinh thất bại thì thầy cô làm gì?”, có 75,6% người trả lời “sẽ cùng học sinh tìm cách khắc phục”. “Thầy cô ứng xử như thế nào khi học sinh hỏi mà mình không trả lời được?” có hơn 86% giáo viên cho biết “cùng học sinh tìm hiểu vấn đề”, số trả lời tiếp theo là “hoãn binh để tìm cơ hội trả lời”, chỉ có khoảng 27% thầy cô thú nhận là “không biết”. Đối với câu hỏi: “Khi có lỗi với học sinh thì làm thế nào?”, câu trả lời nhận được nhiều nhất là “xin lỗi trực tiếp”, kế đến là “tìm nguyên nhân vì sao mình mắc lỗi”, chỉ có 0,2% thầy cô lơ đi…

Thế thì thầy cô cần thay đổi như thế nào để học sinh hạnh phúc? Theo TS Yến, chân dung người thầy trong bối cảnh mới cần được “định vị” qua các yêu cầu chuẩn mực, năng động, sáng tạo, nêu gương và lan tỏa. “Sự thay đổi của người thầy bắt đầu từ nhu cầu chính đáng của học sinh. Người thầy cần phải là một người nghệ sĩ trên bục giảng, vừa phải hiền như mẹ, tận tụy như cha, vừa phải vui vẻ như bạn bè… trong mọi bối cảnh”, TS Yến đúc kết và nhấn mạnh, phong cách người giáo viên trong giai đoạn mới cần hướng tới giá trị cốt lõi nhà trường. Giá trị cốt lõi nhà trường cũng chính là linh hồn một trường học hạnh phúc, quan trọng là xây dựng niềm tin với nhau.

Trả lời cho câu hỏi “Như thế nào là một trường học hạnh phúc?”, thầy Nguyễn Việt Anh, giáo viên Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8) cho rằng, giáo viên cần thường xuyên tạo ra tiếng cười trong lớp học để học sinh cảm thấy gần gũi. Ở đó, các em được an tâm, tin tưởng, được thấu cảm và ghi nhận. Giáo viên cũng thống nhất cho rằng, trường học hạnh phúc khi tất cả học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ nhà trường đều cảm thấy hạnh phúc, được đảm bảo nhu cầu thiết yếu, an toàn, tôn trọng, tin tưởng… trong đó, hạnh phúc của học sinh được xem là mục tiêu cao nhất. Người giáo viên là linh hồn của lớp học, vì thế giáo viên sẽ là nơi lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến học sinh, lớp học có hạnh phúc thì trường học mới hạnh phúc. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc