Chế độ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Nỗi niềm sau danh hiệu

VHO- Việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) là sự ghi nhận những cống hiến của nghệ nhân sau cả quá trình họ nỗ lực vì sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, đằng sau những sự công nhận ấy là nỗi niềm cùng với bao trăn trở của không chỉ nghệ nhân, mà còn của chính những người làm công tác quản lý nhà nước vì chế độ chưa xứng với danh hiệu.

Chế độ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Nỗi niềm sau danh hiệu - Anh 1

 Chế độ đãi ngộ hiện nay được cho là chưa thỏa đáng đối với nghệ nhân Ảnh: HỒNG MINH

 Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, vừa diễn ra mới đây, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, hiện nay việc thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã tạo sự hứng khởi, tiếp thêm động lực cho các nghệ nhân trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian. Thế nhưng, đằng sau đó là những trăn trở khi chế độ đãi ngộ cho NNND, NNƯT chưa thật sự xứng đáng.

"Xót xa thay cho các nghệ nhân"

“Rất nhiều NNND, NNƯT hiện nay tuổi đã cao, thu nhập từ lao động hằng ngày rất bấp bênh, chưa kể nhiều nghệ nhân không may mắc trọng bệnh. Trong khi đó, theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT, nếu không chứng minh được thu nhập hiện có thấp hơn mức lương cơ bản hiện hành, nghệ nhân sẽ không có khoản hỗ trợ nào khác. Điều này có nghĩa, ngoài số tiền khi được phong tặng danh hiệu thì không ít nghệ nhân sẽ không được hưởng khoản trợ cấp nào nữa dù họ có cả đời “nuôi” tình yêu với di sản, vì không đáp ứng điều kiện theo Nghị định 109. Nếu cứ làm như vậy, tôi thấy xót xa thay cho các nghệ nhân”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết.

Chưa kể, một bất cập khác là khi thực hiện Nghị định 109, nếu nghệ nhân được hưởng chế độ của nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu thì cá nhân đó buộc phải bỏ toàn bộ những khoản trợ cấp khác. Ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên dẫn ví dụ, nếu trước đó nghệ nhân là người khuyết tật và được hưởng 525.000 đồng/tháng theo quy định của Nhà nước thì buộc phải bỏ khoản này mới được hưởng chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, vì quy định của Nghị định 109 có đề cập một người không được hưởng cùng lúc 2 chế độ. Ông Đào Mạnh Huân cho biết thêm: “Chúng tôi rất muốn nghệ nhân được hưởng tối đa các chế độ nhưng không thể vì không có căn cứ để làm. Chỉ mong Nghị định sớm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nghệ nhân. Danh hiệu NNND, NNƯT không chỉ là sự công nhận của Đảng, Nhà nước mà còn của toàn xã hội đối với những nỗ lực bảo tồn di sản của nghệ nhân. Không lý gì một nghệ nhân cống hiến cả đời cho văn hóa dân tộc nhưng chúng ta không thể bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ”.

Có tiền cũng không thể giúp nghệ nhân

Chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu có 3 mức là 700.000 đồng, 850.000 đồng và 1 triệu đồng/người/tháng. Nghệ nhân may mắn được huởng mức cao nhất thì số tiền này cũng không thấm vào đâu với chi phí sinh hoạt hằng ngày đang tăng cao. Chưa kể, nhiều nghệ nhân sau khi được vinh danh dù đã làm hồ sơ từ lâu nhưng chưa được xét duyệt.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, với những nơi vùng cao như Hà Giang, đời sống của nghệ nhân còn gặp rất nhiều khó khăn hơn so với nghệ nhân ở miền xuôi. Dù có muốn tăng mức hỗ trợ cho NNND, NNƯT lên khoảng từ 1,2 - 2 triệu mỗi tháng nhưng quy định lại chưa cho phép. “Số tiền hỗ trợ tăng thêm này không nhiều nhưng sẽ giúp nghệ nhân vơi đi phần khó khăn trong cuộc sống. Đa phần NNND, NNƯT hiện nay là người lớn tuổi, chưa kể không ít người không may mang trong mình bệnh tật. Họ cũng cần một khoản tiền để an tâm sống ở tuổi “xưa nay hiếm”, bớt phần vất vả cho con cái. Chưa kể, tăng mức hỗ trợ cũng là cách khích lệ những nghệ nhân tiềm năng khác phấn đấu, cống hiến”, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định. Do đó, ông Nguyễn Hồng Hải hy vọng Nghị định 109 sớm được sửa đổi để đảm bảo quyền lợi cho nghệ nhân: “Sự hỗ trợ kịp thời cho nghệ nhân không chỉ đề cao tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước với người có đóng góp cho lĩnh vực văn hóa mà còn tạo niềm tin, giúp nghệ nhân yên tâm bảo tồn, truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian”.

Cùng chung trăn trở, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh Văn Thương khẳng định cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương có thể chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ nghệ nhân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Trung ương. Số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT ở mỗi địa phương không nhiều nên phương án này có tính khả thi cao. Địa phương được chủ động hơn trong hỗ trợ thì nghệ nhân cũng vì thế có thêm cơ hội được thêm chế độ. “Chúng ta không thể giữ mãi mức hỗ trợ hiện hành vì không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với đó, tôi hy vọng khi nhận được hồ sơ, nếu hợp lệ, đơn vị liên quan phải sớm giải quyết cho nghệ nhân, không để quá trình xét duyệt kéo dài như hiện nay, vì như vậy là làm khó nghệ nhân”, ông Ninh Văn Thương đề nghị.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nêu rõ đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét lại chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân vì mức hỗ trợ hiện tại là không đủ để khích lệ tài năng, gây thiệt thòi cho nghệ nhân: “Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 nhằm “cởi trói” quy định hưởng trợ cấp cho người có công gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Bởi họ chính là “báu vật nhân văn sống”. Ngoài ra, cần có quy định khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội trong xây dựng quỹ hỗ trợ tài năng, tạo điều kiện cho nghệ nhân phát huy sức sáng tạo, nhiệt huyết trong bảo tồn, trao truyền di sản”. 

 Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 nhằm “cởi trói” quy định hưởng trợ cấp cho người có công gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Bởi họ chính là “báu vật nhân văn sống”. Ngoài ra, cần có quy định khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội trong xây dựng quỹ hỗ trợ tài năng, tạo điều kiện cho nghệ nhân phát huy sức sáng tạo, nhiệt huyết trong bảo tồn, trao truyền di sản.

(TS LÊ THỊ MINH LÝ, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam)

 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc