Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Khúc Tráng ca sử Việt xanh mãi với thời gian

Thứ Tư 04/01/2023 | 10:55 GMT+7

VHO- “Vọng mang đậm âm hưởng dân gian, nổi bật trên nền nhạc đương đại kết hợp với sự tái hiện lịch sử, là chuyến du hành ngược thời gian mà ở nơi đó chúng ta được trở về với đất nước thuở ban sơ, đi qua những tháng năm gian lao cho đến hiện tại”, Tổng đạo diễn, NSƯT Thanh Nam nhấn mạnh.

 Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Vọng”

Chương trình nghệ thuật với chủ đề Vọng do Bộ VHTTDL chỉ đạo, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện, gồm 2 chương: Tráng ca sử Việt Xuôi dòng thời gian; Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh; Kịch bản: NSƯT Thanh Nam, Mai Hùng Thiên; Tổng đạo diễn: NSƯT Thanh Nam… cùng sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên thuộc Nhà hát.

Tái hiện lịch sử hào hùng bằng âm nhạc

NSƯT Thanh Nam bày tỏ, dân tộc ta đã chiến đấu để giữ gìn từng giọt nước, giọt đất của Tổ quốc. Nói “giọt đất” là bởi trong đất có thấm máu của bao người, dù được xưng tụng hay không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm nên đất nước, tạo dựng, gìn giữ những giai thoại, truyền thống, bản sắc và tất cả hòa vào một, vang lên như một bản hùng ca vọng lại qua ngàn năm để giữ gìn và lưu truyền văn hiến. Do đó, chủ đề Vọng ở đây mang ý nghĩa của sự vang vọng, được kết nối từ ngàn đời.

Chương I của Vọng với ý nghĩa tưởng nhớ đến những anh hùng hào kiệt thời xưa đã chiến đấu anh dũng, xả thân cứu nước để giữ vững bờ cõi; tái hiện lại những chiến thắng hào hùng của họ và bên cạnh đó cũng có những khoảng lặng tri ân sự mất mát hy sinh của những vị anh hùng dân tộc thông qua các tác phẩm: Tráng ca sử Việt, Hồn thiêng đất Việt; Múa: Ra trận; Song tấu: Khúc khải hoàn, Lửa thiêng thành Đa Bang, Tình yêu trong tôi, Trường ca sử Việt.

Đất nước ta đẹp không chỉ bởi vì rừng vàng biển bạc sẵn có, mà chính tay ta tô vàng, dát bạc bằng sức lao động và văn hóa, tạo nên một non sông mỹ miều rạng rỡ. Chương II, Xuôi dòng thời gian đã đưa hành trình của chúng ta dừng chân ở những chất liệu hiện đại, rồi ngược trở về quá khứ để thấy được sự gắn kết không rời. Và sự bồi hồi, rung động trên con đường tìm về nguồn cội đã được thể hiện qua các tác phẩm: Hòa tấu dàn nhạc: Vọng, Tôi yêu tiếng Việt tôi; Ca khúc: Dòng sông; Múa: Bến đợi, Guốc mộc, Ở đền, Làng nghề, Việt Nam trong tôi, Nam Quốc Sơn Hà…

“Thổi hồn” đương đại vào âm hưởng dân gian

Để âm nhạc truyền thống trường tồn, bền bỉ như mạch nguồn chảy mãi, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn thử nghiệm, đổi mới, kế thừa, sáng tạo, quyết không để di sản đó trở thành quá khứ nằm trong các viện nghiên cứu, hoặc luôn luôn trong trạng thái “khẩn cấp được bảo vệ”.

Không nằm ngoài xu hướng ấy, để đáp ứng thị hiếu khán giả, Tổng đạo diễn Thanh Nam đã làm mới chương trình từ cách xây dựng kịch bản, ý tưởng đến cách chọn tác phẩm. Đặc biệt, để phối khí, dàn dựng và làm mới tác phẩm, ông đã mời ê kíp thực hiện đều là những người trẻ tài năng tiếp cận gần nhất với hơi thở thời đại như nhạc sĩ Thành Vương, Xuân Hùng... “Chúng tôi đã kết hợp giữa truyền thống với tính đương đại trong hầu hết các tác phẩm để làm sao khán giả ở nhiều lứa tuổi đều có thể cảm nhận và hứng thú với chương trình. Nổi bật là hai tác phẩm Guốc mộc Nam Quốc Sơn Hà”, tổng đạo diễn NSƯT Thanh Nam nói.

Trong đó, tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà được phối khí trên nền âm nhạc hoàn toàn mới, đặc biệt có sự kết hợp của rap trong tác phẩm. Tất cả đã làm nên sự “vỡ hoang” đầy thú vị cho chương trình, khiến khán giả ở mọi lứa tuổi đều khen ngợi. Bài hát có giai điệu hào hùng nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, sôi động, kết hợp vũ đạo bắt mắt. Bản rap này được phát triển dựa vào chất liệu của bài thơ cùng tên Nam Quốc Sơn Hà vốn có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng rất phổ biến qua mọi thời đại.

NSƯT Thanh Nam đã xử lý phần âm nhạc rất tài tình, tạo nên sự độc đáo cho Nam Quốc Sơn Hà. Có thể nói, đây là một bài rap kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân tộc với thể loại nhạc phổ biến trong giới trẻ. Phần trình bày của nhóm M&M và Vân Anh cùng sự kết hợp vũ đạo bắt mắt, độc đáo, vừa hiện đại vừa chứa đựng yếu tố truyền thống.

Hay tác phẩm Guốc mộc, sáng tác mới của tác giả Hồ Trọng Tuấn dựa trên chất liệu dân gian nhưng được phối khí mới mẻ, mở ra một không gian âm nhạc đậm chất hoài cổ nhưng lại rất văn minh, hiện đại trẻ trung - đó chính là tinh thần mà đạo diễn muốn hướng tới.

“Việc khai thác chất liệu âm nhạc hiện đại là con đường đưa các loại hình nghệ thuật, âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng trẻ, cũng là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một theo dòng chảy thời gian. Hay nói cách khác, đề tài lịch sử liên quan đến truyền thống đặc biệt của dân tộc, là mảng đề tài không dễ để khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác và phóng tác để trở thành một tác phẩm có giá trị cả về mặt nội dung cũng như ý nghĩa, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghe phù hợp với thẩm mỹ của người trẻ là cần thiết. Vì nó tựa như một chất xúc tác gắn kết người trẻ với lịch sử truyền thống dân tộc”, NSƯT Thanh Nam nhấn mạnh. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top