Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn

VHO- Tảo hôn không phải câu chuyện hiếm tại các bản vùng cao mà đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học phải bỏ ngang để ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Thất học, nghèo đói, thiếu kiến thức xã hội đã khiến chất lượng cuộc sống của các ông bố, bà mẹ “lấy nhau từ thuở 13” ngày càng suy giảm. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế bủa vây cuộc sống tăm tối của họ gần như suốt cả cuộc đời.

Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn - Anh 1

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp hữu ích trong phòng, chống tảo hôn hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS

 Hệ lụy từ những hủ tục

Trong căn nhà lụp xụp không có thứ gì đáng giá, Phàn Sì Mẩy 16 tuổi ở bản Lản Nhì Thàng (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đang ôm đứa con gái nhỏ mới được gần 7 tháng tuổi. Mẩy lấy chồng từ khi còn là học sinh, bước vào cuộc sống hôn nhân ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, bản thân em lại chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng túng thiếu. Hai vợ chồng Mẩy chỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, ngoài ra chẳng có nghề nghiệp gì để kiếm ra đồng tiền. Mẩy bùi ngùi: “Lấy nhau nên phải bỏ học giữa chừng, lại không có vốn làm ăn nên hai vợ chồng chỉ quanh quẩn ở nhà làm nương. Thu nhập không có. Nhiều lúc con đói, hai vợ chồng lại chạy vạy để có tiền mua sữa cho con. Không biết bao giờ cả nhà mới thoát khổ”.

Tương tự như Mẩy, Hảng Thị Páng ở bản Chin Chu Chải (xã Nùng Nàng, Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã lấy chồng được 2 năm nay dù chưa đủ tuổi kết hôn (chồng Páng mới sinh năm 2004). Sinh liền hai đứa con nên cuộc sống vô cùng khó khăn: “Do chúng em không có đầy đủ giấy tờ nên không thể làm giấy khai sinh cho con. Các cháu vì thế cũng không được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. Mỗi khi con đau ốm, viện phí vượt quá khả năng chi trả nên gia đình không dám đưa con đến viện thăm khám mà chỉ chữa trị bằng thuốc dân gian. Dù biết nguy hiểm nhưng hai vợ chồng không còn lựa chọn nào khác”, Páng nói.

Phàn Sì Mẩy và Hảng Thị Páng chỉ là hai trong số nhiều trường hợp điển hình cho tình trạng đói nghèo vì tảo hôn trên địa bàn các huyện miền núi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu do trình độ dân trí thấp, mức hưởng thụ văn hóa và tiến bộ xã hội của đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn kém. Một số dân tộc vẫn chưa nhận thức được tảo hôn là hủ tục và vi phạm pháp luật do chưa có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin về tiến bộ trong hôn nhân.

Tăng cường tuyên truyền, nỗ lực “kìm hãm” sự gia tăng

Những số liệu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, gần 70% trẻ em DTTS không được trang bị kiến thức về tảo hôn. Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cũng thể hiện những con số đáng báo động khi khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 24,6%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 22,4%. Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống, tỷ lệ tảo hôn cũng ghi nhận ở mức 7,8% vào năm 2018.

PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, hiện tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống so với trước đây đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, vấn nạn vẫn còn tồn tại ở một số vùng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên. Khi kết hôn sớm, trẻ em cả nam lẫn nữ đều bị hạn chế cơ hội học tập, vui chơi, giải trí, tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi; ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển nhân cách, tài năng, trí tuệ và thể chất của các em. Từ đó, giảm khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, hôn nhân dễ tan vỡ…

Để giảm tối đa tình trạng tảo hôn, PGS. TS Lâm Bá Nam khẳng định, trước hết cần tăng cường thực hiện chủ trương xóa bỏ và hạn chế các hủ tục. Vấn đề tảo hôn cần được thường xuyên thảo luận trong cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh. “Ngoài những chương trình chuyên đề, chúng ta cũng cần lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa”, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam nêu.

Bên cạnh đó, ở các tộc người thiểu số, đội ngũ già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín có vai trò rất lớn. Đây là đội ngũ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và xóa bỏ các hủ tục. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật hôn nhân và gia đình; có hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu rõ quy định, vận dụng trong dòng họ. 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 đã có thêm dự án về phòng, chống nạn tảo hôn. Theo đó, trong dự án Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn có các tiểu dự án nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều nội dung đã và đang được triển khai gồm truyền thông nâng cao nhận thức chống tảo hôn, tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình. Nguồn lực sử dụng cho dự án dự kiến lớn để phấn đấu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Đến năm 2025, chương trình phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

BẢO NAM

Ý kiến bạn đọc