Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Khi Hội Liên hiệp VHNT đòi “lấn sân” sang cơ quan quản lý

Thứ Sáu 13/01/2023 | 09:31 GMT+7

VHO- Làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT); Việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động VHNT như tổ chức các cuộc thi, liên hoan, xét tặng danh hiệu... là vô cùng cần thiết và là vai trò, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị

 Đó là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nêu ra tại Hội nghị giao ban công tác VHNT, hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm chủ trì Hội nghị.

Hiếm các tác phẩm VHNT thị trường có giá trị cao

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt cho biết, sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lĩnh vực văn hóa, VHNT đã được quan tâm đặc biệt.

Trong năm 2022, hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Các loại hình nghệ thuật đã tập trung khai thác ưu thế, sức mạnh đặc trưng, có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Cùng với sự phục hồi của các phương thức quảng bá, phát hành, biểu diễn truyền thống, việc chuyển đổi số trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục được phát huy, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng... Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác VHNT. Các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật còn ít và chưa có cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo công chúng.

Trong khi đó, các sản phẩm VHNT thị trường, nặng về chức năng giải trí được giới thiệu rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, qua nhiều kênh, nhất là trên không gian internet và mạng xã hội. Thậm chí, sản phẩm VHNT phản cảm, có hại đến nền tảng chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn phổ biến trên môi trường mạng.

 Toàn cảnh hội nghị

Tổ chức liên hoan, triển lãm nghệ thuật là của cơ quan quản lý nhà nước

Trước ý kiến đề nghị của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, mà cụ thể ở đây là giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm chuyên nghiệp từ Bộ VHTTDL sang cho các Hội chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp từ năm 2023, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần làm rõ và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp và các Hội chuyên ngành trong việc xây dựng và phát triển VHNT.

Thứ trưởng cho biết, Quyết định phê chuẩn điều lệ của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam số 584/QĐ-TTg ngày 13.5.2022 đã nêu rõ tại Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) về phạm vi lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp. “Liên hiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các Bộ, ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp theo quy định của pháp luật. Bộ VHTTDL là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước, trong đó có tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm... Qua việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan, triển lãm, cơ quan quản lý nhà nước mới có căn cứ để đưa ra những định hướng hoạt động nghệ thuật và có biện pháp để đầu tư các tác phẩm có chất lượng phục vụ nhân dân”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Đơn cử về nghệ thuật biểu diễn, chỉ riêng năm 2022, Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì tổ chức thành công 7 kỳ liên hoan, từ đó việc tổ chức các cuộc liên hoan này cơ quan quản lý nhà nước mới đưa ra những phương hướng hoạt động phù hợp, biện pháp xây dựng những tiết mục, vở diễn và những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao. “Chắc chắn với nguồn nhân lực và nguồn đầu tư hiện nay của Liên hiệp và các hội chuyên ngành sẽ khó có thể tổ chức với tần suất các cuộc liên hoan nghệ thuật với quy mô như vậy. Hơn thế, từ giải thưởng của các cuộc liên hoan, cơ quan quản lý nhà mới có căn cứ để xét tặng các danh hiệu cho nghệ sĩ. Thành viên của các Hội chuyên ngành, Liên hiệp là đối tượng để xét tặng giải thưởng, danh hiệu vì vậy việc trao quyền lại cho các Hội chuyên ngành hay Liên hiệp đứng ra tổ chức là bất hợp lý”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ rõ.

Các đơn vị nghệ thuật hiện nay hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật Trung ương trực thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL, các đơn vị nghệ thuật địa phương trực thuộc các Sở địa phương quản lý. Tổ chức các cuộc thi, liên hoan, triển lãm là để cơ quan quản lý nhà nước có thể chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn và văn học trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hơn thế, việc ký các bằng khen phải do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mới có giá trị trong bình xét các giải thưởng cấp nhà nước. Thực tế nhiều năm qua, cơ quan quản lý nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các Hội chuyên ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức cuộc thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp một cách chặt chẽ và tạo hiệu quả cao, mang lại sự công bằng khách quan.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, trong phương hướng, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp VHNT và các Hội chuyên ngành cần quan tâm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật; chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; triển khai các nội dung đã được thống nhất tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn học nghệ thuật năm 2023: Mở rộng các hội nghị phổ biến các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục phát triển VHNT trong thời kỳ mới... tạo sức lan tỏa, thống nhất về tư tưởng và hành động, góp phần thiết thực cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới; Vận động sáng tác hưởng ứng cuộc phát động sáng tác tác phẩm VHNT kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng do Bộ VHTTDL tổ chức.

Một trong nội dung quan trọng của Liên hiệp và các Hội chuyên ngành cần quan tâm hiện nay đó chính là nâng cao chất lượng hội viên và nâng cao chất lượng đầu tư cho tác phẩm VHNT. Không nên chỉ quan tâm tới việc tăng số lượng hội viên mà không chú trọng tới chất lượng của hội viên. Bên cạnh đó tổ chức các trại sáng tác cũng cần được lựa chọn đầu tư kỹ càng để có được tác phẩm tốt. Theo Thứ trưởng, hiện nay việc trao giải thưởng VHNT chưa thật sự có sự nhất quán về các tên gọi như HCV, HCB, giải A, loại A... Có hội chấm giải A rồi lại có giải A1, A2, A3. Hội đồng xét tặng luôn gặp khó khăn bởi những tranh cãi phân định về giải thưởng. Với các cuộc thi, liên hoan, Liên hiệp và các Hội chuyên ngành cũng cần có sự phân định rạch ròi đâu là cuộc thi mang tính chuyên nghiệp và đâu là cuộc thi mang tính chất động viên phong trào. Và đã là cuộc thi chuyên nghiệp được tiến hành chấm chặt chẽ hơn để nâng tầm giá trị chất lượng của giải thưởng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị Liên hiệp và các Hội chuyên ngành cần rà soát, tổ chức lại hệ thống lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để làm sao có một sự thống nhất trong chỉ đạo, thông suốt và chặt chẽ. Trong kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 đã khẳng định, một trong các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện Kế hoạch hành động của ngành. Trong đó sẽ có nguồn lực, kinh phí để phát triển và xây dựng VHNT. 

 Hơn thế, từ giải thưởng của các cuộc liên hoan, cơ quan quản lý nhà nước mới có căn cứ để xét tặng các danh hiệu cho nghệ sĩ. Thành viên của các Hội chuyên ngành, Liên hiệp là đối tượng để xét tặng giải thưởng, danh hiệu vì vậy việc trao quyền lại cho các Hội chuyên ngành hay Liên hiệp đứng ra tổ chức là bất hợp lý.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top