Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giữ nguyên hay làm mới?

Thứ Hai 16/01/2023 | 11:57 GMT+7

VHO- Từng có thời kỳ, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của những loại hình âm nhạc hiện đại, đôi khi âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng bị khán giả trẻ quay lưng, thờ ơ. Nhưng với nhận thức và sự trân trọng di sản ngày càng được nâng cao, dần dần các thể loại âm nhạc dân gian đã quay trở lại với đời sống. Tuy nhiên, việc bảo tồn, làm mới và phát huy nghệ thuật dân tộc ra sao để vẫn giữ bản sắc vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

 Âm nhạc dân gian kết hợp đương đại thu hút công chúng

Nhạc dân gian “se duyên” cùng đương đại

Với sự đa dạng vùng miền, dân tộc, âm nhạc truyền thống Việt luôn phong phú và tồn tại như một thành tố quan trọng của nền văn hóa, đồng hành với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đến nay, âm nhạc truyền thống vẫn được lưu giữ, gồm nhiều thể loại như: Những làn điệu hát ru ngọt ngào, giao duyên tình tứ, các điệu hò, vè, ví, lý đặc sắc, giai điệu đặc trưng của Tuồng, Chèo, Cải lương... Có nhiều thể loại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Tại tọa đàm “Âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đã có thời kỳ âm nhạc truyền thống bị khán giả hiện đại quay lưng, thờ ơ. Đến nay, với những nỗ lực lưu giữ, sáng tạo của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, các thể loại âm nhạc truyền thống đã dần quay trở lại với đời sống.

Gần đây, có nhiều sân khấu chuyên và không chuyên, CLB biểu diễn hát Chèo, Chầu văn, Xẩm, các loại hình dân ca… được duy trì đều đặn. Nhiều năm lan tỏa tình yêu âm nhạc, giới thiệu văn hóa phía Bắc vào miền Nam, anh Lê Mạnh Cường, Chủ nhiệm CLB Hát Xẩm dân gian Đất Việt, TP.HCM chia sẻ: “Với tình yêu âm nhạc dân gian, dù vào đây lập nghiệp, tôi vẫn nhớ về cội nguồn và luôn mong muốn quy tụ những người yêu nhạc từ miền Bắc vào phương Nam. May mắn được một số bạn trẻ hưởng ứng, chúng tôi thành lập CLB Hát Xẩm dân gian đất Việt”. CLB luôn chào đón người yêu thích bộ môn nghệ thuật hát Xẩm, tổ chức dạy đàn nhị và bộ gõ miễn phí...

Cùng với đó, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã trở thành cầu nối nhạc hiện đại với nhạc truyền thống, tạo nên dòng nhạc dân gian đương đại khá phát triển, thu hút công chúng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, nữ ca sĩ trẻ Hà Myo kết hợp Xẩm, Xoan với Rap và nhạc điện tử chinh phục được đông đảo khán giả trẻ; hay nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc lần đầu tiên đưa trống đế của nghệ thuật Chèo chơi như 1 soloist trong dàn nhạc giao hưởng, đồng thời sử dụng các làn điệu Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không của Chèo, Dọc Cờn Xá của Chầu văn trong tác phẩm mới Vũ điệu chèo và lên đồng... Chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống đặt trong dòng chảy hiện đại, đi cùng một số yếu tố khác đang giúp nhạc Việt trở nên đặc sắc hơn.

 Để âm nhạc truyền thống được bảo tồn, phát triển, cần có sự làm mới để thu hút khán giả trẻ

Để âm nhạc truyền thống “sống” bền vững

Âm nhạc truyền thống gắn bó với mỗi người Việt qua giai điệu của những bài hát ru, đồng dao, những thể loại ca nhạc trong nghi thức cúng lễ, hay trong lối đối đáp giữa các thành viên trong cộng đồng, trong những thể hát đố, hát đối đáp, thi tài của trai gái, những câu ca, tiếng đàn của những người hát rong… Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, để âm nhạc được bảo tồn, phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự cải biên, làm mới, nhằm thu hút khán giả, đặc biệt là người trẻ.

Nhà soạn giả Chèo Nguyễn Đức Minh cho rằng, bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng cần có sự phát triển, cải biên, từ đó, cái hay sẽ được giữ lại, cái không hay sẽ mất đi theo quy luật cuộc sống. Tuy nhiên, mức độ cải biên là quan trọng, dựa trên việc nắm vững hệ thống làn điệu Chèo, từ đó sáng tạo để giữ chất Chèo. Chẳng hạn, tại Liên hoan Chèo toàn quốc vừa qua, đã có nhiều điệu Chèo cải biên, làn điệu mới ngoài 150 làn điệu Chèo cổ, nhưng người nghe vẫn thấy đó là Chèo.

Trong khi đó, theo nhà văn Lê Xuân Khoa, bộ môn nghệ thuật nào cũng cần tìm kiếm cái mới, nếu chỉ có điệu kinh điển, các loại hình nghệ thuật không bao giờ có bước tiến mới. Tuy nhiên, cách làm mới là điều cần quan tâm. Chẳng hạn, khi kết hợp nhạc dân tộc vào các loại nhạc hiện đại, nghệ sĩ cần thật sự hiểu chất liệu âm nhạc dân gian, không phải biết một chút, rồi đưa vào tác phẩm mới cho lạ tai. Có nghệ sĩ đưa Chèo vào EDM nhưng không hiểu đặc trưng của Chèo nên chưa tạo nên sự thành công cho tác phẩm...

Còn theo TS Nguyễn Đình Lâm, Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), bên cạnh phương pháp bảo tồn tĩnh như nghiên cứu, sưu tầm, số hóa, đưa vào bảo tàng, viện nghiên cứu, còn có phương pháp bảo tồn động là các hoạt động để âm nhạc dân gian sống được trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để âm nhạc truyền thống được gìn giữ và phát triển trong cộng đồng, cần có sự tham gia của nhiều bên từ sự đầu tư, khuyến khích của Nhà nước, sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, dòng nhạc truyền thống và nhạc cổ điển vẫn còn xa lạ với công chúng, do ít được xuất hiện, ít được nhắc đến, ít được quan tâm, quảng bá và hướng dẫn. Bởi vậy, thời gian sắp tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc. Bên cạnh đó, để di sản được bảo tồn, “sống” bền vững trong cộng đồng, cần tăng cường động viên, khuyến khích cộng đồng bảo tồn di sản âm nhạc của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt văn hóa thường ngày. 

TRUNG NGHĨA; ảnh: ITN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top