Mở lối vào dân ca

VHO- Dân ca là những câu hát thuộc về mọi người dân, là những lời ca dễ nhớ, khó quên, cho nên không ít thì nhiều, ai cũng thuộc một vài bài dân ca phù hợp với mình. Khi đã “bén duyên” với dân ca mới thấy đó là một thế giới vô cùng thú vị về ý tứ cũng như thông điệp gửi gắm. Thế nhưng, đi vào dân ca cũng phải biết lối thì mới không bị nhầm đường.

Mở lối vào dân ca - Anh 1

Hai tài năng trẻ nghệ thuật Chèo tỉnh Thái Bình

Cứ mạnh dạn mở lối

Nét nổi bật trong những bài dân ca vùng Đồng bằng Bắc Bộ là tính trữ tình, miêu tả vẻ đẹp của người con gái hoặc tình cảm yêu đương nam nữ nhưng không được ở gần nhau; nhiều trong số đó là sự nhớ nhung, nên nó vừa là những lời tự sự, giãi bày tâm tư tình cảm, vừa là những bản tình ca đẹp về khát vọng tình yêu đôi lứa. Lạc trong những bài ca như vậy lại có một nét giai điệu dường như khác biệt. Nó rất rộn ràng, từ câu hát đầu tiên đã hiển hiện ngay tiết tấu nhảy múa trong đầu người nghe, đó là bài dân ca Trống cơm:Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông nên bông... Một by tang tình con sít ố mấy lội sông, ố mấy đi tìm em nhớ thương ai... Đôi con mắt lim dim, một by tang tình con nhện giăng tơ, giăng tơ ố mấy đi tìm. Em nhớ thương ai, duyên nợ khách tang bồng”. Thực ra, đây là một bài hát mang tâm trạng buồn chứ không phải vui như nhiều người nghĩ và thể hiện.

Lại nhớ, có lần tôi nhận lời mời làm giám khảo cho hội diễn văn nghệ của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, tưởng đâu chỉ toàn những ca khúc nhạc trẻ sôi động đang như một cơn lốc “cuốn trôi” trái tim giới trẻ vào trong đó, vậy mà nhiều bạn sinh viên đã chọn dân ca làm tiết mục dự thi. Có một tiết mục khiến người viết bài ấn tượng, đó là liên khúc gồm 4 làn điệu dân ca quen thuộc: Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền, Ba quan, Mời trầu. Xét về nội dung thì những bài này có thể liên kết thành một câu chuyện. Mở đầu cô gái ngồi trong nhà và nhớ nhung về chàng trai; tiếp theo chàng trai ngồi ở trên thuyền trên sông trong một đêm trăng sáng nghĩ về bóng hình cô gái; tiếp đến nữa là mùa trẩy hội, gái ngoan, trai tài đi tìm chồng tìm vợ, và cuối cùng là mời trầu để khẳng định mối tình khăng khít, thủy chung.

Về nghệ thuật thì Ngồi tựa song đàoNgồi tựa mạn thuyền là một cặp bài đối đáp Quan họ rất hay. Trong khi Ba quanMời trầu là hai làn điệu dân ca Đồng bằng Bắc Bộ thường được các nghệ nhân hát ghép vào nhau thành một tiết mục. Về màu sắc âm nhạc, cơ bản cả 4 bài đều có nét tương đồng. Duy nhất có một điều các em nhầm lẫn đó là gọi chung cả 4 tiết mục là dân ca Quan họ Bắc Ninh. Dẫu thế, điều đó cũng không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc, bởi các em còn trẻ, yêu dân ca, tìm đến dân ca đã là điều cần khuyến khích.

Trong dân ca Quan họ Bắc Ninh có bài Yêu nhau ngả nón ra ngồi với lời ca rằng: “Yêu nhau ngả nón ra ngồi, về nhà anh hai có hỏi song song để ới a song tình. Tình rng ơ ớ ơ, hỏi rằng nón để đâu?”. Câu trả lời là: “Chị rằng hai ơ ớ ơ, chị có a hai về nói dối với anh hai rằng, đi chơi có a ngoài này là nón ới a đánh rơi”. Dường như nói dối chẳng yên lòng, thế nên mới có thêm lời ca liền sau đó: “Chị rằng hai ơ ớ ơ, chị có a hai về nói thật với anh hai rằng, nón để ới a làm tin, nón để ới a làm duyên”. Những “trổ hát” tiếp theo lần lượt là chị ba thì “yêu nhau tháo nhẫn lồng tay” và chị tư thì “yêu nhau cởi áo trao nhau”, đến khi về nhà thì nói dối với anh ba, anh tư rằng đi qua cầu đánh rơi và gió bay, rồi lại nói thật lý do như chị hai rằng những thứ đó đã gửi lại vừa để làm tin, vừa để làm duyên…

Thoảng nghe những lời ca như thế, hẳn sẽ không ít người có cảm giác sốc và thốt lên trong đầu: Trời ơi! Sao Quan họ mà lại táo bạo đến vậy, liều lĩnh và lẳng lơ, đa tình đến vậy? Cái nón để đội đầu sao lại ngả ra để ngồi? Cái nhẫn là nhẫn cưới, là tài sản của mẹ cha để lại hoặc là nhẫn cưới của hai vợ chồng, liền chị sao lại tháo ra trao cho một ai khác? Ở cái thời buổi “nam nữ thụ thụ bất thân”, sao liền chị lại dám cởi cả áo ra để trao cho người khác giới không phải chồng mình? Sao con gái mà lại nói dối đủ các lý do, rồi lý do thật lại để làm tin với làm duyên, như vậy thì chuẩn mực của người con gái thế nào?

Mở lối vào dân ca - Anh 2

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (giữa) và nhóm Xẩm Hà Thành

Nhưng đừng… hiểu nhầm!

Thực tế thì cái nón để đội trên đầu, cái áo để khoác lên người, cái nhẫn vừa là trang sức làm đẹp vừa là của hồi môn hoặc thứ để khẳng định hạnh phúc gia đình. Như thế thì cả ba thứ đó đều phải là những vật bất ly thân với người con gái. Vậy nhưng, với liền chị Quan họ, thông qua “Yêu nhau ngả nón ra ngồi”, những thứ quan trọng như thế cũng sẵn sàng trao cho liền anh Quan họ, sẵn sàng để có thể ngồi chung, đeo chung và mang về treo trong nhà như có sự hiện hữu của nhau từng giây, từng phút. Thực tế thì đây là một cách “nói quá”, nhằm nhấn mạnh rằng, có thể trao tất cả những thứ thiêng liêng nhất, gắn bó nhất của mình cho người bạn tâm tình. Điều đó như lời khẳng định về tình cảm, tình yêu, sự thủy chung trọn nghĩa vẹn tình, sự đồng điệu trong tâm hồn gửi gắm qua những câu hát của liền anh và liền chị Quan họ.

Nhưng dường như vẫn còn một chi tiết khó chấp nhận đối với tình yêu và đời sống gia đình. Vì khi đã yêu nhau, người ta trao cho nhau tất cả những gì có thể, nhưng trong lời ca của “Yêu nhau ngả nón ra ngồi” không phải về nhà nói với mẹ cha, mà nói với anh hai, anh ba, anh tư. Tức là, nói với ý chung nhân đầu gối tay ấp hằng ngày. Thực ra, nếu chú ý thì chi tiết chị hai, chị ba, chị tư chính là sự gợi mở về không gian để gửi gắm những ca từ đầy táo bạo, duyên dáng ấy không chỉ có riêng hai người. Và trong văn hóa Quan họ, có tục kết bạn hát, những “bọn Quan họ nam” kết bạn với “bọn Quan họ nữ” khi tâm hồn, điệu hát, lời ca và tình cảm họ hợp với nhau, có thể quyện với nhau. Và đã kết bạn hát là sự thủy chung trọn nghĩa, như một thứ tình cảm sẽ đi song song cùng cuộc đời thực của mỗi liền anh liền chị trong suốt cuộc đời.

Trong Quan họ thường ít bọn (từ cổ chỉ một tốp) Quan họ nam với nữ trong cùng một làng kết bạn hát với nhau, mà họ sẽ kết bạn ở một làng khác, cho nên, ít khi giữa hai bọn Quan họ có một liền anh và một liền chị là một cặp vợ chồng. Trong khi, có thể cả hai vợ chồng đều đi hát Quan họ và có những bạn hát của riêng mình. Hơn nữa, hát Quan họ dù lời lẽ có táo bạo đến đâu thì quy định bất biến là hát đôi, hát tốp là liền anh và liền chị ngồi đối diện nhau hát. Tuyệt nhiên không có chuyện chạm vào nhau.

Cái nhầm ở tiết mục với 4 làn điệu dân ca kia của các em sinh viên là nhầm về văn hóa. Điều này rất dễ mắc phải, nhất là người thể hiện là những nghệ sĩ không chuyên sâu, bởi lẽ màu sắc âm nhạc gần như có nét tương đồng, trong khi dễ dàng tìm thấy trên mạng những nghệ sĩ Quan họ hát những bài dân ca Đồng bằng Bắc Bộ. Cách dễ dàng nhất để nhận biết được sự đúng sai là nhờ các chuyên gia về âm nhạc và văn hóa “giải mã”. Bên cạnh đó, chính bản thân mỗi người cũng có thể tự “giải mã”, nhưng phải dành thời gian và để ý kỹ những chi tiết nhỏ như từng lời ca. Chẳng hạn, trong Quan họ không bao giờ có từ anh cả, chị cả trong lời ca. Cùng cách xưng hô, người Quan họ chỉ dùng từ chị hai, chị ba chứ không có từ thay thế kiểu như chị thành cô, “cô cả, cô hai” như trong ca từ bài Ba quan.

Mở lối vào dân ca - Anh 3

Nghệ sĩ Thúy Nga (hát lẩy Kiều), Khánh Chung (thập lục), Phạm Trang (đàn bầu)

Cũng dễ hiểu và thông cảm cho sự nhầm lẫn về tính chất âm nhạc và cách thể hiện từ một bài đầy tâm tư thành bài rất rộn ràng vui tươi trong Trống cơm. Bài này thực tế là tâm trạng buồn trong ngày hội xuân đông vui của làng, cho nên rất khó thể hiện. Theo văn hóa làng xã đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hằng năm, cứ dịp nông nhàn, khi lúa đã gặt xong, công việc cấy cầy đồng áng cũng đã nhàn rỗi, lại gặp tiết xuân mát mẻ, khắp làng trên xóm dưới mở hội vui, gái trai nô nức đi trẩy hội. Thế nhưng, trong những cô gái trẻ ấy, có một cô mang tâm trạng buồn vì ngóng trông người con trai nông dân bình dị có thể vì cuộc sống khó khăn nên ngày hội vui vẫn phải đi làm việc. Cô cũng đang ở cái thế khó vì trái tim dành cho một nơi xa, nhưng bản thân lại đang bị bủa vây bởi những người đàn ông khác trong làng. Trong đó, chàng trai hóa thân thành con chim sít, một loài chim thường miệt mài nhặt nhạnh những hạt thóc còn sót lại ngoài đồng sau vụ gặt; còn những người đàn ông kia hóa thân thành một bầy con nhện đôi mắt lim dim. Thành ra cô gái mới ở tâm trạng “duyên nợ khách tang bồng”.

Có thể nói, mỗi câu hát dân ca vang lên thật sự gần gũi, nhưng ẩn chứa trong đó là cả một bề dày cả nghìn năm truyền thống văn hóa dân tộc. Cho nên, dù đơn giản, nhưng nó luôn tồn tại trong tâm hồn mỗi chúng ta và luôn chưa bao giờ khai thác hết được các tầng ý nghĩa với những ẩn ý mà cha ông ta gửi gắm. Càng mở lối vào, càng đi lâu thì sẽ càng thấy những điều thú vị trong dân ca. Đó cũng là yếu tố minh chứng cho sự trường tồn của dân ca trong lòng mỗi người con đất Việt.

Nhạc sĩ NGUYỄN QUANG LONG

Ý kiến bạn đọc