Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Lễ trưởng thành của người Dao áo dài

Thứ Tư 18/01/2023 | 14:52 GMT+7

VHO- Nhờ TS Bàn Tuấn Năng, một người Dao chính hiệu,  giới thiệu chúng tôi được biết ở xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có bản Dao thuộc nhóm người Dao áo dài và người dân ở đây sẽ tổ chức Lễ cấp sắc cho một cậu bé vừa bước vào tuổi 12. Chúng tôi quyết định lên đường dù ngày Đông cuối năm bắt đầu đổ mưa lạnh.

 Lễ cấp sắc của người Dao áo dài ở xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Người Dao Áo Dài ở Bắc Quang sinh sống bằng chăn nuôi và nghề trồng chè. Ngày nay những người đàn ông trưởng thành đều đã rời quê nhà để kiếm sống. Nhưng những ngày lễ trọng như Lễ cấp sắc hay ngày giỗ chạp, Tết cổ truyền… những người đàn ông trong họ tộc sẽ quay về, và trong những ngôi nhà thân thuộc đầy ắp tiếng cười đùa. Khách lạ có thể ngạc nhiên vì sự an hoà của cộng đồng cư dân ở đây. Dù để có một Lễ cấp sắc, gia chủ phải chuẩn bị từ vài năm trước bởi lễ này khá tốn kém với rất nhiều thủ tục phức tạp. Gần trăm triệu cho một nghi thức không thể thiếu này trong đời một nam nhân người Dao là một sự cố gắng không hề nhẹ của cả đại gia đình. Nhưng không một ai lộ vẻ lo lắng hay cáu bẳn. Nụ cười luôn nở trên môi những người phụ nữ xinh đẹp và chăm chỉ, còn những người đàn ông thì tất bật và vui vẻ làm mọi việc mà phụ nữ không làm được, không một tiếng gắt gỏng, không một lời trách cứ dù nhỏ nhất. Có lẽ lâu lắm rồi, những người thành phố như chúng tôi mới lại được hưởng một không khí “không âu lo” như thế.

Lần đầu được dự Lễ cấp sắc, với rất nhiều thủ tục và chi tiết mà những người lạ khó mà thấu hiểu ngay được. Nhưng với cảm xúc về sự bình yên vui vẻ, chúng tôi nhanh chóng nhận ra những nét độc đáo và gây cảm xúc mạnh trong cả chuỗi nghi thức phức tạp này.

Trước hết là sự xuất hiện của các ông Thầy – Tào. Lúc đầu, chúng tôi nhầm tưởng rằng đã là thầy thì có thứ bậc nhưng hoá ra không hẳn thế. Trong số 6 người được gọi là các ông thầy, đúng là có phân chia thứ bậc  như một số đếm. Thầy nhất, thầy nhị, ba, tư… mỗi người một nhiệm vụ, và đều được coi là những người cha tinh thần của đứa trẻ. Nhưng sự phân chia này không quan trọng bằng việc chúng tôi nhận ra trong số 6 ông thầy ấy, có một vị được gọi là Tào, người đại diện cho nhà Phật. Số còn lại là các thầy đại diện cho Đạo giáo, một tôn giáo quan trọng với người Dao đến mức họ… không coi đó là tôn giáo nữa, mà là một thể thức liên thông với tổ tiên rất tự nhiên, liên quan đến mọi sinh hoạt hàng ngày của họ. Ông Tào, ngược lại là một người được kính trọng mà không phải ai cũng có thể “trở thành”, đại diện cho một đấng siêu nhiên trong tâm thức của họ.

Với người Dao, Lễ cấp sắc là một nghi lễ không thể thiếu đối với cuộc đời một nam nhân. Cấp sắc là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của họ. Trong đời nếu không từng được thực hành nghi lễ này, người đàn ông cho đến chết vẫn không được coi là “đã lớn”, thậm chí họ tin rằng khi về với tổ tiên, thì tổ tiên vẫn chỉ coi người chưa có thủ tục cấp sắc như một đứa trẻ mà không được dự vào những việc như phù hộ hay trừng phạt hậu duệ của mình. Nghĩa là bị tổ tiên coi là kẻ vô dụng. Trong chuỗi nghi thức phức tạp và đầy ý nghĩa đó, sau khi các thầy mời gọi thần, thánh, tổ tiên về chứng dám… thì các thầy bắt đầu thực hiện một thủ tục thoạt nhìn như “chạy đàn” của nhà Phật. Những vũ đạo lắt léo được các thầy thực hành một cách thuần thục uyển chuyển. Theo một quy ước, bố đẻ của cậu bé sẽ ngồi bên cạnh con, và cầm tay cậu bé đặt vào tay một ông thầy để ông ta dẫn cậu ấy cùng thực hiện những bước vũ đạo nhịp nhàng kia. Chỉ vài vòng, cậu bé lại được trả về cho bố nó. Rồi theo một hiệu lệnh từ “dàn nhạc” chiêng trống, việc “giao con” cho ông thầy lại lặp lại. Tôi hỏi người bố rằng thủ tục ấy có ý nghĩa gì, anh ta cười mà nói rằng đó, đấy là nghi thức để cậu bé “không bị lạc lối sau này”. Đột nhiên tôi nhận ra rằng có thể đó chính là nguyên nhân khiến cả bản Dao này, dù đàn ông phải đi tứ phương sinh nhai thì những tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút, mại dâm… không bao giờ xảy ra. Cậu bé đang thụ Lễ cấp sắc không chỉ được một ông thầy dẫn dắt, bảo vệ mà có tới cả chục ông bố tinh thần. Cậu được gọi là “con thầy”, và sẽ được các ông bố tinh thần ấy dõi theo từng bước đường đời. Việc này biểu hiện ngay trong nghi lễ, sau khi các vòng chạy lắt léo ấy kết thúc, thì các ông thầy cùng ngồi quây quanh cậu bé, và tất cả cùng nghe ông Tào rủ rỉ khuyên nhủ cậu về nghĩa vụ của một đàn ông trưởng thành với ông bà, cha mẹ, anh em… và sau này là gia đình nhỏ của mình. Vậy là trong cả cuộc đời của mình sau này, mỗi khi được dự Lễ cấp sắc của ai đó trong họ tộc, nam nhân này lại sẽ được nghe nhắc lại những bài học giáo lý ấy, và cậu ta sẽ thuộc nằm lòng, biến thành một đề kháng tự nhiên giúp cậu điều chỉnh hành vi của chính mình về con đường chính đạo, một con đường coi trọng đạo lý và tình yêu thương.

 Nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ cấp sắc là cậu bé (được cấp sắc) được đưa lên đài cao và sẽ được đẩy ngã xuống

Một nghi lễ thứ hai cũng hết sức độc đáo của Lễ cấp sắc là việc đặt cậu bé lên một đài cao và một trong các ông thầy sẽ đẩy ngã cậu ta xuống. Nghi thức này nhằm mô phỏng việc cậu bé phải sẵn sàng đối mặt với những vấp ngã trong đời khi không còn được nâng niu bao bọc bởi gia đình và họ tộc nữa. Trước đó, có một thủ tục nhỏ cúng thần rừng, trình lên con dao mà người ta sẽ dùng để chặt cây dựng đài cho cậu bé leo lên. Thần rừng sẽ chỉ cho những người đàn ông trong họ tộc biết cái cây được phép chặt. Dường như đây cũng là một nghi lễ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, không chặt phá rừng bừa bãi… từ trong tiềm thức của người Dao. Với nghi thức “đẩy ngã cậu bé từ đài cao”, thì có lẽ đây là nghi thức chính của buổi lễ. Mọi bước chuẩn bị qua các nghi thức khác đều hướng tới việc quan trong này. Người ta dựng cái đài chừng 2 mét cao bằng 4 cây gỗ nhỏ mang từ rừng về, trên đỉnh đài này có sàn để cậu bé có thể khoanh chân ngồi ở tư thế thiền. Trước khi cậu bé leo lên ngồi, người ta để sẵn một chùm cành bưởi có hoa và lá xanh mướt. Khi cậu leo lên thì chùm hoa lá được bỏ đi. Cơm canh đơn giản (chay) được chuẩn bị bày trên hai cái mâm cùng những ngọn nến. Hoá ra nghi thức này luôn diễn ra vào sau 9 giờ đêm, nên việc đèn nến khá quan trọng. Dù trời mưa, những ngọn nến được giữ cho liên tục cháy sáng trong suốt thời gian nghi thức diễn ra. Bố và mẹ đẻ cậu bé hết sức hồi hộp, đặc biệt người mẹ không rời mắt khỏi con khi cậu bé đã ngồi trên đài cao và chiếc thang buộc bằng hai thân cây bị cắt rời khỏi chiếc đài. Nhưng mọi lo lắng là thừa, vì các ông thầy đã chuẩn bị một tấm chiếu với chăn len rất êm. Bốn người bốn góc căng cao lên, để một ông thầy “đẩy ngã” cậu bé. Trong tư thế vẫn khoanh tròn chân như toạ thiền, cậu bé “ngã” vào tấm chăn đó và lập tức được “gói” tròn lại kín mít như một đứa bé trong bào thai. Sau đó, chính ông Tào sẽ tự tay “xé” vỏ bọc đỡ cậu bé ngồi thẳng dậy. Như vậy, cậu bé được coi như sinh ra lần thứ hai, mà người đón cậu là một ông Tào, người đại diện cao nhất cho đạo lý và tình thương. Và cũng vẫn ông Tào sẽ bón cho cậu bé cơm và nước, những miếng ăn đầu tiên sau khi được “sinh ra lần thứ hai”. Ngay sau đó, một người mang mặt nạ Kadong xuất hiện, đến nhòm ngó cậu bé với vẻ tò mò và kêu lên những tiếng hân hoan. Nhưng mặt nạ Kadong có vẻ khiến đứa bé sợ hãi. Và ngay sau đó, người mang mặt nạ làm những cử chỉ vui đùa cùng hai ông thầy đóng giả người cha và người mẹ của cậu bé vừa đi rừng về. Họ thân thiện đến mức người cha và Kadong khoác vai nhau đi quanh đó, khiến cậu bé bắt đầu hết sợ hãi.

Về mặt nạ Kadong, thú thực cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hết thắc mắc về ý nghĩa của nó. TS Bàn Tuấn Năng cho rằng người đeo mặt nạ xấu xí đó là biểu tượng của người có vẻ ngoài như quỷ dữ nhưng bản chất lại là thiên thần nên hết sức vui vẻ hiền hoà. Nhưng chính ông thầy đeo mặt nạ ấy lại nói, anh ta đóng vai người cha thứ hai dùng cung tên săn thú để nuôi con. Anh ta đeo mặt nạ để đối phó với những cái xấu, nhằm bảo vệ con. Dù thế nào, chúng tôi vẫn thấy rõ cậu bé đang trải qua những nỗi sợ hãi, như một thử thách đầu đời. Và có lẽ cậu đã nhận ra ở đời sẽ có nhiều thư “nhìn vậy mà không phải vậy”.

Một ngày đêm được dự vào một nghi lễ truyền thống của người Dao áo dài, có rất nhiều điều chúng tôi còn phải học hỏi để hiểu rõ ý nghĩa của một chuỗi nghi thức phức tạp và giàu tính nhân văn này. Nhưng điều đọng lại chính là niềm tin vào những con người được sinh ra và đang trưởng thành ở đây. Dù ngay ngoài mặt đường chính chỉ cách nơi họ sinh sống 10km, bao nhiêu tệ nạn xã hội vẫn đang hiện hữu thì ở cộng đồng xã hội nhỏ và có vẻ khép kín này, cái thiện lành, tình yêu thương và dự thân thiện giữa người với người vẫn được duy trì một cách bền bỉ và hoàn hảo.

Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top