Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tết ở Phìn Hồ Thầu

Chủ Nhật 22/01/2023 | 08:00 GMT+7

VHO-  Muốn lên Phìn Hồ Thầu bất luận kiểu gì cũng phải đến Lào Cai. Một đêm nằm tàu du lịch, hoặc ngồi ôtô gần một ngày giời cũng tới thành phố cửa khẩu sôi động miền biên ải này. Từ Lào Cai, bạn đi ôtô lên Tả Phời, sau đó đi xe máy ngược dốc lên bản Pèng, bản Phìn Hồ, rồi bỏ xe máy leo bộ nửa ngày mới đến Phìn Hồ Thầu.

 Tranh minh họa của họa sĩ Vũ Đình Tuấn

 

Khi thầy Hoàng Trung Nam lên Phìn Hồ Thầu thì ở đó đã có 3 lớp, nhưng chỉ có một cô giáo nên lớp 1, 2, 3 học chung một phòng. Có nghĩa là lớp 1 viết chính tả thì lớp 2 học Toán, lớp 3 học Tiếng Việt hoặc ngược lại... Nhà tranh tre, nứa lá, bàn học đóng bằng luồng và mặt bàn cũng là các thanh luồng ghép lại. Ông trưởng bản Vàng A Páo kêu dân bản mỗi người góp một ít vật liệu làm được hai phòng. Một phòng làm lớp học, một phòng cho cô giáo Cúc, người dưới xuôi lên cắm bản. Một chiếc giường cá nhân đóng bằng gỗ sa mu, một cái túi du lịch đựng quần áo, giấy báo cũ dán kín góc giường nằm, che bớt gió núi lọt qua phên nứa. Bếp núc, ăn uống, soạn bài, chấm điểm... tất tần tật trong căn phòng tre lá 15m2 ấy. Có vất vả nhưng sướng nhất là không bao giờ phải... khóa cửa.

Sáng Ba mươi Tết, thầy Nam đang nằm co trong chăn thì ông Páo đập cửa. Mắt nhắm mắt mở, nhìn mãi mới thấy ông trưởng bản lẫn trong sương mù. Cả lớp học, cả núi rừng cũng chìm trong mù sương. Chẳng hiểu ông Páo dò đường thế nào mà đến được. Ông Páo vào nhà, sương mù ùa vào theo. Ông đem cho thầy Nam một miếng thịt đùi bò. Trong lúc thầy Nam lúi húi chui trong sương ra lu nước rửa mặt thì ông trưởng bản lôi chai rượu men lá ở gầm giường ra tự rót uống. Thầy Nam quay vào đã thấy ông Páo chụm mấy đoạn củi bồ đề khô gầy lửa. Lửa cháy sáng lấp loáng, nổ tí tách xua sương mù và làm căn phòng ấm hẳn lên.

Một lát, thằng bé Chảo Lão San chui trong sương vào nhà, tóc nó ướt nhoèn, cười trơ răng lợi. Bố mẹ nó bảo mang biếu thầy Nam con gà tre. Cảm động quá! Thằng bé học lớp 3 mà viết chữ còn thiếu dấu, sai nét.

Một lát nữa... Một lúc nữa... Rồi một lát nữa... lại có người trong bản đến. Gần trưa, trong phòng thầy giáo cắm bản đã đầy rượu, thịt lợn móc, măng, gà tre, nấm hương, mộc nhĩ, gạo nếp nương, rau su hào, rượu men lá... Mỗi nhà trong bản đều đem đến cho thầy Nam một vài thứ để thầy ăn Tết. Thầy Nam không ngờ cỗ thầy to nhất bản.

Chiều, trai gái bản kéo nhau ra đám cỏ xanh bên cạnh lớp học đánh cù, nhảy cò rò thổi khèn. Đứa nào cũng mặc quần áo mới thêu những họa tiết thổ cẩm xanh, đỏ, vàng, tím... trông rất vui mắt. Mấy con ngựa buộc ở gốc cây, bọn trẻ tết tua xanh đỏ vào đai cương, dán miếng đáp ở đầu ngựa sặc sỡ nhiều màu. Thầy Nam cũng ra nhảy cò rò. Mặt thầy đỏ bừng vì men rượu lá. Thầy thổi làn điệu dân ca tình yêu Khơ chìa planh:

Mùa xuân hoa đua nở tươi, nở nhiều,

Sao em không đến với anh, xem hoa nở?

Nhìn vết chân em quay đi lòng anh đau thắt,

Em không đến, hương hoa mùa xuân tan theo gió lạnh rồi...

Bọn con trai con gái hò inh ỏi: Thầy giáo yêu con gái Mông rồi. Thầy giáo có làm rể Phìn Hồ Thầu khô... ông? Làm rể sao được? Thầy đã 30 tuổi mà bọn con gái bản 15, 16 đã đi lấy chồng hết rồi.

Chập tối Ba mươi Tết, ông Páo lại đáo qua chỗ thầy Nam, ông phàn nàn vẫn chưa tìm thấy hai con bê, dễ ông Ba mươi xơi cả rồi. Ông Páo tiếc hùi hụi, than thở. Lúc đó thầy đang nướng thịt bò. Thầy định chiều mùng Một mời trưởng, phó bản, bí thư chi đoàn, công an bản đến ăn Tết. Ông Páo bảo, sáng mai thầy dậy sớm cùng dân bản tập trung chỗ bãi cỏ có cây nêu thầy dựng buổi chiều để chào cờ. Đêm Ba mươi, rạng sáng mùng Một, thầy nên xuống suối Hoa lấy nước cầu may. Nước ngày mùng Một sạch trong nhất, uống vào sẽ khỏe mạnh, không sợ ma quỷ; gia súc uống vào thì lớn nhanh. Ngày trước, ông Páo đi bộ đội, làm đến cấp tiểu đội trưởng rồi phục viên. Không có ông chèo chống, chẳng hiểu cái bản Phìn Hồ Thầu này sẽ ra sao.

Độ khoảng mười giờ đêm, có đám trai gái bản đi hát với nhau í ới tạt vào thăm và rủ thầy Nam đi hát đối. Đứa nào tóc cũng ướt sương đêm. Thầy bảo: “Tôi già rồi, đi hát đối ngại lắm”. “Thầy còn trẻ lắm, 30 tuổi sao đã kêu già?”. “Tôi trẻ với người 40, còn với các em 16, 17 tuổi thì tôi già chứ còn trẻ cái nỗi gì?”.

Chúng ồn ào một lúc rồi kéo nhau đi. Một lát, tiếng hát, tiếng kèn lá đã vang lên ở con đường mòn vắt ngang sườn núi. Lại một mình thầy với đống lửa. Bên ngoài sương đã nặng hạt, thỉnh thoảng rơi lộp bộp.

Thầy Nam ôm cái đài bán dẫn áp vào tai nghe tin tức từ Thủ đô. Sắp Giao thừa, thầy vặn to volum nghe bài hát Happy new year. Rạo rực, xốn xang quá. Bất chợt nhớ nhà, nhớ bố mẹ khi còn sống. Không khóc mà nước mắt thầy cứ ứa ra. Thầy lại nghĩ đến vợ chồng đứa em dưới Tả Phời. Năm nay không về ăn Tết, có khi đến mồng năm vợ chồng nó lại ngược lên thăm anh. Thầy sẽ dành cho vợ chồng nó ít thịt bò gác bếp để biết thế nào là hương vị Tết người Mông ở Phìn Hồ Thầu.

Giao thừa xong một lúc, đang định đi ngủ thì nghe có tiếng lục cục, tiếng khụt khịt như tiếng thú đi ăn đêm. Thầy Nam cầm đèn pin soi qua khe cửa. Sương mù trắng bạc. Một cái bóng đen thẫm đang oặt oẹo bên liếp. Trời ơi! Một con bê. Thầy đẩy cửa kéo con bê vào. Oặt oẹo, rét run lẩy bẩy, con vật bé nhỏ đói hóp hông. Thầy nhận ra con bê có hai vòng xoáy trên trán của nhà trưởng bản Vàng A Páo. Chẳng hiểu sao nó đã sổng chuồng ra sớm thế. Thầy kéo nhẹ nó đến bên đống lửa sưởi. Be... be... be... tiếng kêu nhỏ nhẹ, trìu mến. Thầy lấy dao cắt lá và củ su hào cho nó ăn. Con bê vừa nhai vừa nhìn thầy giáo, hai mắt nó trong vắt, ươn ướt.

...Phìn Hồ Thầu độ cao 2080 mét, khí hậu quanh năm mát lạnh như Sa Pa. Ngày trước, Phìn Hồ Thầu chỉ có rừng già, dốc núi, chim thú hoang, gió mạnh và thỉnh thoảng tuyết rơi; còn đá đóng màng, đóng váng trên mặt xô nước thì sáng sớm mùa đông thấy thường xuyên. Phìn Hồ Thầu heo hút, hoang vắng chỉ có chim, thú. Sau này, người Mông từ thị trấn Sa Pa lên, từ huyện Bảo Thắng sang, cơm đùm cơm nắm suông rừng đi tìm đất trồng thảo quả mới bị vùng núi cao hoang sơ này dẫn dụ, lôi cuốn nên hạ trại cắm lều dựng bản. Nơi ở cũ không cắt hộ khẩu (hộ khẩu là cái gì cũng không biết) và chính quyền địa phương cũng chẳng rõ họ đi đâu. Nơi ở mới cứ sống hồn nhiên như cây hoang cỏ dại đã ngàn năm nay vẫn sống, không đăng ký tạm trú tạm vắng, không làng bản, không chính quyền, trẻ con đẻ ra không làm giấy khai sinh, không học hành, y tế... Cuối cùng, chính quyền cấp huyện thị phải sửa chuyện đã rồi: Thành lập bản, lấy luôn địa danh Phìn Hồ Thầu làm tên bản mới. Có bản mới thì có y tế bản, có trưởng bản và thầy giáo cắm bản...

Trước khi lên dạy học, người ta đã kể về Phìn Hồ Thầu như thế. Khi lên rồi, thầy Nam mới biết nhiều khó khăn, phức tạp, cả nỗi sợ hãi vẫn chưa được nghe. Ví như cách đó mấy năm, đồng nghiệp của thầy là cô Cúc ở lại Phìn Hồ Thầu ăn Tết. Đêm Ba mươi cũng treo cây đèn bão lên dây phơi chăng ở thềm hè để xua ma đuổi quỷ, để đón xuân vào nhà. Một đống lửa, một mình nghe gió núi. Gần Giao thừa, nghe rất nhiều tiếng chí chóe ngoài sân và tiếng đất, đá ném vào cửa. Cô Cúc nghĩ, hay bọn trai bản đi hát đối về qua trêu đùa. Nhưng mà bọn con trai người Mông hiền lành như đất, cô quen biết hết cơ mà! Tim cô đập gấp, mạnh dồn đập như trống đánh trong ngực. Cái trống ngực này to hơn trống làng. Cô kêu lên nhưng không rõ lời, lưỡi cứ líu lại. Trời ạ! Dưới ánh đèn bão, một đàn khỉ lốc nhốc, con ngồi con đứng, con cạy cửa, con lấy que khều mấy cái quần áo phơi trên dây, có con nhặt đất, đá ném lên. Bản lĩnh mấy năm ở núi rừng và đã từng theo dân bản đi săn đêm làm cô trấn tĩnh lại. Cô cầm hai tay hai cây củi bồ đề đang cháy rừng rực, đẩy cửa lao ra sân. Cô quay người theo vòng tròn. Hai ngọn đuốc cũng biến thành hai vòng lửa đỏ rực quay như bánh xe lửa lăn trên không trung. Bọn “hậu duệ Tôn Ngộ Không” thấy lửa sợ quá, dãn ra và chạy tán loạn.

Mọi chuyện yên lành, trống ngực không đánh nữa, cô thở phào đúng lúc Giao thừa đến. Cô áp chiếc đài bán dẫn vào tai nghe tiếng chuông đồng hồ điểm mà lòng rưng rưng. Chiều mùng Một đi chúc Tết dân bản, ai cũng bảo “động rừng”.

Bây giờ, cô Cúc, thầy Nam không còn dạy ở Phìn Hồ Thầu nữa. Theo chế độ luân chuyển giáo viên, thầy cô được chuyển về bản Pèng, thấp so với Phìn Hồ Thầu. Giáo viên mới cắm bản là thầy Giàng A Dũng. Thầy là người Mông ở Phìn Hồ Thầu, học hết lớp 9 phổ thông cơ sở, được học thêm 3 tháng phương pháp Sư phạm nữa về dạy bọn học trò lớp 1, 2, 3. Thầy giáo của bản dạy bọn học trò bản. Cũng là chuyện lạ, quý hiếm ở Phìn Hồ Thầu. Tết này, thầy Giàng A Dũng cũng nhảy cò rò và thổi khèn điệu Khơ chìa planh. Đêm thầy cũng đi hát đối. Người yêu thầy trẻ lắm, ở cùng bản Phìn Hồ Thầu.

***

Rạng sáng mùng Một Tết, có nhiều tiếng người nói láo pháo. Lại có tiếng khỏa nước, tiếng suối chảy róc rách. Dân bản đã thức dậy và đang đi kín nước cầu may. Thầy Nam cũng vác một cái thuồng được làm bằng một đoạn luồng đã khoét ruột đầu mặt, xuống suối Hoa vác nước. Bát nước này thầy uống cầu may cho bệnh tật hết. Bát nước này cho con bê hai xoáy nhà ông Páo chăm ăn chóng lớn... Sự xuất hiện của con bê đầu xuân sẽ làm ông Páo giật mình, ngạc nhiên. Nghĩ thế, thầy Nam cười thầm, lòng vui vui.

 Gần trưa mùng Một, chờ cho mọi sự kiêng kỵ trong các gia đình người Mông đã xong. Thầy Nam đi trước, dắt con bê hai khoáy đi sau (một thầy giáo một bê con) đến nhà trưởng bản Vàng A Páo chúc Tết.

Bút ký của nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top