Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Tết, trước hết là ngày của gia đình

Thứ Bảy 21/01/2023 | 11:00 GMT+7

VHO- Danh sĩ nổi tiếng Đoàn Triển đất Bắc Hà, trong cuốn An Nam phong tục sách dùng để dạy cho lứa học trò xưa, khi trình bày các kiến thức căn bản về phong tục của dân ta đã chỉ ra rằng: “Tết, trước hết là những ngày của gia đình”. Với gia đình, nó không chỉ là ngày của hội hè vui vẻ mà còn là ngày của trách nhiệm và bổn phận.

 

Vợ chồng GS Đặng Cảnh Khanh, GS Lê Thị Quý, tác giả của cuốn sách “Gia đình học”

Ngày của đoàn viên, sum họp

Ngày xưa, Hai mươi ba tháng Chạp đã được xem là bắt đầu Tết rồi. Nó cũng bắt đầu ngay từ khi các vị Quan trông coi căn bếp ấm cúng của gia đình lên Trời để báo cáo. Thế rồi, những ngày quan trọng khác nữa cũng vậy: Ngày Ba mươi là Tết Trừ tịch; nửa đêm Ba mươi là tiết Giao thừa, phải có lễ cúng bái, nghênh đón tổ tiên về vui Tết cùng con cháu; mùng Một tháng Giêng là Tết Nguyên đán; mùng Hai, mùng Ba là những ngày đi lại thăm nhau, chúc tụng vui vẻ, quây quần bên những người thân yêu; mùng Bốn làm lễ tạ gọi là lễ tiễn gia tiên; mùng Bảy hạ nêu gọi là Tết Khai hạ; ngày Mười lăm là Tết Thượng nguyên. Sau đó thì còn phải “cúng sao” cầu phúc cho mọi thành viên gia đình kéo dài đến hết tuần. Tất cả những ngày trên đều xoay quanh gia đình rồi mới mở rộng ra ngoài cộng đồng, xã hội.

Ngày Tết, trước hết phải là ngày gặp gỡ, sum họp gia đình. Ngay từ khoảng trung tuần tháng Chạp, người đi xa bắt đầu may sắm quần áo mới, mua quà cáp, lục tục kéo nhau trở về gia đình, quê quán. Họ cũng bắt đầu tham gia vào việc sửa sang nhà cửa, quét dọn vườn tược, lau chùi, xếp đặt lại bàn thờ gia tiên, mọi việc đều phải gọn gàng, sạch sẽ. Người nào phải đón Tết xa gia đình sẽ buồn bã lắm…

Gia đình nào cũng đều tất bật trong việc chuẩn bị Tết, đặc biệt là háo hức chờ lúc được chào đón người thân trở về. Đàn ông, đàn bà trong nhà thì ăn mặc chỉnh tề, sợ người ở xa về nhìn thấy mình ốm yếu, không tươm tất. Đầu tiên là cùng nhau đi chợ Tết, mua hương, nến, áo mũ, vàng mã làm đồ thờ cúng, hoa quả thắp hương để làm lễ tiễn ông Táo. Họ cũng mua pháo, tranh giấy, hoa giấy và các thứ cần dùng khác trong ngày Tết. Người ta sẽ chuẩn bị giấy đỏ, giấy vàng, bút lông, mực Tàu để các cụ cao niên trong nhà còn viết đại tự, đối liên dán lên vách tường.

 Gần ngày Tất niên, các gia đình đều phải chuẩn bị lễ trầu rượu để đi ra quét dọn phần mộ tổ tiên, sửa sang chỗ sạt, lún, trồng thêm hoa cỏ, lau chùi bia đá, xếp lại bát hương, gọi là “tảo mộ”, tạo điều kiện tốt nhất để các cụ thảnh thơi vui vẻ về nhà đón Tết cùng con cháu. Ở nhà, họ rắc vôi ngoài sân, chọn một cây tre tươi còn nguyên ngọn lá để làm cây nêu trồng trước nhà có tác dụng trừ tà ma, giữ cho những ngày Tết sum họp được an lành. Thông thường thì các gia đình đều chuẩn bị cá chép để thả xuống ao hồ cho các vị Táo quân có phương tiện mà cưỡi lên Trời.

Các sản phẩm làm ra từ trong gia đình đều được trân trọng giữ gìn, dành dụm, dùng làm cỗ bàn dâng cúng tổ tiên trong những ngày Tết, vừa là để báo công về thành quả lao động chăm chỉ trong năm, vừa để bày tỏ tấm lòng chân thực, thành kính. Gạo nếp trong nhà, thứ ngon nhất được để dành gói bánh chưng; thịt lợn đem giã giò, làm nem; mía nấu đường làm kẹo mứt; hoa quả thì hái ngoài vườn, nhất thiết phải có cam, bưởi, thiếu mới đi mua. Nhà khá giả có thể mổ riêng một con lợn, nhà nghèo khó thì chung nhau “đụng” một con để làm thức ăn ngày Tết.

Gia đình dẫu khó khăn đến mấy thì trong những ngày Tết vẫn phải cố mà làm theo các tục lệ này, không để tổ tiên cũng như những người đi xa về phải buồn lòng.

 

 Chỉ cần cả nhà bên nhau là có Tết

Ngày của trách nhiệm và nghĩa tình

Nếu ngày Hai mươi ba tháng Chạp là ngày tiễn Táo quân lên trời thì ngày Ba mươi lại là ngày rước họ trở về căn bếp ấm cúng. Giao thừa là lúc các gia đình làm lễ tế thần Hành khiển năm cũ và đón thần Hành khiển năm mới, gọi là lễ “Tống cựu nghênh tân”. Mâm cỗ Giao thừa cũng là mâm cỗ chính thức chào đón tổ tiên về vui Tết. Bởi vậy, khi đó mọi người đều phải ăn mặc chỉnh tề, sửa soạn cỗ bàn, chè rượu để cùng bái ở từ đường.

Sau khi cúng tổ tiên đêm Giao thừa, sáng mùng Một Tết, ở những gia đình “tứ đại đồng đường”, hai vợ chồng mỗi người mang một khay cau trầu đi chúc Tết hai bên ông bà nội, ngoại. Khi đấng sinh thành vẫn còn, con cái không ở cùng thì vẫn phải đến nhà cha mẹ để chúc thọ, làm lễ mừng tuổi. Con cái ở gần thì phải làm cỗ mang đến cúng bái tổ tiên tại từ đường. Trong suốt những ngày Tết, ngày nào con cháu cũng phải thắp hương và duy trì lễ cúng cỗ mỗi ngày.

Đồng thời, để có thêm được phúc lộc cho gia đình trong năm mới, các gia đình còn phải cúng các thần Thổ công, Thổ địa, Thần cửa, Thần bếp… đồng thời đem lễ vật, hương hoa đến thắp hương ở đình, chùa. Phải chọn giờ lành để xuất hành, bẻ lấy một cành hoa, nhánh lá đẹp đẽ, tươi tốt mang về cắm ở cửa gọi là “hái lộc”. Hái lộc đầu xuân là để có lộc quanh năm, hy vọng gia đình sẽ hòa thuận, con cái hiếu thảo, anh chị em thương yêu, đùm bọc nhau.

Gia đình làm nghề nghiệp gì thì ngày Tết đều phải lo cúng lễ với hy vọng sang năm sẽ làm ăn phát đạt “bằng năm bằng mười”. Gia đình có người làm quan thì làm lễ khai ấn; kẻ sĩ thì khai bút viết mấy hàng chữ lời hay ý đẹp; nhà buôn thì chọn ngày mở hàng; nhà nông thì lo giờ khai cuốc, cày ruộng, động thổ bắt đầu công việc đồng áng, chờ đợi một năm mới mưa nắng thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Ở đây, mỗi gia đình lại còn có quy ước, gia phong, gia lễ, gia giáo riêng. Những gia đình neo đơn, không đủ điều kiện cũng thường tới xin các cụ đồ viết cho dăm ba chữ hợp với gia cảnh để mang về treo, động viên con cháu phấn đấu, rèn luyện, giữ lấy nếp nhà trong sạch.

Dịp Tết Nguyên đán, từ sự thân thiết, thuận hòa trong quan hệ gia đình, người ta cũng mở rộng ra các mối quan hệ xóm giềng, cộng đồng, xã hội. Thứ dân đối với quan trường, cấp dưới đối với cấp trên, học trò đối với thầy dạy, bạn bè đồng trang lứa với nhau, kẻ vay mượn đối với chủ nợ, nhà trai, nhà gái đối với thông gia, người có chức vị, người làm quan đối với cấp dưới thân thuộc, tất cả đều phải biết quan tâm đến nhau trong ngày Tết, thăm hỏi, giúp đỡ, biếu tặng nhau chút quà Tết cho thơm thảo. Quà dẫu nhỏ nhưng chứa đựng những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình.

Cụ Phan Bội Châu dạy rằng: “Nhà là cái nước nhỏ, nước là cái nhà to”. Lo cho nhà rồi thì cũng phải lo cho cộng đồng, làng xóm, lo cho cái chung. Trong ngày Tết cũng vậy, bổn phận với gia đình là một nhẽ, bổn phận với cộng đồng lại là một nhẽ khác. Chỉ khi làm tròn bổn phận với gia đình người ta mới biết chăm lo được cho các công việc chung của cộng đồng và ngược lại. Gần ngày Tết, gia đình nào cũng phải tham gia vệ sinh xóm ngõ, sửa sang đường xá, cây cối, đình chùa, miếu mạo, chuẩn bị cho các cuộc tụ họp vui chơi cộng đồng, luyện tập văn nghệ, thể thao, tham gia vào các đội thi múa hát, thi nấu cơm, đánh đu, đấu vật, kéo co… Chỉ khi làm xong những bổn phận và trách nhiệm như trên thì ngày Tết mới thực sự có ý nghĩa vẹn tròn.

Sau khi làm tròn bổn phận với tổ tiên, gia đình trong ngày tết, các thành viên từ già đến trẻ mới bắt đầu quan tâm tới việc vui xuân, chơi xuân. Trẻ con tụ tập chơi ở đình, miếu, chùa, quán, xem diễn trò; đàn bà ăn mặc tề chỉnh đi lễ; đàn ông họp nhau chơi hội, đánh tổ tôm, tài bàn, xấp ngửa, xóc đĩa... Như vậy gọi là chơi Xuân. Ở thành phố thì người ta mở hội thi hoa thủy tiên, thi thả hoa đăng...

Tránh làm những điều không tốt đẹp trong gia đình vào ngày Tết

Ông bà ta xưa quan niệm, Tết không chỉ là một ngày lễ thông thường, là ngày vui, ngày hội mà còn là dịp để mỗi người, mỗi gia đình kiểm nghiệm lại mình, nhận ra điều hay điều dở, chuẩn bị tâm thế mà đón chào những cái mới mẻ sẽ đến. Bởi vậy, người xưa cho rằng, ngày Tết chính là ngày mà các gia đình vui vẻ tống tiễn cái cũ và nghiêm túc đón mừng cái mới. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, những ngày đầu năm có tốt thì cả năm công việc mới suôn sẻ, các thành viên mới thuận hòa.

Trong những ngày Tết, người ta rất kiêng làm những điều xấu, những điều có thể gây hại cho gia đình trong cả năm. Dân gian quan niệm, ngày Tết mà làm được nhiều điều tốt đẹp, thực hành nhiều điều nghĩa cả, đức độ thì cả năm chắc chắn sẽ nhận được nhiều phúc lộc. Còn Tết mà gặp toàn chuyện xấu, xui xẻo thì cả năm sẽ khó mà tránh được vận hạn.

Tết cũng là ngày của sự vị tha, nhân ái, chan hòa. Cần phải tránh làm những điều ác độc, thất đức. Cuộc sống trong năm có nhiều ân oán với người này, người kia, thì Tết sẽ là cơ hội để hóa giải. Những món nợ ân nghĩa thì Tết là dịp để bày tỏ sự hàm ơn. Có những ân nghĩa cao dày chẳng bao giờ có thể đền đáp nổi thì nay cũng là lúc bày tỏ nỗi khắc ghi. Những nợ nần bình thường thì trước khi Tết đến, người ta cũng cố mà tìm cách trả hết, kiêng mang nợ cũ sang năm mới. Đầu năm cũng cần tránh sự vay nợ e rằng suốt năm sẽ túng thiếu, không còn may mắn. Người chủ nợ thì cũng suy từ gia cảnh mình mà tránh đi đòi nợ vào dịp đầu năm, sợ mang họa cho người khác.

Nếu trong năm cũ, gia đình có thể có những sự bất hòa với nhà nọ nhà kia, khi thì nhà hàng xóm to tiếng mất con gà con vịt, khi thì người đầu ngõ để đồ chẹn vào lối đi, khi thì thủ trưởng, đồng nghiệp nóng giận vì công việc đôi lúc chưa suôn sẻ thì Tết chính là dịp tốt nhất để làm lành, xóa bỏ mâu thuẫn, oán giận.

Kiêng nghĩ đến điều thù oán sẽ làm cho tâm hồn thư thái hơn trong ngày Tết và cũng mang lại năng lượng tích cực cho người xung quanh. Chính vì thế, trong gia đình người ta cũng kiêng nói to, cãi vã nhau, nói xấu hay mắng nhiếc người khác. Người già thường nhắc nhở con cháu không nói tục, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, không nghịch dao, nghịch lửa, trèo cây, lội sông, lội hồ... Ngày Tết, đi đường gặp ai cũng phải tươi cười niềm nở. Trong nhà tránh khóc lóc, buồn tủi hoặc nói tới điều rủi ro, xấu xa trong dịp Tết.

Tết xưa Ảnh: Thành Đạt

Với gia đình người Việt xưa, dịp Tết người ta cũng tránh mặc quần áo màu trắng và màu đen vì theo quan niệm từ xưa, hai màu này thường dùng trong tang ma. Chính vì vậy, những ngày đầu năm các cụ thường nhắc con cháu nên mặc quần áo nhiều màu, đặc biệt là các bà các cô để tạo nên sự tươi vui, phấn khởi. Những màu được cho là mang lại may mắn trong ngày Tết thường là màu hồng, đỏ, vàng, xanh…

Tết là ngày vui chung của cộng đồng, ngày mở đầu cho một vận hội mới nên có nhiều ý nghĩa cao cả, thiêng liêng. Bởi vậy, trong những ngày Tết, mọi gia đình đều phải tạm gác nỗi buồn riêng tư để giữ gìn không khí vui vẻ chung. Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ có câu đối rất hay là:

Chiều Ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
          Sáng mùng Một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Thật vậy, ở bất cứ hoàn cảnh nào thì trong ngày Tết, gia đình Việt nào cũng phải cố gắng “đạp thằng Bần ra cửa” để “giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Xông nhà là một tục lệ rất quan trọng trong ngày đầu năm. Người xưa tin rằng, vào sáng mùng Một Tết, người đầu tiên bước vào cửa nhà mình là rất quan trọng đối với cuộc sống của cả năm. Nếu là người tài giỏi, hoạt bát, khỏe mạnh, có phẩm hạnh xông nhà thì tốt, vì họ sẽ đem theo nhiều phúc, lộc đến cùng. Người xông nhà đôi khi cũng cần phải được tính toán cả về tuổi tác, sao chiếu mệnh, tính tình xem có hợp với gia chủ hay không.

Trong dân gian người ta vẫn tin rằng những người có vận sao Thái Dương đến xông nhà thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Người ta cũng tránh gặp phải những người có sao La Hầu hoặc sao Thái Bạch chiếu mệnh, vì những người này thường mang đến những sự xui xẻo. Bởi vậy, nhiều gia đình còn phải chọn kỹ người, thậm chí là dặn nhau từ hôm trước để nhờ xông nhà. Đôi khi không tìm thấy người thích hợp thì gia chủ tự mình xông nhà lấy. Cũng chính vì vậy mà người ta cũng kiêng đi chúc Tết các gia đình khác vào ngày mùng Một Tết, nếu không được gia chủ mời vì sợ sẽ mang đến điều không tốt đẹp cho chủ nhà trong năm mới.

Trong những ngày Tết, ở nhiều gia đình, người ta rất tránh việc để mất lửa trong nhà, kiêng người khác đến xin lửa nhà mình, vì vẫn cho rằng ngọn lửa là tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Cùng với lửa, nhiều nơi cũng tránh cả việc cho nước vào đầu năm, vì nước được tượng trưng cho nguồn tài lộc, theo kiểu nói dân gian “tiền vào như nước”. Trong những ngày Tết, người ta cũng kiêng quét nhà vì e rằng sẽ quét cả thần Tài đi mất.

Ăn uống là điều rất được quan tâm trong ngày Tết. Tuy nhiên, các gia đình cũng thường kiêng kỵ nhiều như tránh ăn thịt chó, thịt vịt... vì chúng thường đem lại sự “xúi quẩy”. Không ăn cá mè, lươn, trạch và nói chung là những đồ ăn tanh tưởi vì sợ rằng suốt năm gia đình sẽ phải lặn ngụp trong bần hàn.

Vào ngày Xuân, còn tùy theo từng con giáp mà người xưa lại có những quy định về ngày xuất hành. Nhưng nhìn chung các cụ ta xưa kỵ nhất là xuất hành vào ngày mùng 5. Ngày này được gọi là ngày “Nguyệt kỵ” hoặc là ngày “Phá ngũ”. Một trong số 3 ngày đáng kiêng kỵ nhất mà các cụ gọi là ngày “Tam nương” gồm các ngày mùng 5, 14, 23 âm lịch. Lại còn chuyện kiêng “ra ngõ gặp gái” nữa, thật trái với luật “bình đẳng giới” bây giờ.

Việc bảo vệ cho sự bình yên của gia đình trong ngày Xuân cũng như trong cả năm là rất cần thiết, nhưng kiêng kỵ nhiều thế thì kể cũng khá phiền phức. Bởi vậy ngày nay, chúng ta cũng nên chọn lọc, xem xét cho phù hợp, còn thì tùy thuộc vào quan niệm và gia cảnh của mỗi người, mỗi nhà, cốt sao cho ngày Tết phải thật vui vẻ, thật đầm ấm và hạnh phúc là được.

 

GS ĐẶNG CẢNH KHANH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top