Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ- nơi cội nguồn dân tộc Việt

VHO- Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ sẽ được tổ chức vào ngày 28.1(tức mùng 7 tháng Giêng- ngày "Tiên giáng") tại xã Hiền Lương, huyện Hiệp Hòa, Phú Thọ. Lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt một lòng hướng về đất Mẹ.

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ- nơi cội nguồn dân tộc Việt - Anh 1

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ”- đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: T.L

Lễ hội có giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân-Âu Cơ và bọc trăm trứng. Đồng thời, là điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh và là môi trường giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Lễ hội bắt đầu với nghi thức tế Tam vị Đức ông, do đội tế nam thực hiện. Ngay sau nghi thức cúng lễ đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra đền Mẫu Âu Cơ được khởi hành. Đúng giờ Thìn, đoàn rước về đến sân đền Mẫu. Không khí tôn nghiêm, đền nến lung linh, hương trầm ngọt ngào, lễ dâng hương và lễ vật bắt đầu. Lễ vật là đồ chay gồm hoa quả, đăng hương, trầu, rượu cùng 100 cầu bánh mật, 100 phẩm bánh chè kho, 100 chiếc bánh ít tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

Tiếp đến là phần tế nữ, đội tế nữ gồm 14 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn tiến hành nghi lễ tế. 14 cô gái mặc áo dài đủ các màu, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, chủ lễ mặc hoàn toàn màu đỏ. Tế nữ là khâu thu hút sự chú ý nhất trong phần tế. Sau nghi lễ tế, hội diễn ra với nhiều hoạt động bằng các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng, đặc biệt còn có phần ca hát những bài hát ca ngợi Mẫu Âu Cơ.

Các thực hành nghi lễ tế, rước, các trò chơi dân gian phản ánh đời sống vui tươi, trù phú, ấm no, hạnh phúc nhờ ơn phù trợ thiêng liêng của Quốc Mẫu và tiên tổ giống nòi Quốc Tổ Lạc Long Quân, các đời vua Hùng Vương dựng nước và giữ nước.

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ- nơi cội nguồn dân tộc Việt - Anh 2

Lễ tế Nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: T.L

Đến với Lễ hội, người dân, du khách được hòa trong không khí sôi động như giải bóng chuyền da nam, bóng chuyền hơi nữ, cớ tướng; các trò chơi dân gian và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ trong các ngày diễn ra lễ hội. Và hơn cả, du khách sẽ được thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu theo đúng bản sắc ngay tại chính ngôi Đền Mẫu Âu Cơ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương là một tổ hợp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo: khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, đình thờ Đức Thánh Cả, cùng tổng thể nội dung và diễn trình thực hành tín ngưỡng chính là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng ý nghĩa, giá trị lưu niệm về Mẫu Âu Cơ. Thông qua việc thực hành tín ngưỡng này, không chỉ hình ảnh mẫu mẹ Âu Cơ với hành trình khai mở đất đai, lập làng dựng xóm, dạy dân làm ăn, phát triển sản xuất... được tái hiện mà còn thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Hiền Lương nói riêng, cư dân vùng Đất Tổ nói chung.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta. Việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên. Qua đó, tạo lập mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng - cội nguồn của sức mạnh tập thể trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt, tháng 1.2017, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ”, đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

QUỲNH VY

Ý kiến bạn đọc