Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bằng cách nào đưa cổ vật Việt Nam về nước? (Bài 2): Những cổ vật... "áo gấm đi đêm"

Thứ Sáu 10/03/2023 | 10:07 GMT+7

VHO- Cho đến nay, những thông tin có độ chính xác cao và những câu chuyện kỳ thú bên lề xung quanh việc đàm phán thành công cũng như quá trình hoàn thành các thủ tục để đưa ấn vàng “Hoàng đế Chi Bảo” về nước vẫn đang trong diện “bí mật”, đến thời điểm phù hợp Văn Hóa sẽ cung cấp tới bạn đọc. Trước và sau khi đàm phán thành công, dư luận báo chí đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện này, đồng thời đây cũng là một trong 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2022.

 Bình vôi bằng vàng có niên hiệu Sùng Khang thứ 3, thời Mạc Mậu Hợp được mua từ Nhật về

 Tuy nhiên có một thực tế là, trong những năm qua nhiều cổ vật, di vật Việt Nam hồi hương lại diễn ra một cách lặng lẽ, không hề rình rang, thậm chí là chìm lắng, và trong một chừng mực nhất định nào đó, gần như không có báo chí nào biết để đưa tin, phản ánh. Đi sâu vào những thực tế “áo gấm đi đêm” này, chúng tôi dần mường tượng ra cách lý giải rất khó… giải thích.

Thử lý giải…

Lẽ ra trong cuộc sống đương đại này, việc rước được một cổ vật Việt Nam có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, khảo cổ, mỹ thuật, dân tộc học… hồi hương, thì chủ nhân của nó cần tổ chức một cuộc “trống giong cờ mở” để thông cáo với dư luận, rằng mình đã làm được một việc rất có ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản Việt Nam. Còn ở đây họ lại âm thầm, lặng lẽ như những cổ vật mà họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức, kinh phí để đưa về nước. Nhiều nhà sưu tầm cổ vật khi được hỏi đều có chung một cách giải thích, “đó là thú vui thưởng ngoạn cổ vật, không cần phải “đao to búa lớn” làm gì”, nhưng đằng sau câu nói đó đều hàm chứa những ẩn ý mà không phải ai cũng hiểu rõ tường tận.

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một chuyên gia trong lĩnh vực cổ vật và là người thường xuyên phải “áo gấm đi đêm” để thẩm định cổ vật khi được những nhà sưu tầm nhờ đến. Ông từng kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” về những cổ vật Việt Nam được hồi hương thông qua nhiều con đường khác nhau. Trong một bài viết đăng trên tạp chí mới đây, TS Phạm Quốc Quân cho biết: Năm 2018, một sưu tập cổ vật thuộc các nền văn hóa thời sơ sử Việt Nam đã hồi hương, được quyết định trao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và phát huy.

Cái hay và lạ của chuyến trở về lần này không phải là những cuộc đấu giá đầy kịch tính, không phải là sự nỗ lực của địa phương, hay quyết tâm của tập đoàn kinh tế lớn, mà là sự lặng lẽ của một cá nhân, vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức. Mãn nhiệm kỳ, trong chiếc vali ngoại giao của vị đại sứ có mang theo 18 cổ vật mà ông đã sưu tầm được trong những năm tháng công tác ở nước ngoài, như để lưu giữ hồn quê đất Việt, để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Đó giống như một cách nghĩ của nhiều Việt kiều lớp trước, coi đó là một thoáng quê hương, đọng trong những chiếc rìu đá, rìu đồng thời Đông Sơn, ẩn trong những nét hoa văn trên những chiếc bát, chiếc đĩa thời Lý, thời Trần, mà mỗi lần chiêm ngắm, họ thấy hình ảnh của đất nước, xóm làng, phố phường Việt Nam đầy kỷ niệm, để hồi ức của quá khứ tràn về. Cổ vật Việt Nam nói riêng, di sản văn hóa Việt Nam nói chung sẽ có sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt đến nhường nào, nếu mỗi người đặt mình trong những hoàn cảnh như thế và tương tự như thế, ngay ở trên quê hương hay ở xa đất nước. “Tôi được nghe những đồng nghiệp ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kể lại rằng, buổi tiếp nhận diễn ra giản đơn và ấm cúng, không rình rang, ồn ã, hẳn là một sự thỏa mãn của vị đại sứ, coi đó như một nhiệm vụ được hoàn thành, qua sự tiếp nhận trân quý của Bảo tàng, khiến cho ông hài lòng, khi di sản được về với đất nước”, TS Quân cho biết. Chúng tôi hỏi TS Phạm Quốc Quân rằng một việc làm ý nghĩa như vậy mà “cửa đóng then cài”, không cần phải ồn ào trên báo chí là cách ứng xử “khiêm cung” của người tặng hay còn lý do nào khác? TS Quân chỉ nói, “cái này cần phải đến hỏi người tặng mới biết rõ được thực hư, còn ở bên ngoài mà đoán định thì cũng thật vô cùng”.

Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp qua Bắc Ninh và tình cờ được gặp một chủ doanh nghiệp đam mê sưu tầm cổ vật. Ông chủ doanh nghiệp này đã có hơn 20 năm sưu tầm cổ vật, trong đó có những vật báu “độc nhất vô nhị” khiến trong giới phải ngả mũ. Qua sự giới thiệu, chúng tôi tiếp cận được bộ sưu tập đồ sộ của ông với trên dưới 20 ngàn cổ vật. Bên ấm chè thơm, ông kể, cách đây mấy năm, nhờ sự quen biết ông đã sang Nhật và mua thành công một chiếc bình vôi bằng vàng, có niên hiệu Sùng Khang năm thứ 3 (1568), thời Mạc Mậu Hợp, với chiều cao 7,5cm, cân nặng 879,87 gram. Theo giới chuyên môn, đây là chiếc bình vôi duy nhất bằng vàng, có niên đại thời Mạc, được biết cho tới nay ở Việt Nam. Đó cũng là chiếc bình vôi của Vua dùng, với đầy đủ tiêu chí đồ ngự dụng (rồng năm móng, dòng lạc khoản, không chỉ ghi niên hiệu, năm sản xuất mà còn cả ngày khai sinh 15.8). Đó cũng là cổ vật thể hiện đậm nét sức sống của nghệ thuật Đông Sơn, qua dáng hình mô phỏng trống đồng và hồi văn chữ S đặc trưng trên đồ đồng Đông Sơn mà trống đồng và thạp đồng là tiêu biểu.

“Cách đây mấy tháng, nhiều chuyên gia cổ vật đến thẩm định và khẳng định rằng chiếc bình vôi bằng vàng này hội đủ tiêu chí để được xét là Bảo vật quốc gia. Họ đề nghị tôi làm thủ tục để gửi đến cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Nhưng có lẽ tôi thấy chưa đến thời điểm”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ. Trước sự cởi mở của gia chủ, chúng tôi ướm hỏi, một cổ vật Việt Nam có giá trị như vậy lại hồi hương thành công sao ông không họp báo, giới thiệu đến công chúng để người dân có cơ hội thưởng ngoạn một bảo vật của Việt Nam? Tuy nhiên chủ doanh nghiệp đang sở hữu chiếc bình vôi bằng vàng có niên hiệu Sùng Khang năm thứ 3, thời Mạc Mậu Hợp này lại lảng tránh, đưa đôi mắt nhìn xa xăm vào những cổ vật đang trưng bày trong tủ kính phía góc nhà.

Nói về cổ vật này, TS Phạm Quốc Quân cho hay là ông có biết, thậm chí là biết rất rõ: “Đứng trước một bảo vật quý, tôi không khỏi bận lòng suy nghĩ về lý do ra đi của cổ vật hoàng cung và trân trọng về ý thức trách nhiệm với cổ vật ấy, khi nó trở về từ một đất nước giàu có, sở hữu từ một nhà sưu tầm giàu có. Với tôi, chủ doanh nghiệp này như một đại diện cho một thế hệ hôm nay, sám hối cho một thế hệ đã qua, trên lĩnh vực cổ vật, bằng một việc làm có nghĩa lớn đối với di sản văn hóa Việt Nam đang trôi nổi ở xứ người, chưa có vị trí xứng tầm với lai lịch mà nó được khai sinh”.

Khế ước âm thầm

Chúng tôi cũng đã tiếp cận một ông chủ trang trại trồng hoa, đồng thời là người mê đắm cổ vật Việt. Cách đây chừng sáu năm, ông đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua từ nước ngoài về một chiếc thạp đồng Đông Sơn.

Giới sành cổ vật đánh giá, đây có thể coi đó là chiếc thạp đẹp và lớn thứ hai, sau thạp Đào Thịnh (Yên Bái), hiện là Bảo vật quốc gia, đang được trưng bày và phát huy ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Và đây chắc chắn là chiếc thạp thứ 34 trong phức hợp thạp có nắp đậy, đã từng phát hiện ở Việt Nam từ xưa tới nay trong văn hóa Đông Sơn. Loại hình ấy chỉ có số lượng khiêm tốn, 35/235 thạp có nắp và không nắp đã được bước đầu thống kê từ văn hóa Đông Sơn, vốn là một trung tâm luyện kim và đúc đồng nổi tiếng thời sơ sử Đông Nam Á, gồm cả Nam Trung Quốc hiện nay. Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong nhiều câu chuyện cổ vật hồi hương mà báo chí chưa thể biết và tiếp cận.

Vậy đâu là nguyên nhân những cổ vật Việt Nam hồi hương theo cách “áo gấm đi đêm” khiến ít người biết đến? Một nhà sưu tầm cổ vật ở Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, giới sưu tầm cổ vật cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn có một luật bất thành văn là, nếu ai đó mua được cổ vật có giá trị thì thông tin chỉ lưu hành “nội bộ”. Quá lắm sẽ tổ chức một cuộc thưởng ngoạn nho nhỏ trong phạm vi người chơi cổ vật, chứ ít khi tổ chức họp báo giới thiệu đến công chúng. Vì thế mới có chuyện báo chí ít khi nắm được thông tin. Ngoài ra, cũng có những nguyên do khác nữa mà nói ra e không tiện, ví như người sưu tầm cổ vật trong nước mua ở nước ngoài về một cổ vật Việt Nam góp phần làm cho kho tàng cổ vật nước nhà được bổ khuyết thì họ có được vinh danh, có được ưu đãi hay lại bị phiền hà.

“Cho đến nay, sau vụ đấu giá và đưa về nước chiếc xe kéo tay ở Huế, chúng ta mới có chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu cổ vật Việt Nam, ngoài ra chưa có một hình thức động viên nào khác. Đó là chưa nói đến việc miễn giảm thuế cũng còn chuyện này chuyện khác và thủ tục nhiêu khê. Vì thế, anh em chơi cổ vật có quy ước ngầm là, hiện tại chỉ cần trong giới yêu thích và sưu tầm cổ vật biết là đủ”, nhà sưu tầm cổ vật ở Hà Nội cho hay. Thế mới thấy, cổ vật dù là di sản quý giá của dân tộc, nhưng để hồi hương loại hình di sản này thì không hề dễ dàng chút nào!

Bài 3: Đi tìm "khoảng trống"...

TS PHAN THANH HẢI - NGUYỄN HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top