Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Từ “nô lệ máy móc” có đến “nô lệ AI”?

Thứ Sáu 07/04/2023 | 11:04 GMT+7

VHO- Sau khi truyền thông giới thiệu về ChatGPT, nhiều người vì tò mò, vì vốn vẫn say sưa tiếp nhận kiến thức với sự hỗ trợ của công cụ ra đời từ công nghệ thông tin (Information Technology - IT) nên đã tỏ ra hào hứng.

 Một cảnh trong phim “Thời đại tân kỳ

 Lập tức mạng xã hội xuất hiện một số trang quảng bá hấp dẫn mời đăng ký tài khoản ChatGPT có thu phí. Qua mạng xã hội, có thể tiếp xúc nhiều ảnh chụp lại câu trả lời từ ChatGPT. Thí dụ, bới câu hỏi “Tố Hữu là ai?”, ChatGPT trả lời: “Tố Hữu là một nhân vật trong thần thoại Trung Quốc, là một vị thần của may mắn và thành công. Ông được miêu tả là một người cao to, có một bộ râu đen và một cái mũ trắng. Ông được coi là một trong những vị thần của sự may mắn và thành công nhất trong thần thoại Trung Quốc”.

Liệu có thay thế được trí tuệ con người?

Với yêu cầu, “viết một bài văn về nhân vật Chí Phèo của Nam Cao”, ChatGPT viết: “Chí Phèo là một nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Anh ta được miêu tả là một người đàn ông giàu có và tài giỏi, nhưng lại có tính cách tham lam và nhạy bén. Chí Phèo luôn tìm cách làm cho mình có đồ và tiền bạc nhiều hơn, dù phải làm mọi thứ, cho đến việc lấy tiền từ người khác. Tuy nhiên, Chí Phèo cũng có một bên tốt và nhân hậu. Anh ta rất quan tâm đến gia đình và những người thân của mình, và sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai mà họ cần giúp. Tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao cho thấy rằng, một người có thể có tính cách tốt và xấu trong cùng một lúc, và chúng ta cần phải nhìn xa hơn để hiểu được một người như thế nào. Trong tác phẩm, Chí Phèo cũng đại diện cho những người có tính cách tham lam và nhạy bén, và cho thấy rằng, sự tham lam và nhạy bén có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ cho chính mình và cho người khác”.

Còn Tiến sĩ Văn học HTV cho biết: “Chị gửi bài thơ được tặng năm 17 tuổi rằng “Trái tim em như chiếc xe bus - Lắc lư đầy đàn ông - Con đường tình yêu lởm chởm những ổ gà - Tôi cọc cạch vòng xe rỉ sét - Đạp vào hư không”, và đề nghị ChatGPT phân tích. ChatGPT trả lời bài thơ là của Trần Đăng Khoa, rồi phân tích rất buồn cười. Trong khi đó, ngoài người viết và người được tặng, bài thơ chưa từng xuất hiện trong bất kỳ văn bản in ấn nào, cũng chưa từng xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào!

Giải thích hiện tượng trên đây, có ý kiến cho rằng đến nay kho dữ liệu của ChatGPT còn ít dữ liệu tiếng Việt. Muốn ChatGPT trả lời chính xác cần phải hỏi bằng tiếng Anh. Nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên căn cứ vào các thí dụ trên có thể thấy tuy dữ liệu tiếng Việt còn ít nhưng ChatGPT không tự giới hạn trong trong số dữ liệu còn ít đó, mà vẫn phán bừa để đưa ra thông tin kỳ quặc. Tức là ChatGPT không tự ý thức (hoạt động tinh thần chỉ có ở con người) về nội dung mà công cụ này thực hiện. Nhiều năm nay, AI (Artificial Intelligenc - Trí tuệ nhân tạo) đã trở thành khái niệm không xa lạ trong hoạt động sống của con người. Thành tựu do AI mang lại có đóng góp cực kỳ to lớn đối với sự phát triển. Nhưng quan sát trên diện rộng, dường như ở Việt Nam, “cơn sốt” ChatGPT được khơi dậy chủ yếu từ thói hiếu kỳ, “đồng hồ của Tây làm ra có bao giờ sai”, thậm chí tâm thế “nô lệ AI”. Nên không ngẫu nhiên, lập tức có người kinh doanh kiếm lời. Tuy nhiên rồi đây kho dữ liệu của ChatGPT lên đến hàng trăm tỉ tham số khác nhau, liệu có thay thế được trí tuệ con người? Hơn nữa để sinh tồn, bên trí tuệ, con người cần cả trái tim, mà trái tim thì không máy móc nào có thể thâm nhập, hòa cảm, bao quát (trừ trường hợp bác sĩ can thiệp để chữa bệnh).

 Một đoạn ChatGPT trả lời: “Tố Hữu là ai”

AI tài giỏi đến đâu cũng không thể có được

Qua Google có thể thấy với sự kiện, vấn đề, hiện tượng,... cần tìm hiểu, khảo sát, Google cung cấp nhiều thông tin khác nhau, trong đó có thông tin sai lạc, quan điểm trái ngược. Bởi thế cần khai thác từ nhiều nguồn để so sánh, đối chiếu, sàng lọc, lựa chọn,... chứ không thể “Google bảo gì nghe nấy”. Đặc biệt khi cần thiết có thể phản biện. Tức là, nếu chủ động và tích cực, người khai thác thông tin từ Google không bị đánh mất tư cách chủ thể tiếp nhận sáng suốt, sáng tạo.

Qua một số bài viết về ChatGPT và một số câu trả lời của ChatGPT, dường như với việc đưa ra kết quả chưa biết đúng sai, ChatGPT không phải là hệ thống mở như Google mà là hệ thống khép kín, người sử dụng ChatGPT chưa được tạo cơ hội để so sánh, đối chiếu sàng lọc, lựa chọn, phản biện, sáng tạo...? Thiếu tri thức nền tảng, thiếu chủ kiến, không động não suy nghĩ mà chỉ dựa vào thông tin do ChatGPT cung cấp rất dễ lâm vào tình trạng “nô lệ AI”. Tức là ỉ lại, coi thông tin do AI cung cấp là kiến thức cơ bản, kết luận cuối cùng.

Thật ra trong lịch sử cũng đã có tình trạng “nô lệ trí tuệ”. Như ở Việt Nam quan điểm “ôn cố tri tân” (ôn cũ biết mới), lối tư duy từ điển, học hành và suy nghĩ kinh viện, thi cử theo văn mẫu,... chính là một số dạng thức khác nhau của “nô lệ trí tuệ”. Dù vậy, các dạng thức này vẫn có lối mở để con người phản biện, bác bỏ, biến đổi, phát triển. Còn với ChatGPT, chẳng lẽ lại “cãi nhau với máy”?

Thêm nữa, lương tâm là một trong các giá trị tinh thần chỉ có ở con người, và AI tài giỏi đến đâu cũng không thể có được. Mà như F. Rabelais đã nói thì “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn”.

Lại nhớ thời công nghiệp hóa đẩy con người vào tình trạng “nô lệ máy móc”, Charles Chaplin làm phim Modern Times (Thời đại tân kỳ) để cảnh báo, giờ đến thời AI và xuất hiện nguy cơ có thể đẩy con người vào tình trạng “nô lệ AI” liệu rồi đây có người nào đó sẽ làm một bộ phim tương tự? 

 Nhà phê bình NGUYỄN HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top