Sắt son, vẹn tròn: Ghi chép cá nhân góp phần nghiên cứu lịch sử Việt Nam

VHO- Sắt son, vẹn tròn - cuốn hồi ký của cố lão thành cách mạng Trần Văn Mạc về quá trình hoạt động cách mạng đi đến khởi nghĩa năm 1945, tuy là những ghi chép dưới góc nhìn cá nhân, song được nhận định là một nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, đồng thời giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Sắt son, vẹn tròn: Ghi chép cá nhân góp phần nghiên cứu lịch sử Việt Nam - Anh 1

 Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Văn Mạc đã dành một phần lớn để tri ân những người đã cùng mình vào sinh ra tử

Thời gian gần đây, con cháu của nhiều đồng chí cán bộ đã qua đời dần có ý thức bảo quản cẩn thận tư liệu gắn với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của thế hệ cha ông và biên soạn thành sách. Việc làm ý nghĩa này, theo TS Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giúp toàn xã hội hiểu biết thêm về tinh thần cống hiến vì dân, vì nước của các bậc tiền bối.

Đồng quan điểm với TS Phạm Việt Long, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa nhận định, việc các gia đình những người có công với đất nước lưu giữ và chia sẻ những di sản ký ức của ông cha mình là một thay đổi lớn trong nhận thức. Cuốn sách về đồng chí Trần Văn Mạc do NXB Hội Nhà văn ấn hành cũng nằm trong xu thế chung đó.

Tái hiện bầu không khí lịch sử qua gần 400 trang hồi ký

TS Trần Lê Hưng, cháu nội của đồng chí Trần Văn Mạc kể lại, từ khi ông mất, gia đình đã lưu giữ toàn bộ kỷ vật của ông, đặc biệt là tài liệu chép tay, giấy tờ tùy thân như bệnh án, lý lịch đảng viên… trong chiếc cặp năm xưa ông thường dùng đi công tác. Đến năm 2006-2007, gia đình đã bắt đầu biên soạn lại những ghi chép năm xưa của ông vào máy tính, để có thể lưu trữ tốt hơn.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Văn Mạc dành một phần lớn để tri ân những người đã cùng mình vào sinh ra tử, và cả những người ông chưa biết tên, chỉ xuất hiện thoáng chốc, như đưa ông viên thuốc, phần cơm nơi ngục tù, tiếp thêm cho ông sức mạnh và ý chí chiến đấu… Những câu chuyện cảm động về tình người, tình đồng chí trong kháng chiến cho bạn đọc thấy được, để đi đến thắng lợi trong công cuộc giành lại chính quyền tại thành phố Nam Định, đóng góp cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 cần có sự đoàn kết, chung sức của toàn quân, toàn dân. Trong đó, không chỉ có những người xông pha trận mạc, mà còn cả những người không may mắn vượt qua được đòn roi tra tấn nơi nhà tù thực dân, đế quốc, những người thầm lặng hỗ trợ các chiến sĩ, tù chính trị… chưa được sử sách “nhớ mặt, đặt tên”.

Chưa hết, cuốn sách cũng đề cập nhiều đến sự vận động của xã hội, sự đổi mới của văn hóa đương thời. Một trong những sự biến chuyển về văn hóa được thể hiện rất rõ qua “đám tang kiểu mẫu theo lối mới”. Từ nghi thức tang chế ấy, độc giả sẽ nhận diện được đám ma “kiểu mẫu” là như thế nào, và “lối mới” khác gì lối truyền thống xưa cũ, để rồi, có cái nhìn bao quát về thời cuộc, tư duy của con người có gì đổi mới so với trước.

Dòng sự kiện lịch sử còn được nối dài sau ngày giành lại chính quyền, khi các trang viết của ông Mạc mô tả rất chi tiết tình hình chính trị bấy giờ và công cuộc quản lý chính quyền sau cách mạng. Cụ thể, các đồng chí cán bộ đã phân công nhau làm nhiệm vụ gì, đưa ra những quyết sách mới nhằm hỗ trợ nhân dân, tô thuế điều chỉnh ra sao, cách đối xử với quân Nhật, Pháp và tay sai, cách giải quyết đồng tiền của người Hoa kiều…

Từ ký ức cá nhân đến công tác nghiên cứu lịch sử

PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho rằng, người Việt Nam không phải ai cũng có ý thức ghi chép, nên ký ức thành văn không có nhiều. Chính vì vậy, việc đánh mất ký ức xảy ra ở nhiều người, khi mà ký ức tưởng rằng vốn đã yên vị trong trí nhớ, nhưng một thời gian sau, có những sự kiện khác xuất hiện nối tiếp, che mờ đi sự kiện trước đó. Đây là một điều bất lợi cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ thêm, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho biết, những tư liệu chép tay có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, bởi các sự kiện trong chính sử không bao giờ được bộc lộ hết. Những ký ức trong quá khứ được cá nhân chép tay có ý nghĩa bổ sung cho mảng còn thiếu khuyết trong sử sách chính thống. Dữ kiện được cung cấp bởi các nguồn tư liệu chép tay có sự trung thực trong đó, bởi chúng là những thể nghiệm của chính bản thân người cầm bút và được kiểm duyệt bởi chính lương tâm của họ.

TS Phạm Việt Long đánh giá, có nhiều cách thức nghiên cứu lịch sử, trong đó, tiêu biểu nhất và có cơ sở đáng tin cậy nhất là dựa trên tư liệu chính thống của những sử gia thời trước biên soạn thành các bộ chính sử. Cùng với đó là dòng lịch sử được truyền miệng trong dân gian qua các câu ca dao, hò, vè với vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc. Như câu “Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”, ý nói dưới thời Minh Mạng (1820-1840), có chỉ dụ cấm đàn bà ở Bắc Kỳ mặc váy, phải mặc quần hai ống giống phụ nữ Nam Kỳ.

Đi giữa dòng chính thống và dòng dân gian là những tư liệu ghi chép của những cá nhân, tuy là viết dưới góc nhìn chủ quan, nhưng cũng rất trung thực. TS Phạm Việt Long nhận thấy, mục đích ghi chép ban đầu của các vị tiền nhân đơn giản xuất phát từ mong muốn, nhu cầu ghi cái gì họ thấy, họ làm, họ nghĩ… không nhằm công bố rộng rãi.

Dòng lịch sử dựa trên những tư liệu ghi chép của cá nhân mang tính sinh động, không khô cứng như dòng chính sử tập trung nhiều sự kiện. Nó có tính tự sự, có tâm trạng riêng, cuộc đời riêng của những con người tham gia vào tiến trình lịch sử. Theo ông, dòng lịch sử “trung gian” này có giá trị tham chiếu rất lớn, đóng góp chung vào dòng chảy lịch sử của quốc gia, dân tộc. Dẫu biết không thể thay thế chính sử, nhưng có thể bổ trợ và đem đến cho người đọc cái nhìn rộng hơn về một thời kỳ, giai đoạn trong tiến trình phát triển của đất nước. 

 Vài nét về tác giả - cố lão thành cách mạng Trần Văn Mạc

Ông Trần Văn Mạc (1908-1996), sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, tỉnh Nam Định (nay là phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Sinh thời, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (1961), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1984), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì (1985), Huy chương Vì sự nghiệp Lao động, Thương binh và Xã hội (1995).

 NAM SƠN

Ý kiến bạn đọc