Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Để hương Trầm Vạn Thắng bay xa

Chủ Nhật 30/04/2023 | 09:37 GMT+7

VHO- Làng nghề Trầm hương xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không chỉ nức tiếng xa gần với các sản phẩm chất lượng từ trầm hương, mà còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du khách tham quan Nhà trưng bày sản phẩm Trầm hương xã Vạn Thắng

 Để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, hiện UBND huyện Vạn Ninh đang triển khai các bước xây dựng điểm du lịch gắn với Làng nghề Trầm hương, qua đó nâng cao thu nhập, đời sống người dân nơi đây…

Cần đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch

Gia đình ông Dương Văn Trung (thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng) có 5 nhân khẩu đều làm nghề xoi Trầm. Trước đây, bố mẹ ông làm nghề này và đến thế hệ ông tiếp tục kế nghiệp với hơn 30 năm gắn bó với nghề. Theo ông Trung, nghề xoi Trầm ngày càng phát triển với 3 dòng sản phẩm là trầm nguyên liệu, trầm mỹ nghệ và hương trầm. Các sản phẩm cũng ngày càng được chế tác tinh xảo, đẹp mắt và mang giá trị cao, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chính vì vậy, nghề này giúp đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho gia đình ông. “Mấy năm gần đây, khách du lịch tìm đến làng nghề tham quan, trải nghiệm và mua sản sản phẩm ngày càng nhiều, nhất là khách Trung Quốc, Hàn Quốc… Do đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có định hướng, đầu tư và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề. Qua đó, giúp người dân làng nghề gìn giữ, mở rộng và phát huy giá trị của sản phẩm trầm hương, tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện gia đình tôi cũng đã cho con gái út đi học tiếng Trung, nhằm tạo thuận lợi cho việc giao tiếp, trao đổi và hướng dẫn du khách. Nếu làng nghề mà phát triển thêm du lịch thì sẽ tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp sản phẩm của địa phương được quảng bá đi nhiều nơi trên thế giới”, ông Trung chia sẻ.

Hiện Làng nghề Trầm hương xã Vạn Thắng có khoảng 400 hộ với hơn 700 nhân khẩu làm nghề xoi trầm. Đây là nghề cha truyền con nối đến nay đã hơn 100 năm. Ông Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng cho biết, trước đây các hộ làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị cao. Từ đó, đầu ra sản phẩm được mở rộng, giúp nâng cao thu nhập cho bà con. Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận công nhận Làng nghề. Đến năm 2019, Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng được thành lập và trở thành điểm kết nối, giao lưu, trao đổi, hỗ trợ, học tập kinh nghiệm của người dân. Đến năm 2021, sản phẩm Trầm cảnh mỹ nghệ được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Đặc biệt, những năm gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước tự tìm đến làng nghề và một số doanh nghiệp đưa khách du lịch tới tham quan làng nghề và họ rất thích thú trải nghiệm, mua sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư bài bản nên hoạt động nay chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi rất cần thiết và đó cũng là mong muốn của bà con...

Khai thác theo hướng bền vững

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, để từng bước phát triển làng nghề gắn với du lịch, các ban, ngành của địa phương đang tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện kế hoạch xây dựng điểm du lịch gắn với Làng nghề Trầm hương xã Vạn Thắng giai đoạn 2022-2025. Việc xây dựng điểm du lịch nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ cảnh quan môi trường. Mục tiêu sẽ hình thành điểm du lịch trung tâm gắn với làng nghề theo mô hình chuỗi liên kết trên cơ sở quy hoạch, cải tạo và xây dựng một số công trình hỗ trợ phát triển du lịch; củng cố, kiện toàn Trung tâm để điều phối, quản lý, thúc đẩy mô hình du lịch - sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hình thành các cơ sở sản xuất, hộ gia đình liên kết sản xuất được đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phục vụ tham quan, trải nghiệm làng nghề cho du khách. Tại những hộ này sẽ sản xuất các công đoạn hoặc sản phẩm khác nhau. Du khách sẽđược hướng dẫn viên đưa đi tản bộ, tham quan vừa đểtrải nghiệm cảnh quan, đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người dân trong làng, vừa tận mắt chứng kiến quátrình sản xuất tạo ra sản phẩm, trải nghiệm làm nghề và mua sắm những mặt hàng yêu thích. Cùng với đó, tạo điều kiện phát triển các homestay, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu của du khách...

Bên cạnh đó, từng bước đầu tư trang thiết bị, máy móc nhằm nâng cao số lượng, chất lượng sản xuất các sản phẩm của làng nghề. Hàng năm tổ chức các khóa đào tạo, truyền nghề cho người dân. Chú trọng phát triển sản phẩm của làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổ chức liên kết với các vùng nguyên liệu trồng cây gió bầu trong và ngoài tỉnh nhằm đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề; từng bước khai thác khách du lịch trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 3.000 lượt khách du lịch/năm vàduy trì mức tăng trưởng bình quân đạt từ 15%/năm…

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, xây dựng điểm du lịch gắn với Làng nghề Trầm hương là một hướng đi rất thiết thực, giúp phát triển làng nghề, tạo đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, hiện địa phương đang tập trung triển khai để từng bước hình thành nên điểm du lịch làng nghề. Trong đó kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác theo hướng bền vững, bảo đảm đôi bên cùng có lợi. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm, bãi đổ xe, hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải bảo vệ môi trường, cảnh quan, chỉnh trang, trồng cây xanh tại các đường nội bộtrong thôn… Với định hướng đó, trong thời gian không xa, Làng nghề Trầm hương Vạn Thắng sẽ trở thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. 

NAM GIANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top