Ứng dụng hay bị lấn sân?

VHO- Thời gian gần đây, ứng dụng vận dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT gây ra cuộc tranh luận rất sôi động và đầy ý kiến trái ngược nhau trên thế giới. Cũng từ khá lâu nay rồi, trí tuệ nhân tạo đã thể hiện rõ ràng và thuyết phục đến mức không ai còn nghi hoặc về năng lực sáng tạo, tổng hợp, phân tích và thể hiện về mọi chủ đề nội dung khác nhau. Vì thế, việc trí tuệ nhân tạo tung tác trên lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật chỉ là vấn đề thời gian. Điều này có thể thấy ở hai vụ việc vừa mới xảy ra.

Ứng dụng hay bị lấn sân? - Anh 1

 Bức ảnh được trao giải thưởng Sony World Photography Award

 

 Chuyện thứ nhất, nhiếp ảnh gia người Đức Boris Eldagsen được trao giải thưởng nhiếp ảnh Sony World Photography Award về một bức ảnh, nhưng rồi từ chối nhận giải thưởng này. Lý do được nhiếp ảnh gia kia đưa ra là bức ảnh được trao giải thưởng có tác động sáng tạo của trí tuệ nhân tạo, có nghĩa cả nhiếp ảnh gia và trí tuệ nhân tạo cùng nhau làm nên tác phẩm nghệ thuật, cùng là tác giả theo đúng nghĩa đen và định nghĩa về pháp lý. Nhiếp ảnh gia này quả quyết hoàn toàn không có ý định gian dối gì mà chỉ chủ ý khuấy động sự quan tâm chung tới tác động và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo có thể đưa lại những thay đổi gì trên lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Hiệu ứng trực tiếp trước hết là trí tuệ nhân tạo có thể đánh lừa ban giám khảo dễ dàng như thế nào.

Chuyện thứ hai, xảy ra trên lĩnh vực âm nhạc. Những ngày vừa qua đã có hàng triệu lượt truy cập bản nhạc “Heart On My Sleeve” do Drake và The Weeknd song ca. Bài hát này ra đời năm 1976. Drake và The Weeknd đều lừng danh trong thế giới âm nhạc, nhưng chưa từng ca chung bất cứ nhạc phẩm nào. Sự thật ở đây là trí tuệ nhân tạo đã làm nên bài song ca đó, bắt chước giọng ca của hai bên, tìm ra được cách và tông phối thích hợp để ghép và kết quả là đưa lại được bản phối song ca hay đến mức rất nhiều triệu người hâm mộ truy cập và tải về chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Các trang web và nền tảng đưa lên bài song ca này, về sau phải gỡ xuống hết vì bị cảnh báo về vi phạm bản quyền. Trí tuệ nhân tạo bị cáo buộc đã “lấy cắp giọng ca” của các nghệ sĩ.

Hai câu chuyện này đặc trưng cho hai cách thức hiện diện và tung tác của trí tuệ nhân tạo trên lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật là ứng dụng và lạm dụng trí tuệ nhân tạo. Dựa trên những gì đã có được và đã “học được”, trí tuệ nhân tạo sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm văn hóa mới. Những tác phẩm và sản phẩm này có hay hay không hay, có giá trị hay không giá trị về nghệ thuật là chuyện khác. Vấn đề đáng và cần được đề cập ở đây là trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tạo nghệ thuật và làm văn hóa, làm những công việc mà trong nhìn nhận truyền thống xưa nay của con người thì vốn chỉ có con người với cảm nhận đặc thù của con người mới làm nổi. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tỷ trọng của con người và của trí tuệ nhân tạo là bao nhiêu trong sáng tạo làm nên tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm văn hóa. Phần thưởng giành cho tác phẩm nghệ thuật thuộc về con người hay thuộc về trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể làm nên những bản phối chinh phục hàng triệu khán thính giả như thế thì triển vọng tương lai của lĩnh vực âm nhạc rồi đây sẽ như thế nào và giới nhạc sĩ, ca sĩ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Cho dù trí tuệ nhân tạo được ứng dụng, hay trí tuệ nhân tạo lấn sân trên lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật thì giới văn hóa và nghệ thuật, những người thưởng thức nghệ thuật và trải nghiệm văn hóa đều phải nhận thấy không còn có thể như trước nữa trong cách tiếp cận và nhận thức, trong sáng tạo và trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật. Tất cả phải làm quen và phải chung sống với kẻ vô hình và luôn có thể gây bất ngờ là trí tuệ nhân tạo trên những lĩnh vực này. 

 MINH PHẠM

Ý kiến bạn đọc