Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sách trong đời sống báo chí - xuất bản trước 1945: Kịch tác gia sáng giá và ông chủ xuất bản nhạy bén

Thứ Tư 03/05/2023 | 10:10 GMT+7

VHO- Nửa đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội thuộc địa và trên tiến trình hiện đại hóa đời sống văn chương - học thuật Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt mới, đó là các doanh nhân trên lĩnh vực văn hóa. Họ đã góp phần khai mở và tổ chức nên đời sống văn hóa, báo chí, xuất bản sôi động trong ngót 40 năm, tính từ thập niên đầu thế kỷ XX.

 Vũ Đình Long và vở kịch nói đầu tiên “Chén thuốc độc”

 Là doanh nhân, trong vai trò những chủ báo, chủ xuất bản, họ còn là người thực hiện trực tiếp các ý đồ khai sáng hoặc đổi mới hoạt động văn chương, học thuật ở tư cách học giả, dịch giả, kịch tác gia, nhà văn, nhà thơ. Ba người tiêu biểu trong số đó là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Vũ Đình Long (1896-1960) và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963). Trong bài này, xin được trình bày về một trong ba gương mặt, đó là Kịch tác gia và ông chủ xuất bản Vũ Đình Long: Tác gia kịch nói đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam và là người góp công lớn tổ chức nên thị trường văn chương, trong tư cách ông chủ báo, chủ xuất bản.

Người đặt dấu ấn tiên phong

Ở tuổi 25, Vũ Đình Long đã xuất hiện như một gương mặt tác gia sáng giá với hai vở kịch nói: Chén thuốc độc (in trên Hữu thanh, 8.1921, diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 22.10.1921) và Tòa án lương tâm (Nghiêm Hàm xuất bản, 1923). Hai vở kịch đã làm nên một cuộc cách tân quan trọng đưa sân khấu dân tộc chuyển vào con đường kịch nói, với một diện mạo mới, theo mô hình phương Tây, để từ nay, bên chèo dân gian, tuồng cổ lại có thêm kịch hiện đại.

Cố nhiên, do là kịch bản của tác giả Việt Nam, lấy đề tài trong sinh hoạt thành thị Việt Nam, viết bằng lời văn Việt Nam, nên xét trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, hai vở kịch của Vũ Đình Long vẫn chưa thoát ra khỏi các dấu ấn giao thời. Về nội dung, vẫn là sự phê phán lối sống tư sản hóa trên lập trường đạo đức cũ. Về nghệ thuật, vẫn phải mượn các sự cố ngẫu nhiên để giải quyết các tình huống kịch; nhân vật còn thiếu sự sống tâm lý và thiếu các nét dáng chân thực trong tính cách và số phận.

Thế nhưng tên tuổi Vũ Đình Long không chỉ gắn bó với hai vở kịch chắc chắn đã có thể yên vị và có ngôi vị trong văn học sử.

Từ giữa những năm 1920, khi còn là công chức của Nha Học chính Đông Dương, Vũ Đình Long đã quan tâm đến các hoạt động in ấn và xuất bản, một loại nghề nghiệp mang tính chất kinh doanh và nhằm vào mục tiêu kinh doanh; hoạt động như một nghề tự do trong nền sản xuất tư sản, trong xã hội thuộc địa, mới chỉ xuất hiện ở xứ ta từ đầu thế kỷ XX, và trở nên sôi nổi vào những năm 1920 và 1930.

Năm 1925, Vũ Đình Long mở hiệu sách và lập Nhà in Tân Dân ở 93 Hàng Bông - Hà Nội. Đến 1930, Nhà in Tân Dân chính thức khánh thành sau một quá trình chuẩn bị, với số vốn ban đầu 800 đồng Đông Dương; và với số công nhân được tuyển mộ lúc này mới chỉ có dưới 30 người. Đến 1936, Vũ Đình Long dứt khoát thôi hẳn nghề công chức ở Nha Học chính Đông Dương để trở thành ông chủ Tân Dân. Lần lượt và xen kẽ, ông cho ra đời nhiều tờ báo lớn có khả năng lấn át và bóp chết nhiều loại báo đàn em, đó là Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1942) ra hằng tuần, 60 trang, giá 5 xu (Nguyễn Công Hoan sợ không bán được nhưng hóa ra rất chạy); Ích hữu (1937- 1938) cũng ra hằng tuần, là tờ chuyên văn học, gồm nhiều mục hấp dẫn và nhiều minh họa; Tạp chí Tao đàn (1939), ra hằng tháng, giá 25 xu; Tủ sách Truyền bá cho thiếu nhi (1941-1943) 30 trang, 30 xu... Không kể ông còn cho ra không đều kỳ các loại: Sách học, Quốc âm dẫn giải, Những tác phẩm hay...

Ấn phẩm gồm sách, báo của Vũ Đình Long có đại lý ở khắp Đông Dương; với tỷ lệ hoa hồng từ 8-10%, quan hệ giữa chủ và các đại lý hòa thuận, sức tiêu thụ các sản phẩm của nhà Tân Dân là khá nhanh.

Chiêu mộ và trọng đãi người tài

Là ông chủ, Vũ Đình Long rất khôn ngoan trong việc chiêu mộ và tập hợp các lực lượng viết văn tự do, đã trở nên đông đúc vào những năm 1930 của thế kỷ XX. Lực lượng viết và dịch chữ Hán gồm: Mai Đăng Đệ, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Can Mộng, Nhượng Tống, Phan Khôi, Tản Đà, Trúc Khê, Nguyễn Đỗ Mục, Phùng Tất Đắc... Lực lượng làm báo, viết văn quốc ngữ thực sự là đông và thuộc nhiều xu hướng: Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Leiba, Tchya, Thanh Châu, Ngọc Giao, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân... Với lực lượng hùng hậu và đa tài đó, Vũ Đình Long có đủ sức nuôi sống cùng lúc nhiều tờ báo lớn do ông chủ trương; và có khả năng lấn át nhiều tờ báo, nhiều nhà xuất bản kém thế. Ông có đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với Tự lực văn đoàn ở địa chỉ 80 Quan Thánh, là nhóm văn học được tiếng là hùng mạnh, và tỏ ra có nhiều ưu thế và uy thế lúc này.

Có cái nhìn xa, ông biết cách chiêu mộ và trọng đãi người tài, ngay cả khi họ chưa nổi danh; biết cách tích trữ bản thảo để luôn luôn có vốn bản thảo tung ra thị trường khi khan hiếm, khi cần đến hoặc khi có dịp; biết cách sử dụng lao động trong nhiều dạng loại (làm công ăn lương trong “biên chế” tòa soạn như Ngọc Giao, nhận thầu như Vũ Bằng, hoặc định kỳ mua bản thảo cho số đông người viết có tên tuổi) và biết cách trả công theo giá trị của sản phẩm để sao cho việc chi ít có thể đem lại thu nhiều.

Trong quan hệ với các nhà văn ông có những cách chơi riêng. Chẳng hạn với Nguyễn Công Hoan, thuộc trong số cộng sự mà ông tin cậy và nể trọng, người mà số lớn đầu sách quan trọng như Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Kép Tư Bền, Cô giáo Minh... đều được đăng liên tiếp trên Tiểu thuyết thứ bảy hoặc Phổ thông bán nguyệt san, cũng là người đã có lần bị ông dụ vào việc ký một hợp đồng, để suốt đời ràng buộc với ông. Cố nhiên, Nguyễn Công Hoan đã không khó khăn tránh được cái bẫy ấy. Thế nhưng, việc nhà văn hỏi vay tiền thì ông không bao giờ từ chối; thậm chí ông còn là người hào phóng khi nhận trả góp cho nhà văn món nợ 1.000 đồng; món tiền lớn này cho mãi đến sau 1945, Nguyễn Công Hoan vẫn mới chỉ trả được hơn một nửa; và đã được Vũ Đình Long bằng lòng xóa nợ sau 1954.

Qua giới thiệu của Nguyễn Công Hoan, ông biết “chọn mặt gửi vàng” nơi Tô Hoài, để có Con Dế Mèn và tiếp đó là Dế Mèn phiêu lưu ký. Sau khi Tô Hoài đã quen biết và biết cách “viết như chạy thi”, đã có sự tin cậy để hằng tháng đến Tân Dân nhận tiền và giao bản thảo, ông biết đón cả Nam Cao - thường đi kèm Tô Hoài, lúc này đang là cây bút mới, còn rất rụt rè...

Không chỉ làm báo, in tiểu thuyết, Vũ Đình Long còn mạnh dạn mở rộng sự kinh doanh sang địa hạt phê bình. Bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan gồm 4 quyển, 5 tập, trên 1.500 trang cũng được in ở nhà Tân Dân ròng rã ngót 4 năm theo sự tính toán rất thực tế của Vũ Đình Long, và tất nhiên với sự thỏa thuận của tác giả.

Trong công việc kinh doanh, Vũ Đình Long cũng không quên mở rộng quy mô nhà in và trang bị mới kỹ thuật in ấn. Từ 1937, ông cho phá nhà in cũ, xây nhà in mới, mua chữ mới, máy mới ở Pháp để có thể phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và lấn át nhiều nhà in đương thời như T.B Cay (Hoa kiều) ở Sinh Từ, Minh Sang ở Bờ Hồ, Ngô Tử Hạ ở Nhà Thờ, Văn Hồng Thịnh và Lê Văn Tân ở Hàng Bông, không kể các nhà in nhỏ. Số công nhân làm việc ở Tân Dân, từ con số ba chục có lúc lên đến vài trăm. Mô hình Vũ Đình Long theo đuổi là Editions Flammarion và Librairie Hachette ở Pháp. Từ số vốn ban đầu là 800 đồng cho đến khi phát triển thành ông chủ, Vũ Đình Long đã có một tài sản lớn, chỉ riêng máy móc đã có giá 1 triệu 20 vạn đồng.

Cuộc ra đi lặng lẽ

Từ khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, các luồng đường giao thông huyết mạch ở Đông Dương đều bị ách tắc; và khi Mỹ ném bom vào chợ Hàng Da làm cho Nhà in Tân Dân ở góc Hàng Da - Quán Sứ bị sạt mái, ông đành chuyển hoạt động về quê Mục Xá, Thanh Oai. Từ 1943, hoạt động của ông chủ Tân Dân tiêu điều dần.

Vũ Đình Long mất ở Hà Nội năm 1960, khi miền Bắc sau mấy năm khôi phục kinh tế đang tiến hành công cuộc hợp tác hóa và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân. Kể cũng buồn cho một cuộc ra đi lặng lẽ của một người có ngót 40 năm hoạt động trên cả hai lĩnh vực văn học và sân khấu; hơn thế, người đã có một cuộc sống trong quan hệ thật rộng rãi với khá đông giới sáng tác, trong đó có không ít tên tuổi tiêu biểu cho văn học những năm 1930 của thế kỷ XX. Bởi lẽ, hoạt động rất đáng được ghi nhận của Vũ Đình Long, ngoài tư cách là người sáng tác còn là người tổ chức, kinh doanh, góp phần tạo nên diện mạo văn học thời kỳ 1930-1945 trong tư cách người chủ báo, chủ nhà in, chủ xuất bản, gắn với địa chỉ số nhà 93 phố Hàng Bông - Hà Nội. 

GS PHONG LÊ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top