Trẻ hóa người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

VHO- Đội ngũ người có uy tín được ví như những “cánh chim đầu đàn” trong phát triển chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để công tác này phát huy hiệu quả cao nhất, rất cần thêm sự chung tay của những người trẻ có uy tín.

Trẻ hóa người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS - Anh 1

 Phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS cần đến sự chung sức của đội ngũ người có uy tín trẻ tuổi Ảnh: K.ANH

Tuy nhiên, việc lựa chọn thế hệ trẻ vào đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng hiện không đơn giản và còn nhiều bất cập…

Tiêu chí rộng mở, nhưng hẹp lựa chọn

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6.3.2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, đối tượng được bình bầu khá rộng gồm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành; có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước, đã nghỉ công tác; già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người được đồng bào mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS (Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Công giáo...); nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm…

Theo Quyết định trên, hiện không có bất kỳ tiêu chí nào quy định về độ tuổi, giới tính mà chỉ quy định về trình độ chuyên môn phải đảm bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, người có uy tín tại các địa phương hiện nay thường là người cao niên với độ tuổi từ 60 trở lên. Cá biệt không ít người đã ngoài 80 tuổi. Theo lý giải, việc lựa chọn “cây cao, bóng cả” để đứng vào hàng ngũ người có uy tín bởi đây là đối tượng có nhiều kinh nghiệm sống; hiểu biết rõ về lịch sử, văn hóa, lối sống của mọi nhà trong thôn, bản. Nhưng trong quá trình triển khai, đội ngũ người có uy tín cao tuổi đã xuất hiện không ít bất cập. Nhiều người không còn đủ sức khỏe để đi tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như giúp sức nâng cao đời sống văn hóa cho người dân... Chưa kể, đội ngũ người cao tuổi đôi khi không am hiểu về công nghệ nên công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Ông Điêu Văn Khang, dân tộc Thái, người có uy tín tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết: “Làm người có uy tín không có gì quá khó, chỉ cần chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật... Đồng thời, vận động bà con nghe theo quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa và nhiều lĩnh vực khác. Thẳng thắn nhìn nhận, người có uy tín là người cao tuổi hạn chế là đi lại khó khăn. Muốn phát triển văn hóa, kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao nhất thì phải đi sâu sát cơ sở để tuyên truyền. Sức trẻ làm việc này tốt hơn chúng tôi rất nhiều nên tôi mong muốn bà con tin tưởng, giao trách nhiệm cho họ”.

Trẻ hóa người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS - Anh 2

 Người có uy tín Điêu Văn Khang (phải) luôn được bà con tin yêu Ảnh: VĂN HOA

Phát huy sức trẻ, tích cực triển khai nhiều giải pháp mới

Theo bà Mai Thị Chuyển, dân tộc Mường, người có uy tín tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, khi đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, Đảng ta đã xác định phải xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa của đồng bào DTTS cũng không nằm ngoài quy luật phát triển ấy. “Muốn tiên tiến thì phải áp dụng công nghệ thông tin. Về vấn đề này, giới trẻ rất thông thạo. Chẳng hạn, xây dựng bộ dữ liệu số về các DTTS, tập trung vào lĩnh vực lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các DTTS... đang là điều đồng bào rất muốn làm để giữ gìn những gì là “hồn cốt” của dân tộc. Với công tác này, đội ngũ người có uy tín cao tuổi sẽ giữ vai trò cố vấn, cung cấp tư liệu. Người có uy tín trẻ tuổi bằng sự thông thạo công nghệ thông tin, tính sáng tạo sẽ số hóa, thậm chí phục dựng những tư liệu đó thành bộ dữ liệu. Có sự kết nối giữa các thế hệ như vậy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mới có hiệu quả”, bà Mai Thị Chuyển nêu quan điểm.

Về phía người có uy tín là người trẻ tuổi, anh Lý Văn Thanh (36 tuổi) ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) mong muốn, người dân cần thể hiện sự tin tưởng, mạnh dạn trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ. Đây là đối tượng có thể ít tuổi nhưng chưa chắc đã ít trải nghiệm, kinh nghiệm. Anh nhớ lại việc vận động tuyên truyền, bình bầu cho cán bộ trẻ thời gian đầu vấp phải sự phản ứng từ phía dân bản: “Họ cho rằng tôi lại dám vượt mặt người đi trước và đi ngược lại tập tục bao đời. Nhất là trong lĩnh vực văn hóa, họ quan niệm phải là các cụ cao niên mới hiểu tường tận. Không nản chí, tôi bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức ngay trong chính gia đình, họ tộc mình. Phát huy sức trẻ, tích cực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền mới, gây ấn tượng, mọi người dần hiểu được vai trò của những người có uy tín trẻ trong nâng cao đời sống văn hóa cho bà con. Hiệu quả thấy rõ là, trước đây cưới xin, ma chay, người dân làm rất rườm rà, tốn kém, sau khi tuyên truyền, vận động, tôi thấy bà con đã hiểu và xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chấp hành các quy định của Nhà nước, thực hiện nếp sống mới”, anh Lý Văn Thanh chia sẻ. 

 ĐÌNH TOÁN - ANH CHI

Ý kiến bạn đọc