Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 2): Là di sản đô thị, nhưng chỉ... trên giấy?

Thứ Tư 10/05/2023 | 11:32 GMT+7

VHO- “Nhìn lại cái đẹp của diện mạo kiến trúc Hà Nội, trong đó có kiến trúc Pháp từ 70, 100 năm trước hay lâu hơn nữa, chúng ta vẫn còn sững sờ. Nhưng buồn thay, đã có những mất mát trong khối di sản kiến trúc đó, cả về vật chất lẫn tinh thần...”, PGS.KTS Đặng Thái Hoàng, nguyên Uỷ viên Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ (1994 -1999), con trai cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai tâm tư chuyện bảo tồn biệt thự cũ ở Hà Nội.

 NSNA Quang Phùng cho Văn Hóa biết, những giá trị của ngôi biệt thự tọa trong xóm Hạ Hồi đang bị lãng quên

 

 Theo ông, giải pháp để níu giữ giá trị hồn cốt của những di sản đô thị này, có một phần quan trọng từ cách ứng xử của chủ nhân những căn biệt thự vốn là chứng nhân của đời sống văn hóa, lịch sử Hà Nội một thời vang bóng.

Lời thì thầm từ quá khứ

Nơi PGS.KTS Đặng Thái Hoàng tiếp chúng tôi là căn nhà vợ chồng ông đang sống, nằm kề biệt thự số 30 Nguyễn Huy Tự (quận Hai Bà Trưng), nơi GS Đặng Thai Mai, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam, đã sống và làm việc trong 30 năm, từ 1954-1984. “Căn biệt thự với gia đình chúng tôi là một di sản vô giá. Ở đó, những kỷ niệm, giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc… đều được giữ gìn nguyên vẹn. Tầng 2 căn biệt thự hiện được sử dụng làm Phòng lưu niệm Đặng Thai Mai, trước đây là nơi bố tôi tiếp khách và làm việc…”.

Nhìn từ bên ngoài, biệt thự cũ của GS Đặng Thai Mai không toát dáng vẻ bề thế như vốn có từ nhiều chục năm về trước. Nhưng có lẽ đây là địa chỉ hiếm hoi trong số hàng trăm biệt thự mang phong cách Pháp ở Hà Nội được chăm chút, bảo tồn đúng nghĩa, đúng cách. KTS Đặng Thái Hoàng cho biết: “Căn biệt thự được TP Hà Nội phân cho bố tôi từ năm 1954. Trước đó, Giám đốc Bưu điện Pháp tại Hà Nội sống ở đây. Ngôi nhà được thiết kế theo trường phái kiến trúc địa phương Pháp. Người Pháp có danh từ “hoài hương”, vì nhớ quê hương mà họ tìm cách đưa những ngôi nhà nguyên vẹn phong cách kiến trúc ở Pháp sang. Nhờ thế, người Pháp sống tại Việt Nam mà như ở quê hương mình. Hiểu tinh thần đó rất quan trọng trong quá trình gìn giữ, phát huy giá trị những ngôi biệt thự dưới góc nhìn di sản đô thị. Với ngôi biệt thự, tôi luôn cố gắng giữ nguyên vẹn hồn cốt, theo đúng khái niệm “tinh thần nơi chốn” trong kiến trúc. Linh hồn của mỗi biệt thự sẽ trở nên vô nghĩa nếu lồng nó vào trong một hình hài kiến trúc khác…”.

Say sưa bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội, KTS Đặng Thái Hoàng cũng là tác giả cuốn sách về đề tài này. Cuộc sống trong ngôi biệt thự số 30 Nguyễn Huy Tự cùng nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc biệt thự Pháp cũ tại Hà Nội đã giúp ông tích luỹ nhiều kinh nghiệm về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị vô giá này. Ông nói, hơn 1000 biệt thự hiện còn tại Hà Nội không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn cấu thành nên tổng thể di sản đô thị. Trong sách “Kiến trúc Pháp ở Hà Nội”, ông viết: “Nói đến kiến trúc nhà ở Hà Nội, không thể không nói đến các biệt thự. Đó là cả một “giấc mộng lớn” của Phương Tây được thực hiện ở Hà Nội, một “nơi chốn”, một “địa danh” của Viễn Đông, nơi mà ngay trong trí tưởng tượng của những công dân trên thế giới, nó vừa mù mờ, vừa sơ khai, lại vừa huyền bí, lãng mạn...”.

Trong khối di sản đồ sộ kiến trúc Pháp tại Hà Nội, có rất nhiều ngôi nhà, biệt thự thuộc quyền sở hữu và là nơi sinh sống của người dân. Nếu như những công trình kiến trúc Pháp cũ thuộc sở hữu của các cơ quan Nhà nước được bảo tồn cẩn thận thì những ngôi biệt thự người dân sinh sống lại đang đặt ra nhiều bất cập. “Không nhận thức giá trị của biệt thự cũ với vai trò là di sản đô thị sẽ rất khó để ứng xử đúng đắn. Tiếp cận với các loại hình biệt thự của Hà Nội có nhiều cách, như tìm hiểu qua phong cách kiến trúc, tìm hiểu qua đánh giá quy mô các toà biệt thự và các khu đất rộng hẹp mà nó toạ lạc, tìm hiểu giá trị của kiến trúc qua vị thế của KTS thiết kế và đánh giá mức độ lâu năm của kiến trúc. Các biệt thự kiểu Pháp đã đem lại cho Hà Nội một dáng vẻ đặc biệt, góp phần tạo nên phong cách của kiến trúc Hà Nội”, KTS Đặng Thái Hoàng chia sẻ.

Bất cập trong bảo tồn di sản đô thị quý giá này của Hà Nội khiến bất kỳ ai quan tâm đến sự tồn tại của những “bảo tàng sống” đó đều nhận thấy tiếng “kêu cứu” từ những ngôi biệt thự cũ kỹ, xuống cấp và biến dạng. KTS Đặng Thái Hoàng cho biết, các chuyên gia quốc tế đặc biệt tôn trọng khối tài sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Đơn cử, các giáo sư Nhật Bản luôn nhận thức rằng kiến trúc Pháp là khối di sản giá trị và cấp thiết phải được bảo tồn. “Trong khi đó, tâm lý bức bối và cách ứng xử không đúng với di sản còn lại này như đang trực tiếp gặm nhấm những giá trị cảnh quan Hà Nội hàng ngày, hàng giờ…”, KTS Đặng Thái Hoàng bức xúc.

 PGS.KTS Đặng Thái Hoàng giới thiệu về những kỷ vật trong căn biệt thự số 30  Nguyễn Huy Tự...

 ...và chia sẻ về việc bảo tồn giá trị ngôi biệt thự này

Ứng xử chừng mực với di sản kiến trúc đô thị

Ở tuổi 92, NSNA Quang Phùng với mái đầu bạc trắng vẫn đau đáu với tình yêu Hà Nội. Ông bền bỉ rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, ghi chép những đề tài mang hơi thở của cuộc sống. Thế nhưng, ở chính nơi gia đình ông sinh sống, biệt thự kiến trúc Pháp tại 32 Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm), tay máy lãng tử đất Hà Thành phải thừa nhận rằng mọi thứ đang bị lãng quên.

Những tù túng trong căn nhà nhỏ xíu vẻn vẹn vài mét vuông, xây chồng hai tầng, được ông cất lên từ mảnh vườn trong khuôn viên ngôi biệt thự như một minh chứng hiển nhiên rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”. “60 năm trước, tôi về sống tại biệt thự Pháp này, khi đó là một ngôi nhà vắng chủ. Cảm xúc đầu tiên là sự lãng mạn và quyến rũ. Căn hầm ngôi biệt thự là nơi tôi tá túc, lúc nào cũng mát rượi và đặc biệt, ở đây có sự yên tĩnh đến kỳ diệu. Về sau, khi tôi lấy vợ, căn hầm là nơi lý tưởng để bà xã tôi tập đàn…”, NSNA Quang Phùng cho biết. Ông trầm giọng, xóm Hạ Hồi trước kia đa số là nơi ở của mật thám Pháp. Ngày đó không có nhà cao tầng, ngồi trong biệt thự tôi có thể ngắm mặt trời mọc, rất lãng mạn.

Rồi sự lãng mạn chẳng thể kéo dài. Cuộc sống gia đình với số lượng thành viên mỗi ngày một tăng, ngôi biệt thự tiếp tục được phân về nhiều hộ gia đình khác, đến nay có 6 hộ gia đình cùng sinh sống. Gánh nặng thời gian, cơm áo… khiến căn biệt thự vốn đẹp đẽ, nên thơ trở nên xập xệ, hoang tàn. “Ngôi nhà có kiến trúc đẹp đẽ là vậy, đáng ra phải được giữ gìn thì nay, vì cuộc sống mưu sinh, các gia đình tìm cách cơi nới. Phía trong hầm căn biệt thự, nền nhà ẩm ướt, sụt lún, nhiều khi nước ngập mắt cá chân. Gạch ngói chỉ chực rơi vỡ, chúng tôi phải tìm cách chăng dây, chống đỡ…”, nghệ sĩ già tâm tư. Cũng như bao người dân đang sinh sống trong những biệt thự cũ của Hà Nội, chủ nhân của biệt thự số 32 Hạ Hồi đã nhiều lần kêu cứu, mong mỏi công trình kiến trúc vốn được liệt vào “quỹ di sản” của Hà Nội phải được quan tâm tương xứng với giá trị lịch sử mà nó đang gồng gánh. Thế nhưng, “chúng tôi kêu mãi, rồi đến giờ cũng chẳng biết kêu ai. Nhà thì vẫn của Nhà nước, muốn sửa chữa đều không được. Kết cấu ngôi nhà qua cả thế kỷ đã rã rời, người dân cũng không dám tác động vì rất có thể, chỉ cần dỡ ra một phần là ngôi nhà có thể bị sụp xuống”, NSNA Quang Phùng nói.

Chuyện ở 32 Hạ Hồi không hiếm gặp. Hàng loạt biệt thự Pháp cũ, nếu không thuộc diện cơ quan công quyền quản lý, sử dụng và thường xuyên được tu bổ, tôn tạo thì hầu hết đều đang chưa được quan tâm đúng mức. “Người ta vẫn nói biệt thự cũ là di sản vô giá của Hà Nội, nhưng có lẽ tất cả những điều đó chỉ tồn tại… trên giấy”, NSNA Quang Phùng bộc bạch. Câu chuyện “lực bất tòng tâm” trong bảo tồn di sản biệt thự cũ ở Hà Nội cũng được KTS Đặng Thái Hoàng thừa nhận. Bảo tồn kiến trúc cũ trong điều kiện dân số tăng mạnh rất khó. Trong khi nhiều biệt thự xuống cấp trầm trọng, chưa được tháo gỡ thì vì những bức bối mưu sinh mà không ít người dân can thiệp thô bạo vào hình thái kiến trúc truyền thống của chính những thực thể đó, chính quyền nhiều nơi cũng chẳng quan tâm. Số phận của những di sản đô thị này vì thế vẫn lay lắt, mòn mỏi chờ đợi cuộc hồi sinh. 

 Hà Nội nhiều lần quyết tâm “hồi sinh” các biệt thự cũ. Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đã xác định mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Cạnh đó, thành phố liên tiếp ban hành nhiều kế hoạch, đánh giá thực trạng và xác định giải pháp cụ thể trong bảo tồn các ngôi biệt thự Pháp cũ. Thế nhưng, vẫn chỉ là… trên giấy.

THU TRANG - QUỲNH HOA

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top