“Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại”

VHO- Đó là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức hôm qua 11.5 tại Hà Nội.

“Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại” - Anh 1

 Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023). Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm thành kính tưởng nhớ, tri ân và làm rõ thêm công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Di sản của Người dẫn lối, thiết kế tương lai cho dân tộc

Đây cũng là dịp đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh; tăng cường bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

GT.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người đã có nhiều cống hiến xuất sắc, vạch đường, dẫn lối, thiết kế tương lai cho dân tộc Việt Nam. “Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; hết mình vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Các dân tộc tìm thấy trong di sản của Người một hướng đi thích hợp, phương pháp cách mạng và khoa học cho cuộc đấu tranh vươn tới những mục tiêu cao cả của thời đại. Kiên định, vững vàng trên nền tảng di sản Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã và đang thực hiện thắng lợi ước nguyện của Người về “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau giá trị di sản quý báu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với đặc điểm dân tộc và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất. Sự nghiệp về văn hóa của Người đồ sộ và phong phú. Với Người, văn hóa là động lực và mục tiêu của sự phát triển trong thời đại mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu hình về nhân cách cao đẹp của người cách mạng, là vị lãnh tụ gần gũi nhân dân; là sự kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa, đạo đức Việt Nam, để những hệ giá trị ấy mang tính phổ quát và bền vững”.

“Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại” - Anh 2

 Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch

Gắn kết phát triển văn hóa với xây dựng con người

Nhằm phát huy các giá trị di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Lý Việt Quang cho rằng, phải quan tâm sâu sắc hơn vào công tác giáo dục: “Nhờ giáo dục, thông qua giáo dục, con người ngày càng được phát triển toàn diện, hoàn thiện nhân cách. Giáo dục giúp tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển trong tương lai của đất nước. Thông qua quá trình học tập, phẩm chất của Người sẽ không ngừng được tăng lên và giúp nhân cách con người ngày càng phát triển, hoàn thiện. Có được phẩm chất của Người mới thật sự trở thành một công dân tốt và hướng đến trở thành người cán bộ tốt. Việc giáo dục, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thực hiện cho tất cả mọi người; có sự vào cuộc mạnh mẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, lý luận phải gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động, sản xuất”.

ThS Cù Thị Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội; trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Đơn cử tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong thời đại công nghệ 4.0, chúng tôi đang tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về di sản mà Người để lại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình, các địa phương xây dựng chương trình giáo dục từ xa, giao lưu, tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm. Trang thông tin điện tử cũng được xây dựng, bổ sung nhiều tiện ích nhằm giúp người dân, khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ được hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng và thuận tiện”, ThS Cù Thị Minh đề xuất.

ThS Nguyễn Thị Thu Trang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội cần chủ động hơn trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… Trong đó, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Cùng với đó, các cơ quan Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành các văn bản chỉ đạo để nhận thức về quan điểm, nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người theo tư tưởng của Người ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn; tạo sự gắn kết phát triển văn hóa với xây dựng con người, lấy việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm trọng tâm. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc