Điểm đến thượng đỉnh

VHO- Indonesia đã chọn Labuan Bajo - quê hương của rồng Komodo làm địa điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 42 diễn ra từ ngày 9 đến 11.5.2023. Nằm trên bờ biển Flores, ở phía Tây của đảo Flores, là hòn đảo lớn nhất trong ba đảo chính của tỉnh Đông Nusa Tenggara bên cạnh Sumba và phần phía Tây của Timor, Labuan Bajo từng là điểm đến nổi tiếng của đất nước vạn đảo.

Điểm đến thượng đỉnh - Anh 1

Một góc đảo Labuan Bajo. Ảnh: TTXVN

Bốn năm về trước, trong chiến dịch khôi phục hình ảnh điểm đến để thu hút khách, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ định Labuan Bajo là một trong năm điểm đến du lịch ưu tiên và cũng từ đó, đảo đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn. Với việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 42 tại Labuan Bajo, Indonesia mong muốn mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho tất cả các đại biểu, đồng thời là cơ hội quảng bá cho điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới này. Labuan Bajo cũng chỉ là điểm du lịch tiềm năng, cơ sở hạ tầng đang còn nhiều hạn chế. Thế mà Indonesia quyết tâm tổ chức một hội nghị lớn tầm cỡ khu vực tại đây, điều đó cho thấy nước chủ nhà đã nỗ lực nhường nào trong công tác quảng bá hình ảnh.

 Chưa hết. Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham quan và thưởng ngoạn hoàng hôn vùng biển Labuan Bajo, Tây Manggarai, Đông Nusa Tenggara trên con tàu du lịch AYANA Lako Di’a. Hoạt động của các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nằm trong kế hoạch của nước chủ nhà quảng bá du lịch Labuan Bajo đến với thế giới. Một công đôi việc, không thể nào tuyệt vời hơn.

Trên thực tế, việc chọn các di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới, các điểm du lịch… là nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh khu vực hoặc thế giới không phải là hiếm. Không chỉ là điểm tổ chức hội nghị đơn thuần, có thể xem đây là loại hình du lịch MICE cao cấp, quảng bá và mời gọi du khách đẳng cấp quốc tế.

Ở khía cạnh khác, việc lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị thế giới cũng là thông điệp mà nước chủ nhà muốn gửi gắm. Thành phố Hiroshima là nơi được Nhật Bản chọn làm điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày 19-21.5 tới là một ví dụ. Phát biểu với truyền thông sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Schloss Elmau, miền nam Đức, ngày 28.6.2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói: “Tôi muốn biến hội nghị sắp tới thành nơi để các nhà lãnh đạo thể hiện cam kết mạnh mẽ từ Hiroshima là không bao giờ lặp lại nỗi kinh hoàng của vũ khí hạt nhân và phản đối các cuộc xâm lược quân sự”. Nằm ở phía tây Nhật Bản, Hiroshima là một trong hai thành phố của Nhật Bản bị tàn phá bởi vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh “không có nơi nào khác phù hợp hơn Hiroshima để thể hiện cam kết hòa bình”.

Cho dù lý do gì thì nơi tổ chức các hội nghị lớn khu vực hoặc quốc tế là sự lựa chọn đầy chủ ý, thể hiện thông điệp mạnh mẽ của nước chủ nhà và cách quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thông du lịch mạnh mẽ và hiệu quả.

Âu cũng là gợi ý cho Việt Nam. Thay vì mặc định tại Hà Nội thì cũng có thể tổ chức tại Quảng Ninh, nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long hay Ninh Bình, nơi có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và nhiều địa điểm khác. Đương nhiên không phải muốn là được. Tổ chức một hội nghị tầm cỡ quốc tế phải đảm bảo yêu cầu an ninh, cơ sở hạ tầng, công tác hậu cần… tốn kém và đòi hỏi các điều kiện ngặt nghèo. Nhưng không gì là không thể. Nước khác làm được thì ta cũng có thể. Cái được lớn nhất là thu hút truyền thông quốc tế, cơ hội ngàn vàng quảng bá và kêu gọi du khách mà nhiều khi bỏ số tiền lớn để quảng bá và xúc tiến du lịch chưa chắc đã hiệu quả bằng. 

 TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc